THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:20

Quyết liệt hơn trong công tác giảm nghèo

 

ĐB Tống Thanh Bình (Lai Châu): Cần tiếp tục rà soát cắt giảm sự chồng chéo trong các chính sách giảm nghèo



Những năm qua công tác giảm nghèo của chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong giai đoạn 2011 - 2016, bình quân tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước giảm 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 6%/năm. Kết quả này ghi nhận sự nỗ lực vào cuộc quyết liệt có trách nhiệm của các cấp, các ngành và địa phương, sự vươn lên của chính người nghèo.

 Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trong thời gian qua còn có những hạn chế, bất cập, đó là nhiều chính sách được ban hành sát với thực tế, song nguồn lực bố trí chưa thực sự đảm bảo, còn phân tán nhỏ giọt, một số chính sách còn trùng lắp, cơ chế quản lý chưa thực sự thống nhất, nhiều đầu mối quản lý nên đã ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện công tác giảm nghèo của cả nước. Đặc biệt, đối với các tỉnh nghèo, huyện nghèo ngân sách khó khăn chủ yếu dựa vào cân đối ngân sách trung ương, bước sang giai đoạn 2016-2020 theo cách tiếp cận đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo tăng cao hơn từ 4,25% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 lên 9,88%.

 Để thực hiện hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020 , theo tôi cần thay đổi đồng bộ, toàn diện trong cách tiếp cận chính sách giảm nghèo theo hướng giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho không, thay vào đó là việc đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ tín dụng, giảm tối đa tính trông chờ, ỷ lại vào nhà nước của người nghèo.

Đồng thời, ban hành các chính sách phát huy mang tính nội lực, chính sách có tính thúc đẩy huyện nghèo, xã nghèo, bản nghèo và hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, tư tưởng không muốn thoát nghèo không chỉ tồn tại ở người nghèo mà còn tồn tại trong tư duy của một bộ phận cán bộ, đảng viên và cấp ủy chính quyền. Thoát nghèo sẽ đồng nghĩa với việc mất đi các quyền lợi như nguồn lực đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo, các chính sách ở vùng đặc biệt khó khăn dẫn đến không muốn thoát nghèo. Do vậy, để tạo động lực thoát nghèo việc thay đổi cách tiếp cận, phát huy mang tính nội lực của chính sách có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác giảm nghèo hiện nay.

Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát cắt giảm sự chồng chéo trong các chính sách và giảm các đầu mối quản lý, các chính sách từ Trung ương đến địa phương bố trí đủ nguồn vốn theo phân kỳ hàng năm. Đồng thời, thực hiện việc phân cấp mạnh cho địa phương trong việc chủ động thẩm định điều chỉnh và quản lý nguồn vốn, thực hiện các chính sách được phân bổ theo kế hoạch hàng năm và trung hạn, tránh tình trạng chậm trễ, vướng mắc như trong triển khai thực hiện nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2016, làm ảnh hưởng đến việc quản lý thực hiện của các năm tiếp theo trên địa bàn cả nước.

 

ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa): Đề nghị Quốc hội, Chính phủ dành nguồn lực đầu tư đặc thù cho đồng bào dân tộc



Theo số liệu được các cơ quan thống kê, cập nhật cho đến cuối năm 2015 đối với 53 dân tộc thiểu số cho thấy cả nước có hơn 3 triệu hộ với hơn 13 triệu đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 14,6% dân số cả nước, trong đó 90% sống ở vùng nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc khoảng hơn 23% cao gấp hơn 3 lần tỷ lệ chung của cả nước.

