Sân bay Long Thành sẽ nhận diện hành khách bằng trí tuệ nhân tạo
- Y học 360
- 18:29 - 31/07/2019
Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi Thủ tướng và Hội đồng Thẩm định Nhà nước báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, đơn vị tư vấn xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi đề xuất áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào khâu làm thủ tục hành khách, xuất nhập cảnh để hỗ trợ việc nhận dạng, danh tính thông qua dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt, dấu vân tay...), giúp thủ tục được nhanh chóng, chính xác; đồng thời, nhận diện hành khách trong danh sách cấm bay, đưa ra các cảnh báo kịp thời cho lực lượng an ninh.
Phối cảnh thiết kế sân bay Long Thành
Thông qua việc phân tích dữ liệu thu nhận từ hệ thống truyền hình mạch kín, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ giúp dự đoán chuyển động của từng hành khách, tính toán đưa ra những thông tin nhằm tối ưu hóa luồng hành khách hoặc phân bổ nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của hành khách tại nhà ga.
Tư vấn cũng đề xuất sử dụng thiết bị soi chiếu hành khách tự động thay cho việc kiểm tra an ninh bằng dụng cụ cầm tay, nhằm rút ngắn thời gian ở khâu kiểm tra an ninh và tạo sự thoải mái cho hành khách.
Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.000 tỷ đồng (5,4 tỷ USD); kế hoạch chậm nhất 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn một. Tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng. Giữa năm 2018, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã ký hợp đồng với tư vấn JFV để thực hiện gói thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn một. |
Công nghệ nhận dạng thông tin hành lý bằng tần số vô tuyến - RFID sẽ giúp cho việc phân loại và nhận dạng hành lý. Hành khách có thể kiểm tra thông tin lộ trình hành lý của mình, xem thông tin chuyến bay, sơ đồ nhà ga, thông tin mua sắm, bãi xe thông minh...
Việc vận chuyển và phân loại hành lý ký gửi bằng công nghệ mới sẽ có tốc độ vận chuyển nhanh gấp 5 lần so với hệ thống băng tải, rút ngắn thời gian hành khách chờ lấy hành lý và chuyển tiếp giữa các nhà ga.
Một số sân bay như T4 Changi (Singapore) đã áp dụng công nghệ gửi hành lý tự động. Ảnh: Đoàn Loan.
Sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến cần 5.000 – 6.000 cán bộ, nhân viên vận hành, khai thác. Theo mức độ ứng dụng công nghệ tự động hóa, nguồn nhân lực sẽ được điều chỉnh phù hợp.
Nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thực hiện là JFV (liên danh nhà thầu Nhật - Pháp - Việt) với Japan Airport Consultants và ADP Ingenierie đứng đầu.
Sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được trình Chính phủ, Hội đồng Thẩm định Nhà nước sẽ thuê tư vấn nước ngoài thẩm tra, dự kiến trình Quốc hội trong tháng 10/2019.
Theo VNEXPRESS