Sáng tạo vì một thế giới không rác thải
- Y học 360
- 13:44 - 22/02/2019
Hội đồng Anh tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Coca-Cola Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo Đối thoại chính sách về quản lý rác thải. Ảnh minh họa.
Ngày 28/2/2019, tại Thừa Thiên - Huế, Hội đồng Anh tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Coca-Cola Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo Đối thoại chính sách về quản lý rác thải trong khuôn khổ Dự án “Sáng tạo vì một thế giới không rác thải” được thực hiện trong 3 năm (2018-20201).
Việt Nam, là một trong năm quốc gia, bên cạnh Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia và Phillipines, có lượng rác thải nhựa xả ra biển lớn nhất thế giới. Theo the Economist, lượng rác thải nhựa xả ra biển chỉ tính riêng của năm quốc gia châu Á này hiện bằng của tất cả các quốc gia khác trên thế giới cộng lại. Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng rác thải đang ngày càng nghiêm trọng và tại Việt Nam, theo thống kê, trung bình mỗi ngày phát sinh 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt và con số này dự kiến đến năm 2020 sẽ là 20 triệu tấn/ngày. Bên cạnh đó, vấn nạn ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Việt Nam, tuy nhiên, vấn đề quản lý rác thải cũng đang ở tình trạng báo động do nhận thức của người dân chưa cao và chưa có các giải pháp toàn diện. Để giải quyết vấn đề này cần có sự đóng góp và nỗ lực đến từ chính phủ, các cấp từ trung ương tới địa phương, các tổ chức, trường học và ngay ở từng công dân trong cộng đồng.
Hướng tới việc nâng cao nhận thức của công chúng và tạo ra các sáng kiến và hành động cụ thể trong việc thu thập, tái sử dụng và tái chế nhựa và rác thải rắn, tháng 10/2018, Hội đồng Anh và Coca-Cola Việt Nam đã chính thức giới thiệu Dự án Sáng tạo vì một thế giới không rác thải. Dự án hợp tác giữa Hội đồng Anh và Coca-Cola trong ba năm (2018 - 2020) và trong năm đầu tiên, dự án được lựa chọn thí điểm thực hiện tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, phối hợp với Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế thực hiện từ tháng 9/2018 đến tháng 3/2019.
Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cho biết: “Du lịch Huế hiện là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tuy nhiên, du lịch cũng được xác định là một trong những tác nhân có nhiều ảnh hưởng xấu tới môi trường nếu không có giải pháp khắc phục. Chúng tôi rất vui mừng được lựa chọn tham gia dự án Sáng tạo vì một thế giới không rác thải. Huế hiện đang là một trong những địa phương tiên phong trong việc thực hiện du lịch có trách nhiệm. Chúng tôi đã thực hiện nhiều hoạt động làm sạch môi trường, kêu gọi nhiều thành phần cùng tham gia tích cực hơn, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, phối hợp với các bên liên quan tổ chức rất nhiều các hoạt động trong đó có những hoạt động tiêu biểu và cho thấy hiệu quả rõ rệt như nhặt rác “Cảm ơn dòng Hương” hay gần đây nhất là hoạt động phát động “Ngày Chủ nhật xanh-Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm Xanh-Sạch-Sáng”.
Là một trong ba hợp phần của dự án thí điểm tại Huế, hội thảo Đối thoại chính sách về quản lý rác thải sẽ là cơ hội để các đại biểu đến từ các cơ quan trong nước và quốc tế, các Sở, ban, ngành tại địa phương và cộng đồng thảo luận về thực trạng quản lý rác thải tại Việt Nam và Vương Quốc Anh, từ đó mở ra những giải pháp nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề này thông qua phần chia sẻ những sáng kiến, bài học kinh nghiệm và cách thức triển khai của tỉnh Thừa Thiên Huế và Vương quốc Anh để tiếp tục duy trì những tác động của dự án tới các địa phương sau này.
sinh viên tạo ra những vật dụng hữu ích bằng cách tái chế chai nhựa. Ảnh minh họa.
“Ý tưởng sáng tạo không phải là cái gì quá cao siêu, mà nó giúp mang lại những sự thay đổi tích cực. Thông qua các khóa tập huấn về kỹ năng quản lý rác thải theo hướng tiếp cận của Chương trình công dân tích cực do Hội đồng Anh thực hiện với ba trường THPT tại Huế trong sáu tháng vừa qua, chúng tôi không chỉ trang bị cho các thầy cô giáo và các em học sinh kiến thức, kỹ năng về quản lý rác thải mà còn truyền cảm hứng về tinh thần công dân tích cực, mong muốn tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng hướng tới sự phát triển bền vững. Năm 2018, những con số đáng báo động về rác thải nhựa được đưa ra đã khiến thế giới thức tỉnh và các chính phủ đã và đang bắt đầu hành động trong đó phải kể tới sự vào cuộc của chính các doanh nghiệp như Coca Cola. Doanh nghiệp xã hội là hướng tiếp cận giúp đưa ra những giải pháp hữu hiệu cho cả hai mục tiêu phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường nhằm xây dựng xã hội vững mạnh”, bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam nhấn mạnh.
Với sự hỗ trợ và cố vấn của các giảng viên nguồn, các nhóm dự án hành động vì môi trường đã được triển khai và đang cho kết quả rất tích cực. Thể hiện rõ nhận thức sâu sắc đối với việc bảo vệ môi trường, những sáng kiến của các em học sinh vô cùng sáng tạo và rất đa dạng. Cụ thể như Nhóm The Sharks - Nghệ thuật rác vì cộng đồng - tái chế các vỏ chai nhựa, túi ni lông đã qua sử dụng thành các tác phẩm nghệ thuật. Những sản phẩm này được bán để gây quỹ cho các em bệnh nhi nghèo. Hay dự án Gạch Polyme - sản xuất thành công sản phẩm gạch làm từ rác nhựa, đạt yêu cầu kỹ thuật của vật liệu xây dựng. Dự án Xà phòng xanh lại có cách tiếp cận khác khi sản xuất ra các bánh xà phòng từ nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. 12 dự án hành động vì môi trường sẽ được trưng bày tại Hội thảo Đối thoại chính sách về quản lý rác thải.
Bà Lê Từ Cẩm Ly, Giám đốc Pháp lý và Đối ngoại, Coca-Cola Đông Dương chia sẻ: “Coca-Cola với chiến lược toàn cầu “Thế giới không rác thải” đặt mục tiêu đến 2030 thu gom và tái chế tương đương 100% số chai và lon sản phẩm bán ra trên thị trường. Bên cạnh những hợp tác đầu tư phát triển hệ thống thu gom, khuyến khích phân loại rác tại nhà cũng như tìm kiếm các giải pháp tái chế nhựa, xây dựng nhận thức và kêu gọi sự tham gia của thế hệ trẻ cho các giải pháp quản lý tái chế rác thải nhựa là vô cùng quan trọng. Chương trình hợp tác cùng Hội đồng Anh đem đến một cái nhìn sáng tạo hơn, thú vị hơn và gần gũi hơn cho những giải pháp quản lý rác thải nhựa. Mỗi một ý tưởng được đưa ra thực sự tạo nên những tác động rất lớn và chúng tôi mong muốn chương trình là nguồn cảm hứng mới cho thầy cô, các em và cộng đồng".