Phải nói rằng, quan tâm đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta đã được thực hiện liên tục trong nhiều năm và mang lại kết quả thiết thực, đảm bảo mức cơ bản về an sinh xã hội tại những vùng khó khăn. Nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận không ít chính sách thực hiện thiếu hiệu quả, không đến nơi, đến chốn, không đủ nguồn lực thực hiện nên xảy ra tình trạng nhà nước nợ chính sách với đồng bào.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc thì đến nay tổng số vốn cấp để thực hiện các chính sách do Ủy ban Dân tộc được giao chủ trì quản lý mới được hơn 7000 tỷ đồng trên tổng số nhu cầu trên 14.000 tỷ, tức là chỉ đáp ứng hơn 50%. Có những tập đoàn doanh nghiệp nhận đỡ đầu các huyện nghèo nhưng đã đánh trống bỏ dùi để mỗi khi thiên tai hoặc biến động nào đó xảy ra thì đồng bào lại tủi phận, lại cảm thấy bị tổn thương khi trông chờ vào hai chữ "cứu trợ".

Tại kỳ họp này, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung vào các kế hoạch đầu tư trung hạn, tái cơ cấu kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt dành nguồn lực đầu tư đặc thù để giải quyết căn bản những tồn tại về kinh tế - văn hóa - xã hội, năng lực sản xuất cho đồng bào dân tộc. Nguồn lực đầu tư phải được ưu tiên tập trung trước nhất tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đó là 7 tỉnh có số dồng bào dân tộc thiểu số trên 500.000 người như: Sơn La, Hà Giang, Thanh Hóa, Gia Lai, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Hòa Bình …

Cử tri là đồng bào sinh sống ở phía Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An cũng gửi đến Quốc hội những băn khoăn tại sao Đảng và nhà nước rất quan tâm, thành lập các ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ trong khi cả vùng rừng núi rộng lớn và khu vực biên giới quan trọng còn nhiều khó khăn như Thanh - Nghệ - Tĩnh lại chưa được quan tâm đúng mức.

 

 ĐB Trần Đăng Ninh (Hoà Bình):  Cần đầu tư hạ tầng để tăng liên kết ngang giữa các tỉnh Tây Bắc



Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, các chính sách và chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 cho thấy các chính sách về chương trình giảm nghèo và mục tiêu quốc gia, mục tiêu ngành đã có tác động toàn diện đều cắt theo vùng, hạ tầng được đầu tư, văn hóa phát triển, đời sống sinh kế người dân được cải thiện, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đồng bào. Sự vươn lên của đồng bào dân tộc miền núi làm thay đổi và tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn còn rất khó khăn và hạn chế, kết cấu hạ tầng yếu, đầu tư mới kém, duy tu, bảo dưỡng hầu như không đáng kể, điểm xuất phát thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Theo tiêu chí mới là 29,14%, 45 huyện nghèo 30a, tỷ lệ hộ nghèo, các huyện nghèo xấp xỉ 50% cho thấy giảm nghèo còn chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Đây là vùng mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước còn nhiều trăn trở và quan tâm nhiều.

Vì Tây Bắc nằm trong vùng miền núi phía Bắc, được Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu thêm và đầu tư hạ tầng để tăng liên kết ngang giữa các tỉnh Tây Bắc, các tỉnh miền núi phía Bắc, tạo thế vững chắc cho toàn vùng nhằm tập trung hàng hóa số lượng lớn, chế biến thô, sơ chế, tinh chế trước khi tiêu thụ. Một số mô hình hay, hiệu quả trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đầu tư cơ sở hạ tầng mô hình nhỏ, sản xuất sinh kế, hộ gia đình để giảm nghèo vùng Tây Bắc vừa qua cần được hỗ trợ và nhân rộng..

Trong đầu tư công trình nhỏ ở cộng đồng, đề nghị phân cấp cho cấp xã để cấp xã chủ động đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế của mình, chủ động lựa chọn công trình và bố trí vốn, chương trình quốc gia giảm nghèo, chương trình nông nông thôn mới. Giai đoạn tới cần tập trung nhằm tăng tính chủ động của nhân dân, của chính quyền để họ làm cho chính công trình của mình các mô hình sinh kế của họ cần thiết sát thực với đời sống sản xuất của nhân dân.

 

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang): Quan tâm hơn nữa đến đời sống các hộ đồng bào di dân



 

Tôi đồng tình với giải pháp của Chính phủ về triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Trong đó tập trung vốn đầu tư cho công tác, cho các mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nông nghiệp, nông thôn, các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai nặng nề, các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm tạo sức lan tỏa và kết nối phát triển giữa các vùng trong cả nước.

Tôi đề nghị Chính phủ cần bổ sung và đưa vào danh mục dự án và mức vốn đầu tư, bố trí cho từng dự án có nhu cầu và dự kiến kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt kết nối các tuyến đường ở những tỉnh Tây Bắc, đây là khu vực nghèo, khó khăn nhất trong cả nước. Với các tuyến đường cao tốc đã xây dựng để khai thác, phát huy tiềm năng, thúc đẩy sản xuất, góp phần giảm nghèo. Trong đó có dự án đường cao tốc nối thành phố Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ với đường cao tốc Hà Nội, Lào Cai.

Về vấn đề di dân, tái định cư thủy điện, đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến đời sống các hộ đồng bào di dân, tái định cư thủy điện trên toàn quốc. Vì chủ yếu các hộ di dân thủy điện là người dân tộc thiểu số sống ở miền núi, họ đã thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và hy sinh những lợi ích của riêng mình về nhà ở, ruộng vườn, đất ở, phong tục tập quán, làng bản, nét văn hóa, để xây dựng những công trình thủy điện của đất nước. Song, hiện nay nhiều hộ di dân tái định cư vẫn chưa ổn định đời sống, thiếu đất ở, đất sản xuất, cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh dẫn đến cuộc sống đã khó khăn nay lại khó khăn hơn.

 

ĐB Mùa A Vảng  (Điện Biên):  Để giảm nghèo bền vững thì cần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân


 

Cử tri và nhân dân cả nước rất phấn khởi trước sự điều hành quyết liệt, năng động của Chính phủ. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Nhiều chế độ, chính sách về an sinh xã hội, giáo dục đào tạo đã đem lại hiệu quả to lớn, làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, miền núi, đời sống và nhận thức của người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, kết quả công tác giảm nghèo chưa được bền vững, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư, dân tộc chưa được thu hẹp, đặc biệt là khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Do một số chính sách còn dàn trải, manh mún hoặc duy trì lâu, không còn phù hợp. Từ thực tế đó, tôi xin có kiến nghị về 2 nội dung:

Thứ nhất, xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, giữa các dân tộc, nhóm dân cư. Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chế độ, chính sách như Nghị quyết 30a, Nghị định 134 quy định về chế độ cử tuyển v.v...đã góp phần tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số miền núi vẫn cao. Tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng chưa bền vững.

Theo Báo cáo của Chính phủ và số liệu điều tra của Bộ LĐ-TB&XH  năm 2015, cả nước có khoảng 9,88% hộ nghèo tính theo tiêu chuẩn nghèo mới, thì có tới 50% hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi đồng bào chiếm 14% dân số của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người trong đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 thu nhập bình quân đầu người của cả nước. Tỷ lệ mù chữ của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên là 20%, khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và đồng bằng chưa được rút ngắn.

Tại sao chúng ta thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong thời gian dài mà tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao và giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét lại các chính sách về giảm nghèo trong thời gian qua. Cần tập trung hỗ trợ, phát triển kinh tế hộ gia đình dựa trên điều kiện thực tế và khả năng làm giàu của hộ. Tôi cho rằng, để giảm nghèo bền vững thì cần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Thực tế cho thấy, ở đâu trình độ dân trí thấp thì thường ở đó tỷ lệ nghèo cao hơn. Chúng ta cần nghiên cứu phát hành sách giáo khoa về kiến thức và tư duy làm kinh tế cho học sinh phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, các trường nội trú để các e có kiến thức vững vàng khi trưởng thành, không bị ảnh hưởng bởi các hủ tục lạc hậu, phải đào tạo thế hệ trẻ khát khao làm giàu chính đáng, như vậy mới có thể giảm nghèo bền vững.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh