Sách về đại thắng mùa xuân năm 1975: Đa dạng góc nhìn
- Tây Y
- 14:58 - 30/04/2015
Những bộ sách lịch sử
Hiện tại, các nhà sách ở Nha Trang đang bày bán khá nhiều sách về chủ đề kỷ niệm 30/4/1975. Có thể kể đến bộ sách 40 năm đại thắng mùa xuân 1975 - 2015 của NXB Quân đội nhân dân - Công ty Minh Thành (đơn vị sở hữu Nhà sách Thăng Long) với 40 tác phẩm bao quát từ lịch sử đấu tranh cách mạng miền Nam (Những mốc son trong lịch sử kháng chiến Nam bộ; Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975; Những điều ít biết về chiến tranh Việt Nam…) cho đến những cá nhân góp phần vào ngày chiến thắng (Những người con sắt đá kiên trung của miền Nam anh hùng, Những người con quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của miền Nam anh hùng). Bên cạnh đó, bộ sách còn có một số tác phẩm phản ánh câu chuyện của phía bên kia chiến tuyến trong thời khắc cuối cùng của cuộc chiến như: Sự cáo chung của chế độ Việt Nam Cộng hòa, 5 đời tổng thống Mỹ trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam, Giải mã chính trường miền Nam sau đảo chính Ngô Đình Diệm, Nội các chính quyền Sài Gòn những ngày cuối tháng 4/1975... Bộ sách còn dành phần quan trọng viết về hòa bình, những đổi thay của đất nước sau 40 năm thống nhất qua các tác phẩm: Đất phương Nam, Văn hóa phương Nam, Sài Gòn trước và sau ngày giải phóng… Với sự đa dạng trên, có thể xem đây là một trong những bộ sách hoành tráng và đầy đủ nhất chào mừng sự kiện lịch sử trọng đại này.
Sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang xem sách về chủ đề Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại Thư viện tỉnh Khánh Hòa.
Cũng trong dịp này, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật giới thiệu các tác phẩm đánh giá lại thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như: Đại thắng mùa xuân 1975 - Sức mạnh của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Đại thắng mùa xuân năm 1975 - sức mạnh của ý chí thống nhất và khát vọng hòa bình; Nghệ thuật ngoại giao Việt Nam với cuộc đàm phán Paris; Thảm bại của “bầy diều hâu”… Ngoài ra, NXB tiếp tục ra mắt bạn đọc bộ sách về lịch sử quân sự Việt Nam, sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Nam bộ; tái bản cuốn sách Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Những trang hồi ức nhân văn
Bên cạnh những tác phẩm mang tính lịch sử, trong đợt này còn có nhiều tác phẩm văn học mang đậm dấu ấn của đại thắng mùa xuân năm 1975 như: Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Bút ký lính tăng - Hành trình đến dinh Độc Lập, Biệt động Sài Gòn...
Cuốn tiểu thuyết - tư liệu Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (Trần Mai Hạnh, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014) viết về những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa kể từ chiến thắng Phước Long của Quân giải phóng (tháng 1-1975), tới những giờ phút lịch sử trưa 30-4-1975 khi chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập, đánh dấu giờ phút toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, non sông thu về một mối. Theo nhà báo Trần Mai Hạnh, kể từ trưa 30/4/1975, khi được chứng kiến và viết bài báo tường thuật về thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc, ông đã ấp ủ viết một cuốn sách về sự kiện này. Sau đó, ông đã xuất bản 2 cuốn sách Sụp đổ và tự thú, Ngày tận thế..., nhưng phải đến Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, ông mới có dịp khai thác hết những tư liệu mà mình đã thu thập trong những năm tháng lịch sử đó. Cuốn sách không chỉ là dòng hồi ký chân thực dựa trên biên bản những cuộc họp, tường trình về thất bại của tướng lĩnh quân đội Sài Gòn, mà còn thể hiện tính chính luận sâu sắc với những dòng bình luận sắc sảo, cái nhìn nhân văn về những người phía “bên kia”...
Một cuốn sách khác được nhiều bạn đọc chú ý đó là Bút ký lính tăng - Hành trình đến dinh Độc Lập của tác giả Nguyễn Khắc Nguyệt - nguyên chiến sĩ lái xe của Đại đội Xe tăng 4, Lữ đoàn Xe tăng 20. So với lần xuất bản đầu tiên năm 2008 với tên gọi Hành trình đến dinh Độc Lập, lần tái bản này, NXB Trẻ và tác giả đã bổ sung thêm 2 chương mới - Mãnh hổ chờ thời (kể về giai đoạn Đại đội Xe tăng 4 làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu tại khu vực A Lưới từ tháng 4/1973) và phần Vĩ thanh (những hoàn cảnh, số phận khác nhau của cán bộ, chiến sĩ ở Đại đội Xe tăng 4 trong những năm hậu chiến; những mong ước của họ...); bổ sung thêm một số ảnh tư liệu và có các ghi chú cần thiết để bạn đọc hiểu rõ hơn hành trình chiến đấu của Đại đội Xe tăng 4 từ lúc xuất quân ngoài Bắc cho đến khi đến dinh Độc Lập ngày 30/4/1975...
Những cuốn sách được xuất bản trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước kể trên không chỉ đa dạng về số lượng, mà còn phong phú ở nội dung khi thể hiện một cái nhìn chân thực, khách quan từ nhiều chiều về một trong những sự kiện lịch sử nổi bật nhất thế kỷ XX của dân tộc Việt Nam. Những cuốn sách ấy không chỉ cắt nghĩa vì sao chúng ta chiến thắng, mà còn góp phần nối kết dân tộc hướng tới tương lai.