CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:28

Rơi nước mắt nghe chuyện liệt sỹ trở về !

 

1. Tuổi đã cao, sức khỏe mỗi ngày một giảm sút nhưng mỗi khi có ai nhắc về người em trai út của mình “liệt sỹ Lê Thế Thiều”, đôi mắt ông  Lê Thế Đính (67 tuổi, thôn Minh Châu) lại ngấn lệ, những dòng nước mắt chỉ chực muốn trào ra trên gương mặt đã sạm đi vì sương gió. Ông đã khóc, khóc rất nhiều lần kể từ cái ngày ông và gia đình nhận được tin dữ “chú út” hi sinh. Rồi ông lại khóc trong niềm vui khi hay tin em mình vẫn còn sống. Niềm vui hội ngộ dài chưa trọn tày gang, người em út lại một lần nữa rời bỏ ông và gia đình “bặt vô âm tín”.

Mỗi khi nhắc đến "liệt sỹ trở về", ông Lê Thế Đính (trái) và ông Nguyễn Văn Hội (phải) lại rơm rớm nước mắt

Nhớ lại, ông Đính kể: Gia đình tôi có 5 anh em trai, đều là bộ đội. Sau 29 năm nhận được tin dữ “chú út” (liệt sỹ Lê Thế Thiều - PV) mất tích, hi sinh (1983-2012), 18 năm được nhà nước công nhận liệt sỹ (1994-2012) ở chiến trường Campuchia, cuối năm 2012 một gia đình đi tìm mộ liệt sỹ bên Campuchia báo tin về người em út của tôi vẫn còn sống. Vừa mừng, vừa tủi, cả gia đình quyết định tổ chức đi tìm. Dành dụm số tiền được 80 triệu đồng, sau chặng đường dài gian nan vất vả gần 15 ngày tìm kiếm trên vùng đất biên giới Campuchia - Thái Lan, cuối cùng tôi cũng tìm được “chú Thiều” đang trú ngụ trong một ngôi chùa bên nước bạn. Khi ấy hành trang trên người em tôi chỉ là vài ba bộ quần áo bạc màu, chiếc ba lô đã sờn đi vì năm tháng, không vợ con, đầu óc khi tỉnh khi mê. Gặp lại em sau gần 30 năm xa cách nhưng tôi nhận ra ngay, anh em vui mừng khôn xiết, chính nhờ sự giúp đỡ của người đồng hương đi tìm mộ liệt sỹ tốt bụng, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được chú ấy về...”.

Ngày ông Thiều về quê, cả thôn Minh Châu vui như ngày hội, bởi trước đó không lâu, ông Nguyễn Văn Hợp – một liệt sỹ được công nhận 17 năm cũng đã trở về. Cả làng, cả xã đến chúc mừng gia đình ông. Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, ngắt đoạn ông Đính kể tiếp: “Về ở với tôi gần 3 tháng nhưng chú ấy lúc tỉnh, lúc mê, thần kinh không ổn định bởi những vết thương trên đầu ảnh hưởng đến. Gia đình đã đưa đi chữa trị ở bệnh viện nhưng trí nhớ cũng chẳng cải thiện được nhiều, chữa trị được một thời gian thì chú ấy lại trốn về. Có khi chú ấy nhớ rành rọt từng trận đánh, lúc bị thương, nhưng có khi ngây ngô như trẻ lên ba. Có những lúc tính khí thất thường thì lại đánh tôi, phá phách trong nhà. Tôi cũng thương chú ấy lắm nhưng cũng chẳng thể khuyên nhủ em. Chiếc ba lô đã sờn với vài ba bộ quần áo cũ lúc nào cũng được chú ấy gói gém cẩn thận để “sẵn sàng hành quân”. Có đêm đang ngủ, chú ấy bật dậy chạy ra sân hô to: “Có bom, có bom”, “xung phong”, “đánh”... làm người nhà phát hoảng. Bản thân tôi từng là quân nhân, có mặt trên nhiều chiến trường nên phần nào hiểu được những mất mát, hi sinh, những ký ức, nghĩa tình người lính...”.

Danh bia liệt sỹ cũ ở xã Minh Nghĩa khắc tên liệt sỹ Nguyễn Văn Hợp (dòng cuối cùng bên phải).

Về ở với gia đình,nhưng vết thương chiến tranh, những ký ức cuộc chiến khiến ông Lê Thế Thiều chẳng bao giờ chịu ngồi yên. Khi thì lang thang trong làng, trong xã. Đầu năm 2013, sau gần 3 tháng ở nhà, ông Thiều lại bỏ đi vào mãi tận An Giang, Cần Thơ. Có lẽ, chiến trường xưa với với những người đồng đội đã ngã xuống đã níu kéo ông quay trở lại nơi đây!? “Cũng may, khi chú ấy mới về gia đình đã kịp đưa đi làm chứng minh nhân dân nên sau bận ấy có người thông báo về cho xã nên gia đình tôi lại tổ chức vào đưa chú ấy về. Lần này, ở được thêm một tháng nữa chú ấy lại bỏ đi. Khi đi cũng chỉ mang theo chiếc ba lô cũ, vài bộ quần áo, tấm bằng Tổ quốc ghi công... đến nay đã 3 năm trôi qua gia đình vẫn “bặt vô âm tín” – ông Đính nói.

