CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:52

Sáng tạo của Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng

1.Vào những năm 20 thế kỷ XX, trong một số bài viết về Lênin, về Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định sự cần thiết phải thành lập Đảng Cộng sản theo học thuyết Mác - Lênin ở các nước thuộc địa.

Trong tác phẩm  “Đường Cách mệnh”, Người nêu rõ: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi.

Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân. Tính chất giai cấp công nhân của Đảng được thể hiện cụ thể trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Đảng phải được tổ chức chặt chẽ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, phải đoàn kết thống nhất, lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật phát triển và phải có kỷ luật nghiêm minh.

Đó là nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác - Lênin về xây dựng Đảng Cộng sản được Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Người khẳng định vấn đề có ý nghĩa quyết định trong xây dựng Đảng là: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy.

Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có la bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.

Song, theo Người, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin “làm cốt”, nhưng không được giáo điều, rập khuôn máy móc, mà phải hiểu bản chất cách mạng và khoa học của học thuyết này để vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của từng quốc gia, dân tộc, phải đề ra đường lối cách mạng đúng đắn.

 Chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam, một nước thuộc địa, Người chú ý đến lý luận và mô hình tổ chức. Sinh hoạt trong Đảng Cộng sản Pháp, công tác ở Quốc tế Cộng sản, trực tiếp tìm hiểu Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng cộng sản anh em khác, Người tiếp thu nhiều tri thức và kinh nghiệm, đồng thời chú ý đến đặc điểm xã hội và con người phương Đông để vận dụng nguyên lý xây dựng đảng kiểu mới của Lênin ở Việt Nam.

Chủ tịch Hồ chí minh

Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng Cộng sản ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân. Nếu chỉ bản thân phong trào công nhân thì không thể dẫn tới thành lập Đảng Cộng sản, điều mà Lênin đã từng chỉ ra: "Lịch sử tất cả các nước chứng thực rằng, chỉ do lực lượng của độc bản thân mình thôi thì giai cấp công nhân chỉ có thể đi đến ý thức công liên chủ nghĩa”.

2. Trong điều kiện Việt Nam và các nước thuộc địa, Hồ Chí Minh cho rằng, tính chất Đảng Cộng sản không chỉ ở thành phần xuất thân từ công nhân hết thảy, mà là ý thức tư tưởng chính trị và theo đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Trong hoàn cảnh một nước thuộc địa lạc hậu, Việt Nam chưa có đủ những tiền đề cơ bản cho một Đảng Cộng sản ra đời như ở Liên Xô và một số nước khác. Hồ Chí Minh đã sáng tạo trong việc kết hợp nhân tố dân tộc và nhân tố giai cấp để thành lập Đảng Cộng sản.

Nhân tố dân tộc là chủ nghĩa yêu nước, nhân tố giai cấp là chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân.Trong điều kiện giai cấp công nhân Việt Nam chưa phát triển về số lượng, để tổ chức thành lập Đảng Cộng sản, Người coi trọng việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.

Theo Người, một đảng chân chính không thể là tổ chức biệt lập, đóng kín, mà phải gắn bó mật thiết, hữu cơ với dân tộc và giai cấp, phải tiêu biểu cho cuộc đấu tranh của dân tộc và giai cấp, phải là hạt nhân lãnh đạo và đoàn kết dân tộc và giai cấp, phải đại biểu cho giai cấp dân tộc.

Quan điểm đó được Người thể hiện rõ trong tác phẩm Đường cách mệnh, và trước đó, năm 1924 Người đã khẳng định: "Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước". Bằng việc tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, gồm những người thanh niên yêu nước có học vấn, Người đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.

Hai phong trào này hấp thụ mạnh mẽ chủ nghĩa Mác - Lênin tạo nên sự thay đổi về chất, trở thành hành động cách mạng của các giai cấp, tầng lớp trong dân tộc Việt Nam.

Phương thức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam là sáng tạo của Hồ Chí Minh trên đường thành lập Đảng. Sau này, Người đã tổng kết thành một luận điểm quan trọng: Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kết hợp nhân tố dân tộc và nhân tố giai cấp trong thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là sáng tạo nổi bật của Hồ Chí Minh.

3. Trong các văn kiện tạo thành Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt) do Hồ Chí Minh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (3/2/1930) xác định: "Đảng tập hợp đa số quần chúng nông dân, chuẩn bị cách mạng thổ địa và lật đổ bọn địa chủ và phong kiến.

Đảng giải phóng công nhân và nông dân thoát khỏi ách tư bản. Đảng lôi kéo tiểu tư sản, trí thức và trung nông về phía giai cấp vô sản; Đảng tập hợp hoặc lôi kéo phú nông, tư sản và tư bản bậc trung, đánh đổ các đảng phản cách mạng...".

 Người phân tích rõ: “Tư bản bản xứ không có thế lực gì, ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được". Chủ trương lôi kéo các giai cấp, các tầng lớp, kể cả giai cấp tư sản dân tộc vào mặt trận đoàn kết dân tộc chống đế quốc và phong kiến là một sáng tạo của Hồ Chí Minh.

 Bởi, Người nắm chắc thực tiễn Việt Nam, đánh giá đầy đủ mặt tích cực của họ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Rõ ràng, Hồ Chí Minh đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu trong khi vẫn không xa rời lập trường giai cấp công nhân. Đây là chủ trương đúng đắn và triệt để mà Người đã kiên trì chuẩn bị khá lâu, thể hiện sự sáng tạo độc đáo của Hồ Chí Minh cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nét sáng tạo nữa trong việc đặt tên Đảng và chủ trương giải quyết vấn đề Đảng trong khuôn khổ mỗi nước Đông Dương, trong khi Quốc tế Cộng sản có chỉ thị thành lập một Đảng Cộng sản chung cho ba dân tộc Đông Dương.

Trong thảo luận tại Hội nghị thành lập Đảng, Hồ Chí Minh giải thích: "Cái từ Đông Dương rất rộng và theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, vấn đề dân tộc là vấn đề rất nghiêm túc, người ta không thể bắt buộc các dân tộc khác gia nhập Đảng, làm như thế là trái với nguyên lý của chủ nghĩa Lênin.

Còn cái từ An Nam thì hẹp, mà nước ta có ba miền: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Do đó, từ Việt Nam hợp với cả ba miền và cũng không trái với nguyên lý của chủ nghĩa Lênin về vấn đề dân tộc", nên Hội nghị nhất trí với cách giải thích của Người và đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chủ trương đó của Người tuân thủ những nguyên lý xây dựng đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lênin, có tính đến yếu tố dân tộc, nhằm thức tỉnh ý thức dân tộc, khơi dậy sức mạnh của ba dân tộc Đông Dương, đồng thời tạo ra sự tin cậy về chính trị để đoàn kết, giúp đỡ nhau một cách tự nguyện, bình đẳng và có hiệu quả.

Những sáng tạo của Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở một nước thuộc địa đã được thực tế cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới trong thế kỷ XX kiểm chứng là đúng đắn và khoa học.

Đây là sự cống hiến quan trọng của Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận Mác - Lênin.

Theo Lý luận Chính trị   

(Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh