CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:05

Samsung cơ bản chấp hành tốt các quy định pháp luật lao động Việt Nam

 

IPEN – một tổ chức phi chính phủ có văn phòng tại Thụy Điển, cùng Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) vừa đưa ra một báo cáo chưa từng có về sức khỏe của lao động nữ tại các nhà máy của Samsung Việt Nam đang đối mặt hàng loạt vấn đề về sức khỏe, như giảm thị lực, chảy máu mũi... thậm chí hiện tượng sảy thai được xem là rất “bình thường”.

 

 Ông Nguyễn Tiến Tùng- Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH (ảnh Hoàng Mạnh-Dân trí)

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết, vừa qua đơn vị tổ chức 2 đoàn thanh tra về chấp hành pháp luật lao động tại 2 nhà máy Samsung Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Theo kết luận thanh tra tại Công ty Samsung điện tử Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), thời điểm thanh tra vào tháng 7-2017, doanh nghiệp (DN) này có 71.530 lao động. Tại DN đã thành lập tổ chức Công đoàn. SEVT đã ký hợp đồng lao động với 71.528/71.528 lao động; tham gia bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho 67.468/67.468 lao động; tham gia BHYT cho 67.560/67.560 lao động thuộc đối tượng phải tham gia.

Kết quả thanh tra cho thấy, Samsung cơ bản chấp hành tốt các quy định pháp luật Việt Nam, như về hợp đồng LĐ; điều kiện làm việc, về thời gian nghỉ ngơi; nghỉ lễ, Tết và nghỉ việc; số giờ làm thêm hằng ngày, hằng tuần, hằng năm. Công ty trả lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng; khám sức khỏe định kỳ một lần/năm cho lao động thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ và 2 lần/năm đối với lao động làm công việc nguy hiểm, là người cao tuổi, quan trắc môi trường thường xuyên; chính sách bảo hiểm xã hội; các khoản lương, thưởng, trợ cấp; chấp hành các quy định về an toàn LĐ…

Kết luận thanh tra khẳng định SEVT đã thực hiện các quy định riêng đối với lao động nữ như: Không sử dụng lao động nữ có thai từ tháng thứ 7 trở lên, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa. Lao động nữ trong thời gian có kinh nguyệt được nghỉ thêm 30 phút, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ thêm 60 phút mà vẫn hưởng nguyên lương.

Còn tại Công ty Samsung điện tử Việt Nam Bắc Ninh (SEV), kết quả thanh tra cho thấy vào thời điểm thanh tra (tháng 9-2017), SEV có 43.227 lao động, đã thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở. DN đã ký hợp đồng lao động với 43.227 người.

SEV đã phân loại số lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động cho 730 người; xây dựng phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp. Công ty đã kiểm định kỹ thuật an toàn 442/442 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức quan trắc môi trường. Đã thực hiện các quy định đối với lao động nữ, lao động là người cao tuổi; khám sức khỏe cho 44.673 lượt lao động.

 Lao động nữ tại nhà máy SamSung Thái Nguyên giờ ăn trưa

Theo ông Tùng, báo cáo của các tổ chức trên nói người LĐ tại Samsung bị đối xử không tốt, phải làm tới mức kiệt sức, đi vệ sinh cũng bị hạn chế là chưa thuyết phục.

Theo ông Tùng, sai phạm của Samsung tại cả 2 nhà máy là về quy định thời gian làm việc. Cụ thể, Samsung chia thời gian làm việc thành 2 ca, ca ngày từ 8h đến 20h, ca đêm từ 20h đến 8h sáng hôm sau và đưa vào nội quy LĐ, luân phiên làm việc 4 ngày liên tục sẽ được nghỉ 2 ngày. Quy định này, theo Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, là trái với Bộ luật Lao động 2012. Khi luật quy định giờ làm việc bình thường không quá 8h/ngày và không quá 48h/tuần (nếu theo tuần không quá 10h/ngày); giờ làm việc ban đêm tính từ 22h đến 6h sáng ngày hôm sau. Đồng thời, giờ làm thêm không quá 30h/tháng, 200h/năm (trường hợp đặc biệt không quá 300h/năm). Trong khi đó, ca làm việc hằng ngày của Samsung kéo dài tới 12h/ngày, mỗi tuần (7 ngày) làm tới 60h. “Giờ làm thêm chúng ta đang nghiên cứu để sửa đổi quy định cho hợp lý hơn. Nhưng chúng tôi đã yêu cầu Samsung thực hiện đúng quy định luật hiện hành”, ông Tùng nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho hay, qua thanh tra còn phát hiện Samsung đưa vào nội quy LĐ một số điểm chưa hợp lý như hợp đồng LĐ tại nhà máy Samsung Thái Nguyên có điều khoản chưa đúng quy định; Samsung Bắc Ninh huấn luyện an toàn, vệ sinh LĐ chưa đầy đủ cho người LĐ.

Tuy vậy, theo ông Tùng, với các sai phạm trên, đoàn thanh tra chưa xử phạt, chỉ nhắc nhở Samsung và cho thời hạn tối đa 60 ngày để thực hiện. “Chỉ doanh nghiệp bắt người LĐ tăng ca, làm việc tới vắt kiệt sức, thanh tra mới xử phạt”, ông Tùng nói và cho biết thêm, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào đơn hàng. Do đó, có thời điểm người LĐ phải tăng ca nhiều để kịp đơn hàng, nhưng có thời điểm lại ít việc, nên không thể cứng nhắc gây khó khăn cho doanh nghiệp.

 

GIANG ĐÔNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh