Xã nghèo trước nguy cơ lỡ mùa vụ do biển xâm thực
- Tây Y
- 00:20 - 05/01/2017
Hàng trăm mét bờ biển tại xã Vinh Hải (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) bị sạt lở nghiêm trọng trong khoảng thời gian mới đây
Vinh Hải là một trong những điểm nóng về sạt lở bờ biển, biển xâm thực tại Thừa Thiên Huế cùng với các xã như: xã Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), xã Hải Dương (thị xã Hương Trà), Vinh Thanh (huyện Phú Vang)… Gần như năm nào, địa phương này cũng xảy ra sạt lở bờ biển. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, mỗi năm biển lại lấn sâu vào đất liền từ 10 – 20m. Chỉ tính riêng từ tháng 10/2016 đến nay, biển đã xâm thực vào đất liền ở Vinh Hải từ 20 - 25m, trên chiều dài gần 3km/tổng số 4km bờ biển.
Vào trưa ngày 29/12/2016, một đợt triều cường cùng sóng biển dâng cao, giật mạnh liên tục tạo áp lực lớn, vỗ mạnh vào bờ đã xé toạc dải bờ cát dài hơn 20m tạo thành một cửa biển mới, nước biển tràn vào đất liền, tại thôn 4. Theo quan sát của phóng viên, không chỉ mở một cửa biển mới, mà một dải bờ cát dài hàng trăm mét ở đây cũng bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền trên 10m.
Biển xâm thực sâu vào đất liền từ 20 - 25m
Hiện tượng sạt lở bờ biển tại Vinh Hải hết sức nghiêm trọng
Ông Lê Quý (52 tuổi), người dân thôn 4, xã Vinh Hải cho biết, sự việc mở cửa biển mới tại địa điểm này là lần đầu tiên ông thấy trong suốt nhiều năm qua. “Hôm xảy ra sự việc, có gió mạnh làm sóng biển dâng cao tạt vào bờ liên tục. Sau khi dãi bờ cát dài 20m bị xé toạc, nước biển tràn vào bên trong đất liền cao đến ngang ngực”, ông Quý nhớ lại.
Ông Lê Quý miêu tả lại cảnh nước biển dâng cao như thế nào
Cũng theo người dân xã Vinh Hải, việc nước biển tràn vào đất liền đã làm chết cá nuôi trong hồ, xâm mặn ruộng lúa, nhiều diện tích mạ mới gieo bị hư hại, bị chết… thiệt hại quá nhiều.
“Năm trước, gia đình tôi có làm nửa sào lạc ở gần khu vực cửa biển mới mở, nhưng không thu hoạch được gì do đất bị nhiễm mặn làm chết hết lạc. Nhiều ruộng lúa của người dân ở đây cứ đến mùa khô là lúa lại chết cũng bở lý do tương tự. Như các anh thấy đấy, phía sau bờ cát là các hồ nuôi cá, nhưng các chủ hồ đã bỏ không lâu nay do nước trong hồ đã bị nhiễm mặn. Thậm chí dù không thả, nhưng đến cuối năm, tháo hồ họ lại bắt được một vài con cá biển ở trong hồ. Bây giờ, biển lại mở cửa mới thì không biết việc nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp của chúng tôi sẽ còn gặp những khó khăn như thế nào nữa. Chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý Nhà nước sớm có biện pháp khắc phục, gia cố bờ biển, làm bờ kè kiên cố để hiện tượng sạt lở bờ biển, mở cửa biển mới không tiếp tục xảy ra để người dân an tâm sinh sống và làm ăn”, ông Lê Thuận (53 tuổi, ở thôn 4, xã Vinh Hải) không khỏi lo lắng.
Một cửa biển mới được hình thành sau khi dải cát dài khoảng 20m bị triều cường và sóng biển xé toạc
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chỉ tịch UBND xã Vinh Hải xác nhận đây là lần đầu tiên bờ biển xã Vinh Hải bị xâm thực mạnh gây sạt lở nghiêm trọng và mở cửa biển mới. “Việc mở cửa biển tại thôn 4 khiến người dân trong xã hết sức bất an, lo lắng; làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Theo ước tính, hiện tượng nói trên có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới 300ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 160ha đất trồng lúa”, theo lời ông Dũng.
Ông Dũng còn cho biết thêm, có một dự báo trong vụ Đông Xuân 2016 – 2017, số diện tích này có thể không sản xuất được do bị nhiễm mặn. Không chỉ đe dọa đến mùa vụ mà hiện tượng biển xâm thực còn gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của 3.200 hộ dân trên địa bàn xã Vinh Hải; đe dọa đến sự an toàn của đường Tỉnh lộ 21, tuyến đường chính dẫn vào trung tâm xã Vinh Hải.
Cửa biển mở đe dọa đến hàng trăm diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân Vinh Hải
Thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, bước đầu, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo huyện Phú Lộc, xã Vinh Hải huy động nhân vật lực triển khai “hàn khẩu” tạm thời khu vực mới sạt lở và mở cửa biển với chiều dài khoảng 200m khi thời tiết ổn định. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời trước mắt, còn về lâu dài, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình lên Trung ương, Dự án xử lý khẩn cấp khu vực sạt lở bờ biển từ Thuận An (Phú Vang) – cửa Tư Hiền (Phú Lộc). Dự án này nằm trong chương trình biến đổi khí hậu của Nhà nước với tổng kinh phí dự toàn vào khoảng 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên qua tìm hiểu của chúng tôi, ở khu vực mới xảy ra hiện tượng mở cửa biển thì hầu như là không có rừng phòng hộ. Khi chúng tôi hỏi một người dân về rừng dương ở khu vực này là như thế nào thì được cho biết, đó là dương của người dân chứ không phải rừng phòng hộ. Thậm chí người đàn ông này còn cho biết, mới ngày hôm trước, tức sau khi xảy ra hiện tượng mở cửa biển, ông còn ra cưa mấy cây dương mang về bán lấy tiền vì sợ sóng biển vào cuồn lấy đi mất, uổng phí. Lý giải về việc ở đây không có rừng phòng hộ, người dân cho rằng, trước đây bờ cát rộng ra phía biển hàng trăm mét và rừng phòng hộ khi đó là những cây rứa gai biển. Dần dần, bờ biển sạt lở, ăn sâu vào đất liền, đến tận khu vực rừng dương của người dân.
Vậy thiết nghĩ, chính quyền địa phương cũng nên sớm có biện pháp nhằm hình thành rừng phòng hộ ở khu vưc này, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, chỉ đến khi bờ biển sạt lở nghiêm trọng mới đi kêu thì đã muộn.
Một gốc dương mới bị chặt nằm ngay chính giữa cửa biển mới mở