THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 11:58

Rau má xứ Thanh… vươn ra thế giới

Vốn là chủ cơ sở kinh doanh nhôm kính, sàn gỗ với thu nhập mỗi năm hàng tỉ đồng, thế nhưng duyên kỳ ngộ đã đưa anh Trần Văn Tân gắn bó với cây rau má, với nông sản sạch sau hai chuyến tham quan Nhật Bản và Israel cùng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Câu chuyện anh Tân chuyển đổi sang mô hình cây rau má thời kỳ đầu không chỉ vấp phải sự phản đối của người thân, gia đình mà ngay cả chính quyền sở tại cũng không mấy mặn mà khi cho rằng anh khó mà thành công. Thế nhưng trước quyết tâm của mình, anh cũng được chính quyền địa phương chấp thuận.

Anh Trần Văn Tân bên sản phẩm từ cây rau má

Anh Trần Văn Tân bên sản phẩm từ cây rau má

Thành lập năm 2009, sau 13 năm đi vào hoạt động, Công ty CP xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới đã không ngừng lớn mạnh, trở thành doanh nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2018 Công ty đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP" tại huyện Quảng Xương, đạt năng suất cao, bảo đảm chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế từ 30% trở lên so với điều kiện sản xuất thông thường. Từ đó anh Tân đã biến nhiều ha đồng đất kém hiệu quả thành một chuỗi mô hình sản xuất rau sạch đạt chuẩn VietGAP. Trong đó, cây rau má được anh Tân quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng nhất.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm quan dây chuyền sản xuất rau má

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm quan dây chuyền sản xuất rau má

Theo anh Tân cho biết: “Nhiều địa phương khác trong cả nước phát triển thành công mô hình trồng cây rau má thương phẩm. Trong khi đó, giống rau má bản địa xứ Thanh có 2 loại là rau má trắng và rau má tía với nhiều tiềm năng, lợi thế hơn so với các giống rau má ngoại nhập nhưng chỉ được người nông dân dùng để làm thức ăn, nước uống giản đơn, chưa khai thác hết giá trị, tiềm năng mà nó mang lại. Đây chính là lý do khiến tôi quyết tâm làm nông nghiệp, tìm hướng đi cho cây rau má xứ Thanh. Định hướng, mục tiêu của dự án hướng đến là nghiên cứu hoàn thiện được bản hướng dẫn kỹ thuật nhân giống rau má bản địa đạt tiêu chuẩn cơ sở, bản hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch rau má theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng được nhãn hiệu tập thể “Rau má xứ Thanh” và xây dựng, hoàn thiện, đưa vào khai thác có hiệu quả hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể “Rau má xứ Thanh”: Mô hình quản lý, điều kiện, phương tiện quản lý, phương án sản xuất và kinh doanh, quy trình truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn, bao bì đóng gói...”- anh Tân nói.

Công nhân sơ chế rau má

Công nhân sơ chế rau má

Để phát triển thương hiệu rau má xứ Thanh, anh Tân cùng đội ngũ lãnh đạo, nhân viên công ty tập trung xây dựng ý tưởng, kế hoạch, tìm hướng đi mới cho cây rau má. Anh Tân đi khắp vùng quê xứ Thanh, thu thập các mẫu cây rau má mọc tự nhiên về nghiên cứu, chọn lọc, bảo tồn giống bản địa. Từ năm 2020 đến nay, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới đã phát triển khoảng 0,5 ha rau má bản địa tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Queen Farm ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương vừa để nhân giống, thử nghiệm với quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ vừa làm cơ sở để nhiều đơn vị trong, ngoài tỉnh đến tham quan, chuyển giao công nghệ. Ngoài ra Công ty đã liên kết với khoảng 10 địa phương, đơn vị tại TP Thanh Hóa, huyện Như Thanh, huyện Quảng Xương, huyện Triệu Sơn, Cẩm Thủy, Nông Cống... với tổng diện tích liên kết đạt khoảng gần 100 ha.

Có nguồn nguyên liệu ổn định, năm 2021 anh Tân đã đầu tư lắp đặt dây chuyền sơ chế - chế biến rau má được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản với năng suất 1 tấn rau má tươi/ngày và bắt đầu cho ra đời các sản phẩm được chế biến từ cây rau má như bột rau má mịn, nước uống rau má đóng chai, thạch rau má, trà túi lọc rau má, viên nén rau má, rau má tươi cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn…

“Hiện các sản phẩm từ cây rau má được UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá OCOP 4 sao và có nhiều đối tác ở nước ngoài quan tâm, đặt hàng. Trong đó, một đối tác ở Ấn Độ đã đặt mua rau má tươi 3.000-3.500 tấn/năm để chiết xuất tinh dầu rau má”- anh Tân chia sẻ.

Cũng theo anh Tân, ngoài đối tác Ấn Độ, các sản phẩm của cây rau má hiện đã được các đối tác ở Nhật Bản, Hàn Quốc đặt hàng. “Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là thị trường trong nước mà phấn đấu đưa các sản phẩm chế biến từ cây rau má bản địa xứ Thanh hướng đến xuất khẩu, vươn ra thị trường nước ngoài khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ, Úc, Thái Lan và một số nước châu Phi. Đến năm 2025, doanh nghiệp sẽ kết hợp với nông dân, hợp tác xã tại nhiều địa phương tăng vùng nguyên liệu lên từ 300-500 ha. Không chỉ giúp công ty có nguồn nguyên liệu ổn định mà cây rau má sẽ giúp người dân có thể yên tâm sống khỏe trên chính đồng ruộng của mình. Với 10-11 vụ/năm, nếu tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc, năng suất cây rau má đạt từ 45-50 tấn/ha, thì trừ tất cả các chi phí, sẽ có thu nhập từ 250-300 triệu đồng/ha/năm. Với người nông dân nếu trồng từ 5-6 sào rau má sẽ cho doanh thu từ 12-15 triệu/tháng”- anh Tân khẳng định.

Ngày 8/2 vừa qua, tại buổi ra mắt các sản phẩm từ cây rau má của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, phát biểu và chia sẻ, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ trọng Hưng cho biết: “Những sản phẩm chế biến từ cây rau má – Sâm của người xứ Thanh, không chỉ là sản phẩm của thiên nhiên hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho con người, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế mà còn góp phần xây dựng thương hiệu tỉnh, thương hiệu địa phương”- Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nói.

Không chỉ thành công với cây rau má, khu nông nghiệp công nghệ cao của anh Tân hiện trồng rất nhiều các sản phẩm rau thủy canh, với giá bình quân 20 triệu đồng/tấn, mỗi năm anh thu về trên 4 tỷ đồng. Đặc biệt, việc đưa giống dưa Taki trồng trong nhà lưới cho 3 vụ/năm, mỗi vụ năng suất khoảng 30 - 35 tấn, doanh thu đạt 5,4 tỷ đồng/năm…

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh