Rất nhiều gia đình hiện nay thừa tiền nhưng thiếu tình
- Y học 360
- 18:25 - 27/06/2015
Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai (bìa trái) chia sẻ với phụ huynh về việc nuôi dạy con cái nhân Ngày Gia đình Việt Nạm 2015 - Ảnh: Như Lịch
|
Ai cũng nói “bận quá!”
Bà Lý Thị Mai chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng để xây dựng nhân cách cho con trẻ, trước hết phải thể hiện ở chính nơi trẻ sinh ra, đó là gia đình. Gia đình thời hiện đại có nhiều cái tiện nghi, nhưng chúng ta quay cuồng trong cuộc sống này, nên thời gian cực kỳ eo hẹp. Người nào cũng nói câu mở đầu: ‘Bận quá!’. Bản thân tôi có lúc giật mình vì câu nói đó”.
Bà Mai trăn trở: “Vậy thì chồng ơi thời gian đâu dành cho vợ? Vợ ơi giờ đâu dành cho chồng? Cha mẹ ơi giờ đâu dành cho con cái? Bởi thế chúng ta mới có hiện tượng đau lòng khi biết những bài văn mà con làm không biết tả về bữa cơm gia đình, đành để giấy trắng. Nếu tôi là giáo viên tôi sẽ cho trang giấy trắng ấy 10 điểm bởi vì đó là đứa trẻ trung thực. Không biết thì không nói chứ không thuộc lòng để trả lời. Và đó chính là nhân cách của con người. Nhưng tiếc thay, ta bắt con trẻ có nhân cách tốt, có đạo đức lành mạnh trong khi chúng ta đi lệch mất rồi!”.
“Sở dĩ công việc của chúng tôi càng ngày càng phát triển là vì người ta không có thời gian dành cho nhau. Họ dành thời gian cho hàng xóm, cho đồng nghiệp, dành cho người khác… nên ngoại tình tăng cao, các phòng tư vấn rất đông khách. Tôi cho rằng, có rất nhiều gia đình hiện nay thừa tiền nhưng thiếu tình!”, vị chuyên gia tâm lý này nhấn mạnh.
Nhắn nhủ những bậc phụ huynh, bà Lý Thị Mai tha thiết: “Bận đâu thì bận, làm gì thì làm, xin hãy để dành thời gian cho gia đình. Chúng ta luôn nói rằng bố mẹ bận kiếm tiền để nuôi con. Nhưng đâu phải chỉ nuôi con ăn, mà còn phải dạy con nên người nữa chứ. Có thời gian mới lắng nghe con, mới hiểu con; mới nghe được và hiểu được bạn đời cần gì ở mình…”.
Hãy để trẻ sống cuộc đời của nó
Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai và thạc sĩ Đào Lê Hòa An trong buổi tọa đàm "Định hình nhân cách cho con trẻ từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình" - Ảnh: Như Lịch
|
Đứng ở góc độ người con, chị Hồng Ánh bày tỏ: “Tôi mong muốn cha mẹ hãy hiểu con, hãy đặt vị trí cha mẹ vào vị trí của người con để lắng nghe con muốn gì. Hãy cùng con tham gia các hoạt động và thấy rằng con làm được những điều đó”.
Có con trai mới 17 tháng tuổi, người mẹ trẻ Trần Thị Diễm (27 tuổi, ngụ tại TP.Hồ Chí Minh) đã đặt nhiều kỳ vọng: “Điều chúng tôi mong mỏi nhất là sau này bé trở thành người sống có trách nhiệm với chính bản thân mình, có một công việc bình thường và góp một công sức nhỏ cho xã hội. Và nếu được hơn nữa, bé sẽ tiếp nối và hoàn thành những ước mơ, những điều mà ba mẹ chưa làm được”.
Tham dự tọa đàm với tư cách là một phụ huynh, thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy đã phản biện lại ý kiến trên: “Các ông bà và cha mẹ hãy để trẻ sống cuộc đời của trẻ. Tôi rất chia sẻ với bạn Diễm nhưng mong bạn đừng bắt đứa con viết tiếp ước mơ của mình. Khi trẻ có được sự tôn trọng và sự tự tin cuộc sống là chính nó, nó sẽ tôn trọng người khác. Và đấy chính là sống có nhân cách”.
Theo thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Giám đốc chiến lược Trung tâm đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt, bên cạnh việc làm gương cho con, người lớn hãy đứng cùng “chiến tuyến” với con để hiểu con mình, trao cho con một niềm tin và khả năng chịu trách nhiệm với cuộc sống này. Thạc sĩ Hòa An nói: “Chúng tôi rất tâm đắc câu: ‘Con diều nhờ ngược gió mà bay cao. Hãy để tính cách trưởng thành từ những cơn gió ngược’. Những cơn gió ngược ở đây là những khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Nếu chúng ta tập cho trẻ cách ứng phó những thử thách đó thì trẻ sẽ học được cách trưởng thành”.