THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:44

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Cần một chiến lược dài hạn

 

Thực phẩm hữu cơ đã bắt đầu trở nên quen thuộc với người tiêu dùng

 

Nhiều trở ngại, thử thách

Ông Nguyễn Bá Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Organic Đà Lạt cho hay, DN của ông đang có nhiều đơn hàng xuất khẩu, có đơn hàng quá lớn, vượt năng lực sản xuất của Công ty. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, sở dĩ các DN Việt Nam luôn gặp khó trong sản xuất thực phẩm hữu cơ là do ở thị trường nội địa giá thành sản phẩm còn quá cao so với thu nhập của số đông người tiêu dùng. Hiện nay sản phẩm organic chỉ mới phục vụ cho nhóm người có thu nhập cao và trung bình, phân khúc người tiêu dùng có thu nhập thấp đang bị bỏ ngỏ. Trong khi đó, tại thị trường xuất khẩu, do tính đa dạng về sản phẩm nên DN Việt Nam khó sản xuất được số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu khách hàng các nước.

Một trở ngại nữa khi xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ chính là nhận thức của người dân còn hạn chế. Tập quán sử dụng hoá chất trong sản xuất nông nghiệp nhiều năm qua đã khiến người sản xuất không đủ tự tin để hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chất lượng và an toàn. Điều kiện để chuyển từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ đang còn khó khăn. Theo ông Nguyễn Bá Hùng, nông dân bị từ chối tiếp cận thị trường ở các nước phát triển hữu cơ trong vòng 2-3 năm sau khi bắt đầu canh tác hữu cơ, do các nước này không xác nhận đất và vật nuôi trồng hữu cơ trước thời gian đó, vì họ cho rằng cần thiết phải tẩy dư lượng hoá chất. Ông Hùng cũng cho rằng, phần lớn đất nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh đều đã sử dụng phân hoá học trong thời gian dài, và các vùng đất đã sử dụng chất hoá học cần phải để không 3 năm mới có thể trở thành đất hữu cơ. Trong thời gian này, nông dân có thể sẽ gặp một số tổn thất khi chuyển đổi hoạt động của mình để theo đuổi sản xuất hữu cơ.

 

Ngày càng nhiều các siêu thị, cửa hàng bày ban thực phẩm hữu cơ

 

Bên cạnh đó, thiếu thông tin cũng là một trở ngại rất lớn cho nông dân trong việc chuyển đổi sản xuất, phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay, chính cán bộ khuyến nông cũng hiếm khi được đào tạo đầy đủ về phương pháp hữu cơ, nên nông dân muốn chuyển đổi sang mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, thể chế hỗ trợ ở các nước đang phát triển rất khan hiếm, khó có các tổ chức chuyên nghiệp có khả năng hỗ trợ nông dân trong sản xuất, quy trình sau sản xuất và tiếp thị.

Theo bà Trương Kim Hoa - chủ trang trại Hoa Viên (Thạch Thất) có quy mô khoảng 30ha trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, các đơn vị sản xuất hữu cơ gặp nhiều khó khăn về tài chính, nhất là thiếu vốn đầu tư để áp dụng quy trình sản xuất theo hướng công nghệ cao. Đặc biệt, hiện nay, trong nước chưa có quy định công nhận sản phẩm hữu cơ nên DN, người sản xuất chưa có cơ sở để chứng minh chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng. Trong khi nhiều DN, người sản xuất mong mỏi có quy định cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ thì lộ trình cho ra đời quy định này còn khá ì ạch. Từ năm 2006, Bộ NN&PTNT đã ban hành hành Tiêu chuẩn ngành số 10TCN 602-2006 “Hữu cơ – tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chế biến”. Tuy nhiên, 10 năm qua, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.Hầu hết các trường hợp nông dân và doanh nghiệp sau thu hoạch tìm cách bán sản phẩm của mình ở các nước đang phát triển, phải thuê một tổ chức chứng nhận hữu cơ hằng năm để kiểm tra và xác nhận về việc trang trại và doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn hữu cơ được thành lập bởi những đối tác kinh doanh khác nhau. Chi phí cho dịch vụ này rất tốn kém. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có tổ chức nào đủ tư cách pháp nhân lẫn trình độ xây dựng quy chuẩn để cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ. Chính vì vậy, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất hữu cơ xuất khẩu lại phải nhờ vả các tổ chức nước ngoài như IOM, AS, Control Union, liên hiệp kiểm soát SKAL, ICEA, ACT... Mỗi tổ chức, quốc gia có quy chuẩn riêng, có khi đạt ở nơi này nhưng nơi khác lại không công nhận và ngược lại.

Cần  những chính sách ưu đãi từ phía nhà nước 

Mới đây, thông tin Công ty CP Thương mại và sản xuất Viễn Phú rao bán, chuyển nhượng 320ha đất và dự án nông nghiệp hữu cơ tại Cà Mau khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Bởi đây là một trong những DN tiên phong trong lĩnh vực đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn và đang sở hữu thương hiệu gạo hữu cơ Hoasuafood có chỗ đứng trên thị trường. Theo lý giải của DN, nguyên nhân phải rứt ruột chuyển nhượng dự án đầy tâm huyết này là do gặp khó khăn, bất cập từ nhiều phía, trong đó có cả cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Ông Võ Minh Khải, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại sản xuất Viễn Phú (chủ sở hữu thương hiệu gạo Hoa Sữa), cho biết khi quyết định đầu tư vào mô hình nông nghiệp hữu cơ tại vùng đất U Minh, ông đã nghiên cứu rất kỹ về khoa học kỹ thuật cũng như về những cơ chế, chính sách ưu đãi mà nhà đầu tư như Viễn Phú sẽ nhận được. Nay, chuyện công ty phải thu hẹp hoạt động, thậm chí chuyển nhượng nông trại sản xuất gạo hữu cơ, không phải do nguyên nhân kỹ thuật hay do thị trường tiêu thụ mà chính là từ những rào cản khiến cơ chế ưu đãi không được thực thi.

Theo ông Khải, mô hình sản xuất của Viễn Phú là đối tượng thuộc diện ưu đãi của Nghị định 61/2010 của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; là đối tượng ưu đãi của Nghị định 41/2010 và Nghị định 55/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; và cũng là đối tượng ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm thủy sản, ngày 22-4-2016. Cụ thể hơn, Nghị định 55/2015 quy định các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay ưu đãi ở bảy lĩnh vực chính, trong đó, Viễn Phú thuộc trường hợp được vay phục vụ “các chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua chế biến và tiêu thụ”. Tuy nhiên, ông Khải cho biết trải qua sáu năm đầu tư vào mô hình gạo hữu cơ tại Cà Mau, tính đến ngày 31-5-2016, tổng số tiền mà Viễn Phú đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng vào khoảng 82 tỉ đồng, và ông chưa vay được một đồng vốn ưu đãi nào từ các ngân hàng cũng như từ quỹ hỗ trợ theo các quy định đề cập ở trên. “Tuy nội dung các văn bản của Chính phủ nói rất rõ, rất hay, nhưng giữa chính sách với thực tiễn có độ chênh. Người vận hành quy định có quyền hành trong tay nhưng họ không thực hiện thì doanh nghiệp biết làm gì?”, ông Khải bức xúc.

Nhìn từ thực tế của công ty  Viễn Phú, nhiều người gắn bó với ngành nông nghiệp ngậm ngùi cho rằng, câu chuyện đó sớm muộn cũng sẽ xảy ra, bởi những quy định cũng như trợ lực dẫn đường cho lĩnh vực này đang còn rất thiếu. Không nói đâu xa, ngay tại Hà Nội đến nay đã xuất hiện một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ nhưng chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, việc nhân rộng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như mô hình trồng rau hữu cơ xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn được Tổ chức Phát triển nông nghiệp châu Á của Đan Mạch (ADDA) hỗ trợ tích cực, song sau 8 năm triển khai, đến nay mới phát triển lên con số trên 20ha...

 

Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước

 

 Sản xuất hữu cơ không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên đảm bảo ATTP và tính bền vững đối với môi trường. Đây cũng là xu hướng của nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, để nông nghiệp hữu cơ phát triển được, Nhà nước cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất và kinh doanh. Nhiều DN kiến nghị Chính phủ nên có những chính sách ưu đãi dành cho các nhà sản xuất sản phẩm sạch, cũng như phải chế tài mạnh đối với những DN không đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm để thúc đẩy sự phát triển của nhóm thực phẩm sạch theo tiêu chí sức khỏe, sinh thái, cân bằng và quan tâm.

Bên cạnh đó, cho đến nay Việt Nam chưa có quy định nào cụ thể về chứng nhận hữu cơ và kiểm soát sản phẩm hữu cơ khi đưa ra thị trường, bất kỳ ai cũng có thể nói mình bán rau hữu cơ cho người tiêu dùng. Vì thế, Nhà nước cần có những biện pháp quản lý để minh bạch thị trường, vừa đảm bảo người tiêu dùng có sản phẩm tốt thật sự so với số tiền họ bỏ ra, đồng thời bảo vệ những DN, người làm ăn chân chính, tránh tình trạng lập lờ trong nguồn gốc và chất lượng sản phẩm trên thị trường, gây mất lòng tin người tiêu dùng. 

Thái An (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh