Sẵn sàng kế hoạch sơ tán 664.238 dân khu vực ven biển do bão số 5
- Tây Y
- 01:53 - 12/09/2021
Theo báo Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của bão số 5 tại trạm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10. Khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 80-120mm, có nơi trên 150mm.
Sáng 11/9, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng (gọi tắt là BCH PCTT TP Đà Nẵng) dẫn tin Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ phát lúc 5h sáng 11/8 cho biết, trong 4 giờ qua (từ 0h - 04h ngày 11/9), trên địa bàn Đà Nẵng đã có mưa vừa đến mưa to, tổng lượng mưa một số nơi như Suối Đá 69mm, Chi cục thủy lợi 66.8mm, Đà Nẵng 62.8mm,…
Báo cáo lúc 5h sáng nay 11/9 của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đà Nẵng cho biết, tổng số phương tiện tàu thuyền có đăng ký, đăng kiểm của TP Đà Nẵng là 1.242 phương tiện với 7.432 lao động. Có 1.235 phương tiện đang neo đậu trong bờ, hiện còn 7 tàu thuyền với 60 lao động đang ở trên biển.
Trong đó có 1 phương tiện với 6 lao động (tàu ĐNa 90712) nằm trong vùng nguy hiểm, cách bờ gần 1 hải lý . Thiếu tá Nguyễn Chí Thanh trực ban cứu hộ cứu nạn BĐBP Đà Nẵng cho biết đã yêu cầu tàu ĐNa 90712 di chuyển vào bờ hoặc thoát xuống phía Nam.
Trước đó, chiều 10/9, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đã có Thông báo số 481/TB-VP ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh về công tác phòng, chống bão CONSON. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các quận, huyện, phường, xã cho phép người dân được tiến hành xây dựng, sửa chữa, gia cố các công trình nhà ở dân sinh đang xây dựng dở dang;
Tạo điều kiện cho người dân được ra ngoài mua vật liệu, dụng cụ…để chèn, chống nhà cửa, được đến cơ quan, đơn vị để phòng, chống bão theo quy định; tạo điều kiện các cửa hàng vật liệu xây dựng, điện, nước…trên địa bàn được hoạt động để phục vụ phòng, chống bão.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn công tác phòng, chống dịch khi người dân và tàu thuyền vào tránh trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang.
Báo cáo của Bộ đội biên phòng, tính đến 6 giờ sáng 11/9, vẫn còn 70 tàu/640 người (Quảng Nam 31 tàu/273 người; Quảng Ngãi 33 tàu/327 người; Bình Định 06 tàu/40 người) đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm.
Đối với 3 tàu bị mất liên lạc từ 20 giờ ngày 9/9 của tỉnh Thanh Hóa, đã kết nối được với một chủ tàu đã về nơi neo đậu an toàn ở đảo Bạch Long Vỹ. Hai tàu còn lại vào sáng sớm nay đã kết nối được đang hoạt động ở khu vực Hà Tĩnh và đang di chuyển về Thanh Hóa.
Về phương án sơ tán dân, các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão đã rà soát phương án sơ tán dân lồng ghép nội dung phòng, chống Covid-19. Theo đó, dự kiến sơ tán 664.238 dân khu vực ven biển.
Cụ thể Thanh Hóa sơ tán 174.905 người; Nghệ An 18.200; Hà Tĩnh 9.823; Quảng Bình 109.300; Quảng Trị 67.100; Thừa Thiên Huế 69.366; Đà Nẵng 58.683; Quảng Nam 172.373; Quảng Ngãi 24.442; Bình Định 23.073.
Các địa phương có dịch đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh.
Hiện có 4.814 ca F0 và 11.792 ca F1 tại tám tỉnh, thành phố với 38 quận, huyện ven biển đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Các khu vực cách ly đã có phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn tại chỗ.
Riêng Nam Định có phương án sơ tán 600 ca F1 đang cách ly tại huyện Hải Hậu về Công ty đóng tàu Thịnh Long và trạm y tế xã/thị trấn; 200 ca F1 đang cách ly tại huyện Giao Thủy sơ tán về Trường dạy nghề và Trường THPT Giao Thủy. Bình Định có phương án sơ tán 352 ca F0 của bốn huyện về hội trường, nhà Văn hóa và trụ sở Tôn giáo xã.