THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 11:05

Rừng bị phá tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai

Trước tình trạng phá rừng, Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Cục Kiểm lâm, Bộ NN-PTNT) phối hợp Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 3, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba vừa tổ chức tuần tra, kiểm tra và truy quét tình trạng phá rừng ở khu vực giáp ranh giữa huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai và Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk diễn ra trong thời gian gần đây.

Rừng bị phá tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Khi đoàn kiểm tra làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa thì Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng kiểm lâm của huyện phối hợp các ngành chức năng, UBND các xã, đơn vị chủ rừng kiểm tra trên địa bàn đã phát hiện, bắt giữ 24 vụ vi phạm lâm luật, tạm giữ 49,691 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ nhóm 2 đến nhóm 7, 21,2 ster củi rừng, 5 xe ô-tô, 1 xe công nông, 13 xe máy độ chế và 50 cưa xăng… Đến nay đã xử lý 21 vụ, trong đó xử lý hành chính 18 vụ , xử lý hình sự 3 vụ; tịch thu 38,884 m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại thuộc nhóm 3 đến nhóm 7, 11 ster củi tạp, 33 xe máy độ chế; một thuyền máy, một mô-tơ, 1 lưỡi cưa, phạt hành chính 60,75 triệu đồng. Trong đó, riêng tại khu vực giáp ranh với Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã phát hiện, bắt giữ 4 vụ vi phạm, thu giữ 3,121 m3 gỗ tròn và 16,738 m3 gỗ xẻ cùng 1 xe máy độ chế…

Tại tiểu khu 1432 thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ nam Sông Ba quản lý đã phát hiện 52 cây gỗ bị chặt hạ, đường kính gốc bị chặt từ 12-50cm, chiều cao gốc chặt từ 10-107 cm, chủng loại gỗ bằng lăng, thành nạnh, trâm, Sp5, trám trắng, trong đó có 7 cây bị chặt hạ còn nguyên thân gỗ tại hiện trường và 45 cây đã bị vận chuyển ra khỏi hiện trường. Các gốc cây bị chặt nằm rải rác dọc theo đường mòn chạy qua tiểu khu 1432 đến khu vực giáp ranh với rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Thời gian rừng phá được xác định từ đầu năm 2020 đến thời điểm kiểm tra, số lượng gỗ thiệt hại 7,587 m3 và 0,86 ster củi. Tại tiểu khu 1430, đoàn kiểm tra của huyện phát hiện 5 vị trí phá rừng trái phép với diện tích rừng bị thiệt hại là 1,03 ha…

Rừng bị phá tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, ngày 11 và 12/4, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa phối hợp Ban Quản lý rừng phòng hộ nam Sông Ba tổ chức kiểm tra, truy quét tại khu vực rừng thuộc các tiểu khu 1430, 1432 xã Ia Dreh, lâm phần do UBND xã Ia Dreh và Ban Quản lý rừng phòng hộ nam Sông Ba quản lý, giáp ranh với Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk phát hiện 151 phách, hộp, tấm gỗ với khối lượng 6,656 m3, chủng loại gỗ bằng lăng, bình linh, trâm… được cất giấu, chờ cơ hội vận chuyển đi tiêu thụ. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, đo đếm, thu gom, thuê xe vận chuyển toàn bộ số gỗ trên về Hạt kiểm lâm huyện Krông Pa để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo nhận định của UBND huyện Krông Pa, các đối tượng khai thác rừng trái phép gồm một số người dân địa phương khai thác gỗ để làm nhà và một số đối tượng khai thác gỗ ở khu vực giáp ranh với Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô để vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Ông Kiều Thanh Hà, Phó Chi Cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk thông tin, tình trạng lâm tặc xâm phạm rừng giáp ranh giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô với huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) diễn ra nhiều năm nay. Thời điểm "nóng" như năm 2018, lâm tặc dùng súng, kéo cả 80-100 người đổ bộ vào rừng khai thác gỗ. Các ban ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Gia Lai tổ chức truy quét nhưng một thời gian sau họ lại tái diễn vi phạm. Từ đầu năm nay, lợi dụng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, cùng với việc Cty MDF mở rộng đường khai thác rừng trồng, lâm tặc trà trộn vào, tìm cách tiếp cận, đột nhập vào rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

Trong những tháng cuối mùa khô này, tình hình phá rừng, khai thác gỗ trái phép ở khu vực giáp ranh giữa huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai và Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk vẫn diễn ra hết sức "nóng". Vì vậy, UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng của hai tỉnh và UBND các huyện, xã vùng giáp ranh chủ động phối hợp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, dân cư tại khu vực giáp ranh, phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng mở các đợt cao điểm tuần tra, truy quét các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp tại vùng giáp ranh giữa hai tỉnh… nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép tại khu vực này.

Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, quanh khu vực này chủ yếu rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, một ít rừng tự nhiên thuộc quản lý huyện Krông Pa, còn lại là rừng trồng của Cty MDF (chỉ trồng Bạch đàn và Keo lai). Địa phận này thuộc quản lý huyện Krông Pa, tổ tuần tra Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô không thể tác nghiệp. Tuy nhiên, theo quan sát, số gỗ trên không phải gỗ rừng trồng.

Anh Bùi Thanh Tính, nhân viên bảo vệ rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cho hay, lâm tặc rất nhiều mưu kế. Họ dùng đủ cách hạn chế tiếng máy cưa, xẻ cây thành những khúc nhỏ, dùng xe độ chế vận chuyển ra ngoài. "Chúng thường đi theo nhóm, mỗi nhóm 5-7 người đột nhập vào rừng rất nhanh. Nếu bị phát hiện, những người này sẵn sàng chống cự, giải vây cho nhau. Bản thân tôi đã từng nhiều lần đụng độ, đấu nhau với lâm tặc", anh Tính kể.


LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh