Rà soát tổng thể, toàn diện Dự thảo Bộ Luật hình sự
- Tây Y
- 02:32 - 27/10/2016
Bảo đảm luật có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quan điểm của Chính phủ sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế liên quan đến một số chính sách cụ thể được thể hiện trong một số điều luật của Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của Bộ luật Hình sự, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, không làm thay đổi những chính sách lớn của Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo Tờ trình của Chính phủ, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc Phần những quy định chung và 123 điều thuộc Phần các tội phạm, trong đó có 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ một điều
Tuy nhiên cũng có những quan điểm khác cho rằng để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần rà soát kỹ lưỡng tổng thể Bộ luật, bất kỳ quy định nào chưa phù hợp, khó áp dụng đều phải tiến hành sửa đổi mà không giới hạn ở phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đại biểu Nguyễn Văn Thuyết ( Bà Rịa- Vũng Tàu) Ngô Minh Châu ( TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, không nhất thiết phải thông qua Luật tại kỳ họp thứ 2 mà kỳ họp này nên dành để thảo luận thật kỹ và có thời gian rà soát, kỹ lưỡng tổng thể toàn bộ Dự thảo Luật để sửa đổi những điểm chưa phù hợp
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân ( Đắk Lắk) nhấn mạnh, đây là một đạo luật quan trọng, nếu để xảy ra sai sót sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, khó lường. Đại biểu nêu quan điểm thống nhất với ý kiến thứ 2 được nêu trong Tờ trình của Chính phủ là cần phải khắc phục tối đa các sai sót trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và thậm chí theo đại biểu là phải sửa đổi triệt để, căn bản, toàn diện những quy định chưa hợp lý của Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm xây dựng Bộ luật có tính khả thi cao, sát với thực tiễn và có tính ổn định lâu dài. Việc sửa đổi bộ luật cần phải thận trọng, tránh tình trạng sau khi sửa đổi, bổ sung vẫn còn những sai sót, bất cập, không áp dụng được trong thực tế. “Tôi nhất trí với phương án 2 của báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật là cần phải khắc phục tối đa những sai sót trong bộ luật. Thậm chí là phải sửa đổi triệt để, toàn diện những quy định chưa hợp lý.Một bộ luật được ban hành cần phải đảm bảo tính khả thi cao, sát với thực tiễn và mang tính ổn định lâu dài. Nếu còn những sai sót tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, khi nào dự thảo luật thật sự tốt, chất lượng sẽ được thông qua”, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân nêu ý kiến.
Nghiêm khắc, triệt để với tội phạm ma túy
Liên quan đến vấn đề tội phạm ma túy, trong phần thảo luận tại hội trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, thời gian vừa qua chúng ta chứng kiến những trọng án, những thảm án liên quan đến ma túy. Điển hình như Trần Tuấn Khương cắt lìa bàn chân của chị gái mình, hay như vụ Đỗ Đức Hùng (ở Nam Định-PV) đã giết chết mẹ đẻ bằng hàng chục nhát dao. Gần đây nhất là thảm án ở Quảng Ninh cùng lúc sát hại cả 4 bà cháu…Tất cả các vụ án này, trước khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đều sử dụng ma túy.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) thảo luận về Dự thảo Luật hình sự (sửa đổi)
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, số lượng người nghiện ma túy tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Nếu như cuối năm 2011, cả nước có trên 158.000 người nghiện ma túy thì cuối năm nay con số này là trên 202.000 người nghiện. Như vậy sau 5 năm, con số người nghiện tăng hơn 44.000 người. “Do đó tất cả những gì có thể làm để nghiêm trị tội phạm ma túy tháo giỡ vướng mắc cho cơ quan tố tụng là đặc biệt ưu tiên”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn manh.
Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, tình hình vi phạm pháp luật của người chưa thành niên hiện nay đang làm cho dư luận và nhân dân rất bức xúc. Tuy nhiên, quan điểm nhân đạo đối với người chưa thành niên đấy là quan điểm xuyên suốt của Đảng và phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em mà nước ta là thành viên. “Bởi vậy, tôi nhất trí với các quy định về việc không xử lý hình sự đối với người đủ từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác, tội hiếp dâm, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản cũng như quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ với một số tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý và phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như Tờ trình Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tăng cường các biện pháp xử lý, giáo dục khác, như đưa vào trường giáo dưỡng, các biện pháp ngăn chặn, cải tạo khác để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên”.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân ( Đắc Lắk) lại cho rằng, quy định này không phù hợp với thực tế tình hình tội phạm vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi thực hiện trong thời gian qua. Nhiều vụ án hình sự về tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là tình trạng người chưa thành niên phạm vào các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như về ma túy, giết người do sử dụng ma túy chiếm tỷ lệ rất cao, gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân. Trước thực trạng đó, cần có những giải pháp thích hợp để phòng ngừa, xử lý có hiệu quả tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội.
Về tội phạm liên quan đến môi trường, đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cho rằng, đây là tội rất nghiêm trọng, hậu quả không chỉ là con người mà kể cả môi sinh, môi trường sống lâu dài cho các thế hệ mai sau. Tuy nhiên, trong Điều 35 tội gây ra ô nhiễm môi trường hình phạt nặng nhất chỉ phạt 10 tỷ đồng và 7 năm tù. Như thế chưa thỏa đáng, cần tăng mức hình phạt và tăng mức xử tù để mang tính chất răn đe.
Liên quan đến tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam, theo quy định của Điều 239 thì hình phạt cao nhất vẫn là 2 tỷ đồng và 10 năm tù. “Nếu như thế không khéo nước ta sẽ trở thành bãi rác nhập chất thải của thế giới về. Tôi đề nghị nên nghiên cứu mức hình phạt làm sao cho tương xứng” – đại biểu Nguyễn Văn Thể nêu ý kiến.