Sau 3 ngày nghỉ Tết số ca cấp cứu vì tai nạn giao thông giảm so với Tết Kỷ Hợi
- Y học 360
- 12:55 - 27/01/2020
Theo Vietnamplus, thông tin từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết trong 3 ngày, tính từ 7 giờ sáng 23 đến ngày 26/1, tại các cơ sở khám chữa bệnh của cả nước có hơn 95.000 bệnh nhân đang điều trị (giảm 11,6% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019).
Các bệnh viện đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công, đón 8.403 trẻ chào đời.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, số ca cấp cứu do ẩu đả giảm mạnh. Cụ thể, trong 3 ngày nghỉ Tết có 1.660 ca cấp cứu tai nạn do ẩu đả (giảm 499 trường hợp so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi), chiếm 2% trong tổng số ca cấp cứu tại các bệnh viện, trong đó có 1.213 ca phải nhập viện điều trị, 5 trường hợp tử vong (giảm 3 trường hợp so với Tết Kỷ Hợi).
Tính đến mùng 2 Tết, có gần 14.500 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trả lời Vnexpress, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết so với Tết năm ngoái, năm nay giảm nhiều mặt, từ số ca tai nạn giao thông đến đánh nhau, ngộ độc, giúp giảm tổng số ca cấp cứu.
Cụ thể, số ca do đánh nhau là 1.660, giảm gần 500 ca; trong số này có 5 người tử vọng, giảm 3 người so với tết trước.
Về rối loạn tiêu hoá, ngộ độc thức ăn, trong 3 ngày tết có 910 trường hợp khám, cấp cứu, giảm 222 trường hợp, trong đó có 236 ca ngộ độc rượu bia (giảm 45 trường hợp), 221 ca ngộ độc thức ăn tự chế biến (giảm 36 trường hợp).
Tại các cơ sở khám chữa bệnh có hơn 95.000 bệnh nhân đang điều trị, giảm hơn 11%.
Nghị định 100 quy định xử phạt người lái xe có cồn (do uống bia, rượu) trong cơ thể được đánh giá có tác động tích cực trong việc giảm tai nạn giao thông liên quan bia rượu. Chỉ trong tuần đầu tiên nghị định có hiệu lực, nhiều bệnh viện thông báo số ca cấp cứu liên quan giảm mạnh, có nơi giảm đến 50%.