Sâm Ngọc Linh không chỉ là cây thoát nghèo ở Nam Trà My
- Y học 360
- 13:06 - 04/07/2023
Sâm Ngọc Linh là loại sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Và khởi nguồn phát hiện ra loại sâm quí này lại không phải ở Nam Trà My mà là núi Ngọc Linh huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum bởi dược sĩ Đào Kim Long vào năm 1973 tại. Ngoài ra, giống Sâm này cũng mọc nhiều ở núi Ngọc Linh trên độ cao 1500m tại huyện Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam.
Nếu như năm 2003, khi mới thành lập huyện Nam Trà My, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện trên 85% với 98% dân số là đồng bào K’Dong thì bây giờ tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 44, 96%. Lý giải tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức trên 44%, PCT UBND huyện Nam Trà My, Trần Văn Mẫn cho biết: “Đã có lúc tỷ lệ hộ nghèo ở huyện giảm xuống dưới 24%, nhưng khi áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều thì tỷ lệ hộ nghèo lại tăng lên”.
Sở dĩ tỷ lệ hộ nghèo ở Nam Trà My còn cao bắt nguồn từ tư duy sản xuất còn hạn chế, công cụ sản xuất chưa đáp ứng và người dân cũng chưa tiếp thu được cái mới trong canh tác, nuôi trồng và sinh kế.
“Với tỷ lệ 98% là đồng bào người K’Dong, việc áp dụng, truyền tải những kiến thức, mô hình, cây trồng, vật nuôi đến đồng bào là rất gian nan. Ngoài ý thức hệ trong sản xuất, canh tác, một rào cản khác là tỷ lệ sinh đẻ còn cao đã khiến cho nguồn lực lao động của các gia đình ngày càng suy giảm rất nhiều. Khi hỗ trợ sinh kế cho người dân, chúng tôi cũng phải cân nhắc rất kỹ việc hỗ trợ cho họ giống gì, cây gì và hiệu quả có lâu dài không chứ không dám hỗ trợ giống vật nuôi nữa, vì con gì vừa lớn là bị giết mổ, hoặc “bán lúa non” ngay và cái nghèo vì thế cứ đeo bám họ mãi”, PCT Trần Văn Mẫn nói thêm.
Trở lại với cây sâm Ngọc Linh, hiện đang được xem là mũi nhọn kinh tế chủ lực của Nam Trà My và liệu có mang lại những giá trị vượt bậc nhằm thay đổi hiện trạng kinh tế của huyện nhà hay không, PCT Trần Văn Mẫn phân tích:“ Sâm Ngọc Linh có những đặc tính rất đặc biệt khiến cho giá trị của nó ngày càng tăng nhưng không thể là “cây đẻ trứng vàng” khi nguồn sâm tự nhiên hiện đã cạn kiệt và phải bảo tồn để duy trì nguồn gen đầu nguồn. Việc trồng cây sâm Ngọc Linh lấy củ thương phẩm cũng phải mất ít 6-7 năm, chứ không phải “một sớm, một chiều” là thu hoạch ngay. Vì vậy, không phải ai và bất cứ địa phương nào ở huyện Nam Trà My cũng có thể trồng sâm để làm giàu được mặc dù giá của nó vẫn tăng lên từng ngày”, ông Trần Văn Mẫn cho hay.
Chị Nguyễn Thị Huệ, vừa là người bản địa, vừa là nông dân trồng sâm, vừa là cán bộ Mặt trận ở huyện Nam Trà My chia sẻ với chúng tôi về cách thức tiếp cận cây sâm Ngọc Linh như sau. Đất thì không cần nhiều(tùy theo qui mô đầu tư), 1 ha trở lên là có thể trồng sâm Ngọc Linh được rồi, nhưng vùng đất ấy ít nhất phải ở độ cao 1200-1500m so với mực nước biển. Vấn đề tiếp theo là đầu tư về giống sâm Ngọc Linh. Cây giống 1 năm tuổi hiện có giá 300 ngàn đồng, 2 năm thì 500, 3 năm thì 800 ngàn. Như vậy, khi đầu tư 1000 cây giống trở lên sẽ cho ra ngay số tiền đầu tiên phải bỏ ra. Ví dụ, 1000 cây 1 năm tuổi thì ít nhất người dân hoặc nhà đầu tư cần trồng phải bỏ ra 300 triệu đồng, công người chăm sóc các kiểu và phải canh giữ, chờ đợi trong vòng từ 6 năm mới thu hoạch được.
“Mà tỷ lệ sống thì tùy thuộc vào năm tuổi của cây sâm. Có khi tỷ lệ sống chỉ còn đôi chục phần trăm chứ không phải trồng là sống hết đâu anh. Vì vậy, nếu muốn cây có thể sống tốt ngoài môi trường thì thường người ta sẽ mua cây giống từ 3 năm tuổi, vì thế giá trị đầu tư cũng tăng lên rất nhiều”, chị Huệ nói.
Trên đường dẫn chúng tôi đi thăm khu bảo tồn nguồn giống sâm Ngọc Linh trong khu vực 30 ha rừng nguyên sinh ở xã Trà Linh, anh Trịnh Minh Quý-Giám đốc Trung tâm kỹ thuật Nam Trà My chỉ tay về phía xa, nơi có những ngôi nhà 2 tầng khang trang ngói đỏ và nói; "làng tỷ phú" của huyện Nam Trà My đó. Theo như anh Quí, vào thời điểm năm 2008, khi giá trị của cây sâm Ngọc Linh bắt đầu nổi lên, người dân ở làng này đã nhanh chân vào rừng “săn” sâm và dự trữ. Đến thời điểm năm 2015-2018, khi những ký sâm tự nhiên ở Nam Trà My có trị vài trăm triệu đồng thì "làng tỷ phú" cũng hình thành từ đó.
Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, người đã có 6 năm nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc về sâm cũng thừa nhận rằng con đường để nhân rộng giống sâm Ngọc Linh là rất gian nan. Từ khi cấy được mô sẹo trong phòng thí nghiệm cho đến khi cây đủ thân lá cũng mất cả năm trời, rồi đưa ra ngoài vườn ươm, huấn luyện cho đến khi cây trưởng thành có thể đưa ra rừng tự nhiên trồng trọt có khi mất cả đôi năm trời với tỷ lệ sống hiện vẫn chưa cao.
“Bởi tất cả các bộ phận của cây sâm Ngọc Linh đều dùng được và có giá trị cao nên nhu cầu nuôi cấy là cần thiết, đã được các địa phương và một số nhà khoa học nghiên cứu, nuôi cấy từ nhiều năm nay, nhưng kết quả thì vẫn là câu hỏi lớn nằm ở phía trước”, Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm bộc bạch.
Hiện tại, vào những ngày đầu tháng, huyện Nam Trà My đều tổ chức chợ phiên sâm Ngọc Linh nhằm quảng bá, tạo sàn giao dịch mua bán, để du khách và người địa phương có cơ hội giao lưu tìm hiểu, qua đó thúc đẩy các hoạt động khác để thương hiệu sâm Ngọc Linh ngày càng gần gũi với người tiêu dùng.
“Chúng tôi luôn nhận thức rằng, ngoài cây sâm Ngọc Linh, Nam Trà My vẫn là địa phương giàu tiềm năng về du lịch. Vấn đề còn lại là tìm nhà đầu tư có uy tín và khai thác có hiệu quả tiềm năng ấy. Nếu chỉ trông chờ vào sâm Ngọc Linh không thôi thì chưa đủ, là bởi mỗi phiên chợ hàng tháng cũng chỉ xuất bán ra thị trường đôi chục ký sâm thì chưa xứng với tiềm năng sẵn có. Ngoài ra huyện cũng rất chú trọng đến công tác an ninh sâm khi hiện tại đã có “sâm nhái” Ngọc Linh xuất hiện. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín mà còn dẫn đến sự hỗn tạp cho thị trường sâm sau này”, ông Trần Văn Mẫn cho biết thêm.
Đã có hàng nghìn hộ dân ở Nam Trà My thoát nghèo từ cây sâm Ngọc Linh, đây là tín hiệu rất đáng mừng, song để cây sâm Ngọc Linh trở thành mũi nhọn kinh tế, là Quốc bảo về sâm và là địa chỉ du lịch “thăm vườn sâm Ngọc Linh” có uy tín ở miền tây Quảng Nam thì còn rất nhiều việc phải làm.
“Nếu chỉ đến Nam Trà My mua sâm thì cũng chỉ trong ngày là du khách, người tiêu dùng sẽ dời đi hết. Nam Trà My cần có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, nhiều hàng hóa từ các loại dược liệu có sẵn ở Nam Trà My, các sản phẩm hàng hóa xen kẽ bắt nguồn từ cây sâm nơi đây với giá cả phù hợp, mới có thể níu chân du khách”, Thạc sĩ Trần Duy An-giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, người đang có những hợp tác với huyện Nam Trà My chia sẻ với tôi như vậy.