Ra mắt Ban chỉ đạo Đề án "Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài"
- Tây Y
- 13:51 - 18/07/2019
Ảnh minh họa (nguồn Intrernet)
Ngày 17/7, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài".
BCĐ gồm 12 thành viên là đại diện các bộ, ban, ngành liên quan, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm Trưởng Ban, có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng Đề án; Bộ Nội vụ bảo đảm kinh phí để BCĐ hoạt động. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã ký quyết định thành lập Tổ biên tập xây dựng Đề án gồm 20 thành viên là đại diện các bộ, ban, ngành, do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa làm Tổ trưởng; có trách nhiệm giúp BCĐ xây dựng Đề án.
Theo dự thảo đề cương Đề án, bước đầu các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng được chính sách thu hút nhân tài. Nhân tài được tuyển dụng vào làm việc luôn có thái độ, tinh thần trách nhiệm cao, ý thức kỷ luật tốt; khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, thu nhập thấp, đãi ngộ không thỏa đáng nên nhiều đơn vị, địa phương không giữ chân được nhân tài. Cơ hội thăng tiến bị hạn chế bởi các rào cản về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý chung của nhà nước. Ngoài ra, công việc thiếu sáng tạo, bố trí việc làm không phù hợp với chuyên môn đào tạo, môi trường, điều kiện làm việc không bảo đảm.
Đáng chú ý, nhân tài có kiến thức, trình độ học vấn cao nhưng thiếu kinh nghiệm, chậm được bồi dưỡng để đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí tương xứng…
Dự thảo đề cương đã đưa ra các nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách về nhân tài. Cụ thể, nghiên cứu ban hành Nghị định về thu hút, trọng dụng nhân tài; nghiên cứu bổ sung Nghị định quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước; nghiên cứu việc sửa Luật Nhà ở năm 2014 để bổ sung đối tượng nhân tài được hưởng chính sách về nhà ở; nghiên cứu chính sách tiền lương đối với nhân tài; chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, đào tạo bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học...
Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2020 - 2025, trong đó chia thành 2 giai đoạn. Cụ thể, từ năm 2020 - 2021 sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến về Đề án; rà soát, hoàn thiện các chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Giai đoạn từ năm 2022 - 2025, tổ chức triển khai các chính sách cụ thể; tổng kết, đánh giá thực hiện Đề án.