CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:31

Rót thêm hơn 250 triệu USD, đến tháng 9/2018 đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới chạy thử nghiệm?

Theo báo dantri mới đây cho biết, đây là khoản tiền mà Việt Nam vay thêm Trung Quốc để phục vụ Dự án đã được 2 bên thống nhất cách đây 3 năm, nhưng đến tháng 5/2017 thì khoản vay này mới được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Sau ký kết, 2 bên phải thực hiện thêm một số thủ tục pháp lý khác để khoản vay có hiệu lực.
Sau khi khoản vốn vay bổ sung được “khơi thông” ngày 28/12, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh: “Tiền đã có, đường đã xong, thiết bị đang về nên không thể nói là vướng cái này, vướng cái kia, không có lý do gì để chậm trễ thêm nữa. Chúng tôi nói với phía Trung Quốc là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã trải qua 3 đời Bộ trưởng, phía bạn phải đẩy nhanh tiến độ. Bộ Giao thông đang tập trung cho dự án”.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ nhiều năm liền (ảnh dantri)
Đề cập tới mục tiêu vào khai thác thương mại tuyến đường sắt trong năm 2018, Thứ trưởng Đông yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt phối hợp với Tổng thầu Trung Quốc trong các khâu như lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, thông tin tín hiệu, đóng điện và chủ động hướng dẫn Tổng thầu thực hiện, giám sát chứ không nói đó là việc của Tổng thầu.
“Nếu có vướng mắc, Ban Quản lý dự án cần báo cáo ngay với Bộ GTVT để không làm mất thời gian. Trong tháng 1, Bộ GTVT sẽ báo cáo tình hình triển khai dự án với Chính phủ, sau đó Chính phủ sẽ chốt tiến độ.” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Thời gian thực hiện Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ban đầu là 11/2008 tới 11/2013, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD, tuy nhiên đến tháng 4/2010 mới được động thổ và tháng 10/2011 thì chính thức triển khai. Đến thời điểm này tổng mức đầu tư của dự án là 868,04 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 300 triệu USD so với kế hoạch ban đầu.
Theo kế hoạch ban đầu, cuối tháng 7/2017 dự án sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị, tháng 10/2017 Tổng thầu Trung Quốc sẽ vận hành thử nghiệm và quý II/2018 sẽ đưa vào khai thác thương mại.
Mới đây, Bộ GTVT đã phải tuyên bố “phá sản” kế hoạch vận hành thử nghiệm toàn hệ thống vì tiến độ dự án không đáp ứng được yêu cầu trong tháng 10/2017.
Mặc dù tổng mức đầu tư của dự án đã tăng hơn 300 triệu USD, nhưng Tổng thầu Trung Quốc đã đề xuất với Bộ GTVT xin lùi dự án sẽ chậm thêm 11 tháng so với kế hoạch, tức là đầu tháng 9/2018 sẽ chạy thử toàn bộ 13 đoàn tàu trên toàn tuyến. Sau khi vận hành thử từ 3 đến 6 tháng, dự án sẽ khai thác thương mại. 

THÀNH NAM (Tổng Hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh