THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:10

Sài Gòn - Gia Định trong Đại thắng mùa Xuân 1975

 

Là máu thịt của đất nước, Sài Gòn-Gia Định cùng miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” đã “đấu tranh kiên trung bất khuất ở nơi đầu sóng ngọn gió", tự hào đứng lên nổ phát súng đầu tiên và tung cờ hoa đón mừng chiến thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thực dân, đế quốc xâm lược nước ta, gây chiến tranh giết chóc, tàn phá quê hương đã đẩy khát vọng hòa bình đến cực độ, cả dân tộc ra trận quyết giải phóng miền Nam ruột thịt. Nỗi đau Bắc-Nam bị chia cắt đã biến thành sức mạnh mãnh liệt, vô biên, hun đúc ý chí quật cường, quyết tâm bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời”, để giành lại non sông, thống nhất đất nước. Trên chiến trường trọng điểm, ngay giữa hang ổ sào huyệt đầu não của quân thù, cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt, mất mát, hy sinh to lớn; Sài Gòn-Gia Định đã góp phần xứng đáng làm nên mùa Xuân đại thắng; trong mỗi chiến công, thành tựu của thành phố đều “có máu xương, công sức, trí tuệ của chiến sĩ và đồng bào khắp mọi miền đất nước”.

Đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh hôm nay và mãi mãi các thế hệ mai sau đời đời ghi tâm, khắc cốt công lao trời biển của Bác Hồ muôn vàn kính yêu; mãi mãi tri ân vô hạn sự cống hiến to lớn của các thế hệ cách mạng đi trước, sự hy sinh vô bờ bến của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, của Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Ngày 30-4-1975 đã cách nay tròn 40 năm; song nhìn lại, vẫn luôn hiển hiện và càng sáng tỏ, khẳng định những vấn đề về tính chất, ý nghĩa và tầm vóc của thắng lợi vĩ đại ấy.

1. Đại thắng mùa Xuân 1975-Thắng lợi của phát huy thế và lực, tạo ra thời cơ; sự sáng suốt của Đảng về nhận định và nắm lấy thời cơ, lãnh đạo trận quyết chiến chiến lược giành thắng lợi trọn vẹn

Giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trong thời kỳ trực tiếp chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) là tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân với quy mô lớn mới có thể đánh thắng chiến tranh xâm lược của đế quốc đầu sỏ; và lịch sử đã minh chứng “đại nghĩa thắng hung tàn”, song phải tạo nên thời cơ.

Đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà, là cơ sở quyết định thống nhất ý chí, huy động sức mạnh tổng hợp. Trong cuộc đụng đầu lịch sử cả về ý chí và lực lượng thì lúc đầu, lực của ta chưa đủ mạnh. Từ đó, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc kháng chiến giành thắng lợi từng bước, từng phần, vừa chiến đấu, vừa củng cố, phát triển lực lượng lớn mạnh; đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, xây dựng được lực lượng quân sự ngày càng hùng mạnh và các phong trào đấu tranh chính trị rộng khắp trên toàn miền Nam. Thực hiện tiến công địch trên mọi hướng, trên cả ba vùng chiến lược: Rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị, bằng ba mũi giáp công: Quân sự, chính trị, binh vận, càng đánh càng mạnh, nên đã phát huy thế và lực, tạo ra thời cơ.

Nghị quyết 21, tháng 7-1973 của Trung ương Đảng về nhiệm vụ cách mạng miền Nam đã nhận định thế và lực của cách mạng miền Nam hiện mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào kể từ năm 1954 đến lúc này; nhưng từ sau Hiệp định Pa-ri ta cũng còn nhiều mặt cần nhanh chóng khắc phục, nhất là đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận và phát triển lực lượng chưa đều. Với sự chi viện ngày càng mạnh mẽ, hiệu quả của hậu phương lớn (miền Bắc) và đẩy mạnh đấu tranh ngày đêm của tiền tuyến lớn (miền Nam); hai năm 1973-1974, ta đã đánh bại hầu hết các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, đẩy địch vào thế phòng ngự bị động. Đến giữa năm 1974, các lực lượng vũ trang đã giữ quyền chủ động tiến công địch trên chiến trường; ta giải phóng được nhiều vùng đất rộng, đông dân, cả ở vùng đồng bằng và thành phố; cùng với các phong trào đấu tranh chính trị đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình, độc lập không ngừng phát triển, làm cho địch lung lay, rúng động.

Tháng 10-1974, đồng chí Lê Duẩn đã nêu rõ: “Lúc này, chúng ta đang có thời cơ, hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn” và yêu cầu: “Thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để nhưng phải khôn khéo. Có như thế mới tạo được bất ngờ, không ai kịp trở tay,...".

Như vậy, quá trình phát huy thế và lực đã tạo ra thời cơ; Đảng ta đã nhận định đúng và nắm lấy thời cơ để lãnh đạo trận quyết chiến chiến lược, giải phóng miền Nam. Tháng 10-1974, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm: “Ngay từ giờ, phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong hai năm 1975-1976,… Thời cơ này không cho phép lừng chừng, do dự''; và đến tháng 1-1975, Bộ Chính trị đã kết luận: “Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”.    

2. Sài Gòn-Gia Định phát triển lực lượng, chuẩn bị chiến trường, thực hiện tổng tiến công và nổi dậy trong Đại thắng mùa Xuân 1975

Quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng bộ Sài Gòn-Gia Định luôn nhận thức rõ vị trí chiến đấu của mình trong kháng chiến: “Sài Gòn là trung tâm chính trị quân sự, kinh tế, văn hóa của ngụy quyền: Nơi tập trung cơ quan đầu não của ngụy quyền, ngụy quân; là nơi có nhiều mục tiêu và cơ sở vật chất kỹ thuật lớn,… là nơi có dân số đông. Sài Gòn là nơi quần chúng rất cách mạng, nhưng cũng là sào huyệt cuối cùng của tất cả các bọn phản động nhất. ở đây ta có thời gian để chuẩn bị tấn công, nhưng địch cũng đã chuẩn bị để đối phó. Do đó cuộc chiến đấu ở đây sẽ rất găng và phức tạp''. Từ đó, luôn đề cao trách nhiệm thực hiện tư tưởng chiến lược của Đảng và Bác Hồ kính yêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, quân dân Sài Gòn-Gia Định đã dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu và đấu tranh trên địa bàn đô thị. Những trận tấn công như vũ bão của các lực lượng vũ trang, của các chiến sĩ biệt động “xuất quỷ nhập thần”, giáng đòn phủ đầu vào những mục tiêu hiểm yếu, đầu não của địch, khiến cho kẻ thù luôn khiếp vía kinh hoàng. Các cuộc tiến công hòa nhịp với các phong trào đấu tranh mạnh mẽ của các đội hùng binh “tay không đánh giặc” của đồng bào các giới, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo,… đã góp phần làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm sụp đổ chính quyền tay sai. Quân và dân Sài Gòn-Gia Định tiến hành cuộc chiến đấu anh dũng trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và binh vận, đã làm nên những chiến công vang dội, góp phần lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược; góp phần rất quan trọng tạo thế, lực và thời cơ, tiến tới trận quyết chiến chiến lược mùa Xuân 1975.

Đến năm 1973, phong trào cách mạng tại Sài Gòn-Gia Định đã dần khôi phục sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, Đảng bộ thành phố lãnh đạo các phong trào đấu tranh chính trị đô thị phát triển mạnh mẽ, liên tục, tạo được hiệu ứng lan tỏa rộng khắp. Ngày 13-8-1974, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về một số công tác cần kíp của Đảng, trong đó nhiệm vụ của Đảng bộ miền Nam là: “Cần lợi dụng việc Ních-xơn đổ, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn trên các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao”. Thành ủy Sài Gòn-Gia Định quán triệt Nghị quyết và nhận định: “Tình hình hiện nay đang có những chuyển biến mới, nhanh và đang tạo ra tình thế cách mạng ở đô thị” (8) , Ban Thường vụ Thành ủy kêu gọi toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân Sài Gòn-Gia Định chấp nhận mọi hy sinh để hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Từ cuối năm 1974, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976 và chủ trương của Trung ương Cục miền Nam về mở đợt tiến công đều khắp làm chuyển biến cục diện trên toàn chiến trường, Quân khu Sài Gòn-Gia Định (sau đổi tên là Thành đội Sài Gòn-Gia Định) thành lập Trung đoàn Quyết Thắng (Trung đoàn Gia Định 1); lực lượng vũ trang nội đô được củng cố lại gồm các đội biệt động, đặc công, các lực lượng vũ trang và bán vũ trang của Thành đoàn, Công vận, Phụ vận, Hoa vận, Tuyên huấn,…

Trước tình hình diễn biến hết sức nhanh chóng, quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị quyết tâm giành thắng lợi ngay trong tháng 4-1975, không thể để chậm hơn, ngày 29-3-1975, Trung ương Cục miền Nam đã chỉ thị, đề ra nhiệm vụ khẩn cấp: “Động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tập trung cao nhất mọi sức mạnh tinh thần và lực lượng của mình phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp ba mũi giáp công, ba thứ quân, ba vùng chiến lược, vùng lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa, nhanh chóng đánh sụp toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền, giành toàn bộ chính quyền về tay Nhân dân với khí thế tấn công quyết liệt, thần tốc, táo bạo, quyết giành toàn thắng, giải phóng xã mình, huyện mình, tỉnh mình và toàn miền Nam”. Ngay lập tức, Thành ủy Sài Gòn-Gia Định khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tổng nổi dậy hòa nhịp với tổng tiến công. Căn cứ của Thành ủy được chuyển về ngay sát thành phố, tiến hành phân thành hai cánh A và B phụ trách nội đô và vùng ven, tích cực thực hiện công tác tuyên truyền vận động, phát triển lực lượng và chuẩn bị các phương án nổi dậy. Ngày 12-4-1975, Ban Thường vụ Thành ủy ra chỉ thị hướng dẫn các cấp trong Đảng bộ những việc cần làm ngay trước, trong và sau khi thành phố được giải phóng; Chỉ thị khẳng định: “Hiện nay chúng ta đang ở thời kỳ trực tiếp cách mạng tại thành phố, là giai đoạn tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành toàn bộ chính quyền về tay Nhân dân”, và chỉ rõ nội dung thời cơ khởi nghĩa như sau: “Thời cơ khởi nghĩa là lúc mà các cuộc công kích và khởi nghĩa của ta xung quanh thành phố thành công lớn, lực lượng quân sự địch bảo vệ thành phố bị đánh sụp, bọn địch đảo chính lẫn nhau hoặc thay đổi cấp lãnh đạo chóp bu, hàng ngũ địch rối loạn, không kiểm soát được tình hình hoặc rút khỏi thành phố. Lúc nào, dù quân chủ lực chưa vào cũng phải phát động quần chúng nổi dậy tiến công và khởi nghĩa, chống mọi tư tưởng ỷ lại, trông chờ".

15 giờ 30 phút ngày 22-4-1975, Bộ Chính trị chỉ thị “Thời cơ để mở cuộc tổng tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nếu để chậm sẽ không có lợi cả về quân sự và chính trị,… mệnh lệnh ngay cho các hướng hành động kịp thời, đồng thời chỉ thị cho Khu ủy Sài Gòn-Gia Định sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy kết hợp với các cuộc tiến công của quân đội”.  Đảng bộ Sài Gòn-Gia Định đã khẩn trương, tập trung chỉ đạo các lực lượng quân sự, chính trị và binh vận thực hiện các bước tiến công chuẩn bị chiến trường cho trận quyết chiến chiến lược và cuộc tổng nổi dậy của quần chúng Nhân dân.

Trên hướng Tây và Tây Bắc, lực lượng Thành đội Sài Gòn-Gia Định tiêu diệt hàng chục đồn bốt ở Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, Đức Hòa, Bình Chánh; trên hướng Đông và Đông Bắc, lực lượng vũ trang địa phương tiến công đồn bốt, đánh địch càn quét ở Thủ Đức, Bưng Sáu Xã; các đội đặc công, biệt động và lực lượng vũ trang Thành đội xây dựng cơ sở áp sát vùng ven và bám sâu vào nội đô. Lực lượng Thành đội Sài Gòn-Gia Định mở thêm nhiều vùng lõm giải phóng; các đội biệt động và bộ đội địa phương đứng vững chân ở Gò Vấp, Hóc Môn, Nam-Bắc Bình Chánh, Tân Bình, Nam Thủ Đức, phối hợp với 6 trung đoàn đặc công và Lữ đoàn Đặc công-Biệt động 316 của Miền, cơ động áp sát địch ở Gò Vấp, Tân Bình, Bình Chánh, Nhà Bè, Thủ Đức.

Nhân dân nhiều nơi đã nổi dậy trấn áp địch, giải tán nhiều toán phòng vệ dân sự, ban tề ấp, khóm và tiếp tục củng cố, phát triển các lõm chính trị nội thành, hoàn chỉnh phương án đánh chiếm đầu cầu và các mục tiêu quan trọng trong thành phố. Khi các binh đoàn chủ lực tiến sát nội đô, lực lượng chính trị đã phối hợp tốt với lực lượng vũ trang tại chỗ đánh chiếm các mục tiêu và căn cứ trong nội thành. ở ngoại thành, quần chúng kết hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ đã vùng lên giành chính quyền ở 90% ấp, 2/3 số xã trước khi bộ đội chủ lực đến.

Lực lượng vũ trang quận, huyện tiến công tiêu diệt và làm cho địch tan rã tại chỗ; Nhân dân đồng loạt nổi dậy làm chủ treo cờ giải phóng tại trụ sở hành chính; công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp đứng lên làm chủ xưởng, hãng, kho hàng,… không cho địch phá hoại, phân tán, bảo vệ, duy trì hoạt động; đặc biệt công nhân nhà đèn, nhà máy nước, các xí nghiệp dệt đã giữ nguyên vẹn cơ sở vật chất, tiếp tục sản xuất bảo đảm cho Nhân dân thành phố sinh hoạt bình thường.

3. Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sự kết hợp đúng đắn và tuyệt đẹp của tổng tiến công và nổi dậy

Cùng với các mũi tiến công của bộ đội chủ lực, các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Sài Gòn-Gia Định và nổi dậy của Nhân dân thành phố đã làm tan rã chính quyền Sài Gòn, xây dựng chính quyền cách mạng của Nhân dân. Suốt ngày 29 đến sáng 30-4, toàn thành phố đã có 107 điểm nổi dậy (31 điểm ở ngoại thành, 76 điểm ở nội thành) trước khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Được lực lượng vũ trang tại chỗ hỗ trợ, Nhân dân đã tự giải phóng các huyện lỵ Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Chánh; chiếm trụ sở hành chính các quận 3, 5, 8, 10, 11 và Tòa hành chính tỉnh Gia Định, hai ty cảnh sát quận 3 và quận 5; “Cờ sao tung bay trên khắp phố phường, xóm ấp, xác lập quyền làm chủ của quần chúng cách mạng cho tới khi lá cờ chiến thắng phấp phới tung bay trên nóc “dinh Tổng Thống” ngụy quyền”.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, đó là sự thành công do kết hợp đúng đắn, tuyệt đẹp của tổng tiến công và nổi dậy, “Quần chúng đã vào trận chiến đúng lúc, không quá sớm cũng không quá muộn. Hành động yêu nước của Nhân dân tạo ra khí thế cách mạng tràn ngập đường phố, là sức mạnh to lớn. Đây là cái quý nhất của quần chúng Sài Gòn - Gia Định và đây cũng là kết quả của công tác tuyên truyền giáo dục, tổ chức và rèn luyện trong đấu tranh qua nhiều năm của Đảng bộ thành phố".

Trưa 30-4-1975, Sài Gòn-Gia Định được giải phóng, cơ sở vật chất của thành phố gần như còn nguyên vẹn; Nhân dân ngập tràn niềm vui, xuống đường chào mừng chiến thắng và mọi sinh hoạt của Nhân dân vẫn được bảo đảm bình thường. 

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã có sự hiệp đồng chiến đấu rất tuyệt vời của quân chủ lực với lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị của thành phố; với sự nổi dậy ở nhiều mức độ, ở các thời điểm khác nhau của Nhân dân; với sự tham gia tấn công địch của tất cả các lực lượng yêu nước với công tác binh vận, địch vận vào ngay các cơ quan đầu não của địch đã làm cho bộ máy chính quyền và quân đội địch nhanh chóng tan rã, sụp đổ. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nhận xét: “Do kết hợp đúng đắn và tuyệt đẹp giữa tổng tiến công và nổi dậy của quần chúng, chúng ta đã giải phóng và tiếp quản thành phố gần như nguyên vẹn”.

Ngày 30-4-1975-Ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, mãi mãi là một sự kiện trọng đại của dân tộc, một dấu ấn lịch sử không thể phai mờ. Vinh quang này thuộc về toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta mà vai trò tiên quyết chính là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Đảng ta; sự chiến đấu anh dũng, ngoan cường, hy sinh của các thế hệ chiến sĩ cách mạng và của Nhân dân ta. Với đường lối đúng đắn, cách mạng nước ta đã kết hợp được sức mạnh chiến đấu của tiền tuyến lớn với tiềm lực của hậu phương lớn, đã động viên đến mức cao nhất lực lượng của toàn dân, toàn quân vào cuộc kháng chiến; đã kết tinh, tổng hợp và phát triển lên một trình độ mới những phẩm chất cách mạng của Đảng và dân tộc. Đối với Đảng bộ và Nhân dân Sài Gòn-Gia Định, Đại thắng mùa Xuân không chỉ là ngày 30-4-1975, mà đó là một quá trình nâng cao thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân; là kết tinh sức mạnh dời non lấp biển của Nhân dân xả thân vì độc lập dân tộc, với ý chí thống nhất và khát vọng hòa bình mãnh liệt.

Trong chiến thắng huy hoàng của Đại thắng mùa Xuân 1975, Đảng bộ, quân và dân Sài Gòn-Gia Định đã góp phần xứng đáng; bằng tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, với ý chí và nghị lực phi thường.

4. Phát huy thắng lợi Đại thắng mùa Xuân 1975, TP Hồ Chí Minh hôm nay phấn đấu xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cách đây 40 năm của Nhân dân ta do Đảng và Bác Hồ kính yêu lãnh đạo đã để lại cho chúng ta hôm nay thừa hưởng thành quả vĩ đại cùng những giá trị trường tồn. Đại thắng mùa Xuân 1975 kết tụ nhiều bài học vô cùng sâu sắc mà Đảng ta đã tổng kết; đó là sự kiên định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội; là xây dựng và thực hiện đường lối đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ; tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, toàn quốc kháng chiến, cả nước chống ngoại xâm; tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; với nghệ thuật sáng tạo, phong phú về phương pháp cách mạng và phương thức tiến hành; đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, xây dựng mặt trận thống nhất cả trong nước và trên thế giới; xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Những bài học lịch sử ấy mãi trường tồn trong sự nghiệp đổi mới mạnh mẽ, toàn diện đất nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng bộ, quân, dân Sài Gòn-Gia Định luôn nêu cao ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, kiên cường “đi trước, về sau” trong suốt 30 năm chiến đấu chống thực dân, đế quốc xâm lược; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt, là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi. Đảng bộ thành phố luôn nhận thức sâu sắc và tâm huyết thực hiện bài học về mở rộng và nâng cao thế trận lòng dân, xây dựng vững chắc căn cứ lòng dân, phải luôn luôn gắn bó máu thịt với Nhân dân, phát huy sức mạnh vô địch của Nhân dân thì mới có thắng lợi, cách mạng mới thành công; và phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, chú trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức; đặc biệt xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiên phong, gương mẫu, là người chiến sĩ cách mạng vì dân, vì nước mà tận tụy phục vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh quên mình. Luôn tâm niệm “Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn/ Đất nước lớn vì Nhân dân anh hùng/ Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước”; máu xương của đồng bào, chiến sĩ cả nước đã tô thắm mảnh đất này với niềm tin vào thế hệ chúng ta hôm nay tiếp tục phát huy thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân 1975-sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình.

Bốn mươi năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh luôn tâm nguyện thực hiện kỳ vọng của Bác Hồ, của Đảng ta cùng các thế hệ cách mạng đi trước đã giao, xem đó là vinh dự và trách nhiệm của mình. Ngày nay, “Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước”. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đồng lòng, chung sức “cùng cả nước, vì cả nước” xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố nguyện vững bước với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mãi mãi xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Thành phố Anh hùng.

theo qdnd.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh