Rối loạn cơ mặt là bệnh gì?
- Y học 360
- 13:48 - 10/09/2019
Nguyên nhân gây bệnh liên quan đến yếu tố di truyền, các rối loạn sinh hóa thần kinh, yếu tố khí chất ở những trẻ tính tình không ổn định. Căng thẳng, kích động, mệt mỏi, nóng bức, dùng các thuốc kích thích, người bị rối loạn tăng động giảm chú ý hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ làm tăng nguy cơ mắc rối loạn máy cơ mặt.
Theo ý nghĩa về mặt tâm lý, rối loạn cơ mặt được chia thành hai loại là rối loạn đơn giản và rối loạn phức tạp.
Rối loạn cơ mặt đơn giản là những động tác nhanh, định hình do những nhóm cơ có cùng một chức năng tham gia như nháy mắt, lắc đầu, nhún vai, nhếch mép, nâng cánh mũi, cử động các ngón tay. Người bệnh có thể phát ra những âm thanh nhanh và vô nghĩa như hắng giọng, ho khạc, khụt khịt, lầm bầm, tiếng kêu, tiếng rít.
Rối loạn cơ mặt phức tạp là những động tác diễn ra có mục đích và kéo dài lâu hơn so với TIC đơn giản như vuốt tóc, cắn, ném, đánh, nhảy, sờ, nhại động tác của người khác. Bệnh nhân phát ra những âm thanh, từ ngữ không lưu loát về nhịp điệu, những lời nói bị tắc nghẽn, những câu nói bật ra không phù hợp với hoàn cảnh, nói tục không chủ ý, lặp lời bản thân hoặc nhại lời người khác.
Các phương pháp điều trị:
Liệu pháp hóa dược
Bác sĩ dùng thuốc chống động kinh, tiêm Botulinum toxin (botox) để làm tê liệt cơ mặt tạm thời... áp dụng cho bệnh nhân mạn tính.
Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp hành vi "đảo ngược thói quen" giúp bệnh nhân nhận thức được rối loạn TIC của họ và chủ động tạo ra các vận động "chống lại" mỗi khi có cảm giác thực hiện TIC. Phương pháp này áp dụng cho tất cả các bệnh nhân.
Y học cổ truyền
Các phương pháp châm cứu, xoa bóp có hiệu quả trong việc giảm thiểu các triệu chứng, rút ngắn thời gian bệnh cũng như thời gian tái phát bệnh.