CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:01

Sáng tạo cách chống dịch chốn non sâu

Từ những lời khẩn cầu bằng tiếng Banar

Vẫn nhớ như in những ngày vượt rừng trong mưa rơi tầm tã đến từng buôn sâu ở Đắk Rong (huyện K'Bang, Gia Lai) tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh, y sĩ Nguyễn Văn Tú cho biết: "Mình là người Kinh, lại trẻ nên khi về đây nhiều bạn bè thấy ái ngại cho mình, nhưng bản thân lại rất háo hức, vì mình biết những nơi này đang cần mình nhất".

Bất đồng ngôn ngữ là rào cản lớn nhất mà y sĩ Tú gặp phải trong hành trình lăn lộn cùng buôn làng. Anh bảo: Đồng bào Banar hay Xêđăng ở Tây Nguyên rất thật thà. Họ càng quý mến và xích lại gần mình hơn khi mình nghe và nói được tiếng của họ. Có một lời khẩn cầu như ghim mãi trong trí nhớ của tôi đó là anh Đinh Mức. Mức quanh năm quần quật trên nương rẫy nên nói tiếng Kinh không sõi. Khi con bị lên cơn sốt co giật, Mức nói một tràng tiếng Banar, mình không hiểu nhưng thấy sắc mặt Mức khẩn thiết nên lao đi ngay. Sau này được "phiên dịch" lại mới hiểu là Mức bảo "cán bộ ơi, cầu mong cán bộ đến cứu con tao…". Từ đó tôi quyết phải học tiếng dân tộc. Mỗi lần dịch bệnh bùng phát, đến từng nhà tuyên truyền bằng ngôn ngữ của họ nên họ hiểu nhanh hơn và làm theo hướng dẫn.

Sáng tạo cách chống dịch chốn non sâu - Ảnh 1.

Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở vùng sâu KRông Bông (Đắk Lắk).

Dọc dài các buôn làng còn gian khó, đường đi cách trở ở KRông (Đắk Lắk) là nơi đông đảo đồng bào M'nông, Banar… sinh sống. Hàng chục cán bộ y tế làm nhiệm vụ bám cơ sở xem việc học thêm tiếng dân tộc là quan trọng để sát dân, gần dân, hiểu dân hơn.

Bác sĩ Võ Thanh Dũng, Trưởng trạm Y tế xã Yang Reh (huyện Krông Bông) tâm sự: Bây giờ đỡ hơn rồi vì đồng bào đã tăng cường hòa nhập và học tiếng Kinh tốt. Trước kia, có người cả năm không ra khỏi xã nên họ chỉ dùng tiếng M'nông. Mỗi lần lội đường đất đến phổ biến các biện pháp cấp thiết ngăn chặn bệnh truyền nhiễm như: Bạch hầu, hô hấp…rất cực. Phải "nói" bằng hình ảnh là chính. Thế nên chúng tôi quyết tâm về nhà các già làng "ăn cơm nắm, rau rừng" để học tiếng đồng bào. Họ rất phấn khởi và hăng say truyền đạt, qua đó tình cảm dân - y càng thắm thiết hơn. Nói gì họ cũng nghe, hiểu ngay. Họ bảo "cán bộ Kinh thuộc cả tiếng mình rồi, là người mình đấy. Nói gì là nghe thôi". "Phiên dịch" đặc biệt

Khi bệnh bạch hầu, Covid-19, sốt rét… diễn biến phức tạp, UBND xã Glar (huyện Đắk Đoa, Gia Lai) lại chọn những cán bộ người đồng bào Banar rành rẽ tiếng Kinh nhất để khi cán bộ y tế tỉnh, huyện hay Trung ương đến phổ biến họ tiếp thu trọn vẹn các biện pháp phòng, chống dịch để về tuyên truyền lại bằng tiếng Banar cho các buôn làng. Thu Hạnh, cán bộ y tế huyện Đắk Đoa đánh giá: Cách làm này rất hiệu quả. Nhất là khi dịch bệnh căng thẳng, cán bộ "dịch" từ tiếng Kinh sang Banar khiến ai cũng háo hức lắng nghe. Tuyệt đối không thờ ơ dịch bệnh. Điều này được minh chứng qua việc có những ngày người dân tập trung xuyên trưa để tiếp nhận các biện pháp bảo vệ sức khỏe.

Sáng tạo cách chống dịch chốn non sâu - Ảnh 2.

Nhân viên y tế vùng sâu Gia Lai tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan từ điện thoại.

Nhiều người đến Đắk Đoa hay huyện biên giới Đắk Pơ (Gia Lai) không còn xa lạ với hình ảnh các buổi tiêm chủng, tiềm phòng, chặn ổ dịch trên loa tuyên truyền vang vọng cả tiếng Kinh và tiếng đồng bào. Đó là cách làm dễ hiểu, hiệu quả ngay trước mắt. Trưởng trạm y tế xã Glar (Đắk Đoa) chia sẻ: Mình nói tiếng Kinh cho tất cả mọi người. Sau đó, xã sẽ cử một cán bộ đến để "dịch" sang tiếng Banar. Thế là ai cũng thông tỏ mọi vấn đề. 100% các khu dân cư đều đồng lòng chống dịch theo các biện pháp, quy định của ngành y tế. Đặc biệt, có người ở rẫy mãi không về, cán bộ vào tận rẫy phổ biến bằng cả hai thứ tiếng.

Gắn bó từ cơ sở, bám các buôn làng rồi Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Krông Bông (Đắk Lắk) bác sĩ Nguyễn Đức Vũ nghiệm ra rằng: Mình hiểu được tiếng, phong tục của đồng bào sau đó xuống tận nơi chống dịch, tiêm chủng, phổ biến bằng tiếng Kinh rồi "dịch" sang tiếng đồng bào rất hữu ích. "Nếm mật nằm gai" cùng buôn sâu suốt nhiều năm, bác sĩ Vũ lận lưng tiếng đồng bào kha khá. Thậm chí nhiều phong tục, thói quen cũng được nắm rõ.

Đó cũng là biện pháp không có trong sách vở nhưng lại rất hữu hiệu khi về công tác ở những nơi gian khó nhất. Mỗi lần đi cơ sở anh lại xông xáo chuyển tải các biện pháp bảo vệ bản thân và cộng đồng trước dịch bệnh một cách hiệu quả. Có những đợt cao điểm chống dịch bạch hầu như tháng 7, 8/2020, xuyên ngày đêm, người người, nhà nhà nói chuyện phòng, chống dịch bệnh rất háo hức.

Sáng tạo cách chống dịch chốn non sâu - Ảnh 3.

Cán bộ người dân tộc ở Đắk Đoa rành tiếng Kinh “phiên dịch” sang tiếng Banar cho đồng bào mình.

Hình ảnh trực quan, sinh động

Một biện pháp phòng dịch được áp dụng sáng tạo và hiệu quả ở các vùng nông thôn Tây Nguyên là tuyên truyền bằng hình ảnh. Các nhân viên Trạm y tế xã Glar (Đắk Đoa, Gia Lai) khẳng định: Dùng điện thoại hiện đại, Ipad lưu hàng ngàn tấm hình sinh động và cách phòng tránh dịch bệnh là hiệu quả nhất. Có những ngày Chủ nhật, sau khi xem 300 tấm hình về cách phòng, tránh Covid-19, bạch hầu… với hàng loạt ảnh: Trắng họng, suy kiệt sức khỏe, người co rúm vì biến chứng… là dân hiểu ngay. Họ còn về diễn tả lại cho người thân và dòng họ của mình.

Có nhiều kinh nghiệm bám địa bàn vùng sâu, bác sĩ Nguyễn Đức Vũ nhìn nhận: Có những tình huống cần tác động nhanh phải phối hợp hình ảnh trực quan để nói với người dân. Họ nhìn vào là thu nhận được ngay.

Sáng tạo cách chống dịch chốn non sâu - Ảnh 4.

Tuyên truyền chống dịch cho bà con dân bản.

Nhiều xã vùng sâu, vùng xa khác như cũng khẳng định được hiệu quả khi dùng hình ảnh trực quan để tuyên truyền. UBND xã Đắk Ruồng và các xã lân cận thuộc huyện Kon Rẫy (Kon Tum) hàng ngày đều tổ chức chiến dịch tuyên truyền phòng, chống Covid-19 đến các khu dân cư. Nghe lý thuyết xong, nhìn hình ảnh, hầu hết mọi người đều hiểu tác hại của hành vi vi phạm về khai báo y tế (không khai báo, khai báo không trung thực); trốn cách ly, không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch; chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch; đưa tin không đúng sự thật lên mạng xã hội… là việc làm sai trái.

Già làng Đinh H'Mốc ở xã Đắk Ruồng cho biết: Cái gì sai trái thì tránh, còn các biện pháp phòng, tránh thì ai cũng phải học thuộc. Thanh niên trai tráng trong các buôn không cho tham gia các trò giải trí vô bổ mà phải đọc và nắm vững các biện pháp phòng chống Covid-19. Người nọ phải giám sát người kia hàng ngày. Ai đi đâu xa hay đi làm ăn lâu ngày về làng cũng phải đến cơ sở y tế khai báo.

HÀ VĂN ĐẠO

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh