Sao đối xử với “bảo vật quốc gia” thô lỗ vậy?!
- Tây Y
- 00:36 - 09/05/2019
Tác phẩm này được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, và việc làm vệ sinh tác phẩm được giao cho ông Lưu Minh P. – một họa sĩ sơn mài ở TP.HCM.
Tuy nhiên, do không hiểu biết về nghệ thuật hội họa sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí nên ông P. đã sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp 2000 để vệ sinh, khiến bề mặt bức tranh bị can thiệp quá mức, dẫn đến hư hại về tinh thần, không gian, không khí, phần linh hồn của tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá lên tới trên 30%.
Đó là một tổn thất nặng nề, một sai lầm không thể sửa chữa, khắc phục!
Bức tranh Vườn Xuân Trung Nam Bắc đã bị hư hỏng nặng nề
Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản. Việc công nhận danh hiệu Bảo vật quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.
Những người có điều kiện đi thăm bảo tàng nghệ thuật các nước đều có thể dễ dàng nhận thấy, công tác bảo vệ những tác phẩm được liệt vào hàng “bảo vật” được thực hiện một cách nghiêm cẩn đến mức nào. Những người có hành vi xâm phạm, gây tổn hại đến những tác phẩm này đều có thể phải lãnh nhận những mức trừng phạt hết sức nghiêm khắc.
Còn ở ta, vi phạm nghiêm trọng như vậy, gây nên hậu quả lớn đến như vậy, nhưng cuối cùng cũng chỉ bị đề nghị “rút kinh nghiệm sâu sắc” (!).
Việt Nam ta hiện có 7 bức tranh được công nhận là “bảo vật quốc gia”, ngoài bức “Vường Xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí, còn có các bức “Bình phong” cũng của Nguyễn Gia Trí, “Hai thiếu nữ và em bé” của Tô Ngọc Vân, “Em Thúy” của Trần Văn Cẩn, “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” và “Thanh niên Thành đồng” của Nguyễn Sáng, “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” của Dương Bích Liên, “Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm. Tất cả những tác giả ấy đều đã qua đời, và tác phẩm có độ tuổi “trẻ” nhất cũng hơn nửa thế kỷ.
So với những bức họa ra đời từ thời Phục hưng hay Cổ điển ở phương Tây thì những tác phẩm này còn rất “mới”, nhưng dẫu sao cũng đã “có tuổi” và đối diện nguy cơ hư hỏng nếu không được bảo tồn đúng cách.
Bức tranh "Em Thúy" và nguyên mẫu hiện nay
Sau sự việc đáng buồn với tác phẩm ‘Vườn Xuân Trung Nam Bắc’, cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT&DL) đã kiến nghị cần sớm ban hành văn bản hưởng dẫn về chế độ bảo quản đặc biệt đối với các bảo vật quốc gia.
Tuy nhiên, đó chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật. Điều quan trọng là những người có trách nhiệm cũng như công chúng thưởng ngoạn nghệ thuật phải thể hiện được thái độ ứng xử trân trọng, có ý thức giữ gìn bảo vật với những điều kiện nghiêm cẩn nhất.
Muốn vậy, vấn đề này cần phải được luật hóa, với những hình thức chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi gây tổn hại đối với bảo vật.
Chúng ta đã đánh mất nhiều di sản, trong đó có không ít bảo vật mà ông cha để lại. Vì vậy, giờ đây cần phải hành động kịp thời và dứt khoát để những bảo vật không tiếp tục bị mai một, hao mòn, mất mát.