Cũng giống như trường hợp ông Đính, ông Nguyễn Văn Hội (SN 1960 – thôn Minh Châu) có anh trai là ông Nguyễn Văn Hợp trở về sau 17 năm (1994-2011) được nhà nước công nhận 1à liệt sỹ. Ông Hội kể: “Năm 1979, anh Hợp tham gia huấn luyện ở Sư 42, rồi sau đó đơn vị di chuyển vào Vũng Tàu. Khi chiến tranh biên giới ở Campuchia nổ ra, đơn vị anh Hợp tham gia chiến đấu ở Campuchia. Cũng từ đó gia đình tôi chẳng còn tin tức về anh Hợp nữa. Năm 1990, gia đình tôi có làm đơn đề nghị tới các cấp chính quyền xem xét, tìm kiếm. Đến 1994, nhà nước chính thức công nhận anh Hợp là liệt sỹ. Bẵng đi một thời gian, năm 2011 có người trong xã đi làm kinh tế ở Đồng Nai gọi về báo rằng ông Hợp vẫn còn sống. Đến ngày 14/7/2011, sau bao nỗ lực tìm kiếm, gia đình tôi đã đưa được anh Hợp về. Anh Hợp về ở với gia đình tôi cũng chỉ gần 3 tháng, về nhà nhưng tâm trí cũng chẳng ổn định, ngày thì đi lang thang trong làng, trong xã, nhiều hôm tối trời lại bỏ nhà ra nằm rìa đường. Nói dại chứ, chẳng may có ai đi qua đường mà đụng vào rồi phải vạ. Đến tháng 10/2011, anh Hợp bỏ đi, đến nay gia đình tôi cũng chẳng còn tin tức về anh nữa” – ông Hội nói.

Ông Lê Thế Đính và ông Nguyễn Văn Hội kể lại chuyện cho phóng viên.

2. Ông Lường Khắc Nam, chủ tịch UBND xã Minh Nghĩa cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin về hai trường hợp ông Lê Thế Thiều; Nguyễn Văn Hợp trở về quê sau gần 20 năm được công nhân liệt sỹ, chính quyền địa phương đã trực tiếp xuống tận gia đình để thăm hỏi động viên sức khỏe đồng thời báo cáo sự việc lên Ban chỉ huy quân sự và Phòng LĐ-TB&XH huyện để cắt chế độ hương khói và hướng dẫn gia đình làm các thủ tục cần thiết để các ông được hưởng chế độ theo quy định của nhà nước. Chính quyền xã cũng đã hướng dẫn, tạo điều kiện hết mức cho gia đình với mong muốn bù đắp phần nào đó những thiệt thòi, hi sinh mà các ông đã gánh chịu trong suốt những năm qua.

Còn ông Lê Đình Bốn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Cống cho biết thêm: Trường hợp 2 liệt sỹ trở về ở xã Minh Nghĩa là có thật, ngay khi nhận được thông tin phòng đã chỉ đạo anh em xác minh cụ thể và có chính sách hỗ trợ khẩn cấp. Tuy nhiên, cả 2 trường hợp trên đều không còn giấy tờ thân. Trước mắt phòng đã giải quyết cho cả 2 trường hợp chế độ trợ cấp xã hội theo Nghị định 136. Về lâu dài sau khi "trả" danh hiệu liệt sĩ, để đảm bảo những quyền lợi, chế độ với những đóng góp, hi sinh của các ông, phòng cũng đã phối hợp với Huyện đội, chính quyền địa phương tìm phương án giải quyết. Gia đình đã có kiến nghị, đề xuất, tuy nhiên, cái khó nhất đến thời điểm hiện tại là cả hai ông đều không còn ở địa phương nên mọi chế độ, thủ tục vẫn chưa thể thực hiện được...

Chiến tranh kết thúc đã hơn 40 năm, may mắn sống sót trở về sau gần 20 năm được công nhận là liệt sỹ. Đó không chỉ là may mắn, niềm vui riêng của gia đình ông Đính, ông Hợp. Tuy nhiên, niềm vui muộn màng cũng chẳng trọn vẹn bởi gia đình, người thân chưa có thời gian chăm sóc, bù đắp cho những mất mát hi sinh mà các ông đã trải qua. Chiến tranh không chỉ gây nỗi đau cho bản thân những người lính mà còn cho gia đình, người thân và cho cả đất nước nhỏ bé này. Bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu nước mắt đã rơi, bao nhiêu con người đã nằm xuống nhưng chưa thể về với gia đình? Câu hỏi đó đến nay vẫn khiến nhiều người chua xót. Sự ra đi của họ là nỗi đau ẩn sâu trong mỗi người cha, người mẹ, người vợ, người con...

Anh Tuấn/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh