Quyết liệt gỡ bỏ các nội dung độc hại trên mạng
- Tây Y
- 20:45 - 28/03/2017
Có hiệu lực từ ngày 15/2/2017, Thông tư 38 (Thông tư) của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) Quy định chi tiết về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới khẳng định các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi những biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm thực hiện chính sách phát triển, quản lý thông tin trên mạng. Để thực hiện quyền này, Thông tư đưa ra quy định cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài sử dụng các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trên mạng, dịch vụ tìm kiếm và các hình thức tương tự khác trên mạng để cung cấp thông tin công cộng mà người sử dụng ở Việt Nam có truy cập hoặc sử dụng dịch vụ. Thông tư cũng đưa ra những quy định về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cho thuê lưu trữ thông tin số tại Việt Nam với hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới... Sau khi Thông tư có hiệu lực, Bộ TT-TT cho biết, nhiều vi-đê-ô trên YouTube có chứa nội dung sai phạm, đáng lưu ý là nội dung sai phạm có chèn vi-đê-ô, hình ảnh hoặc gắn với banner quảng cáo của một số thương hiệu đang kinh doanh tại Việt Nam như Vaseline, Comfort (Unilever), Pampers, Ariel (P&G), Samsung, Yamaha,… và một số thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như Vinamilk, FPT, Mead Johnson, Vietnam Airlines, Nutrition Việt Nam…, Bộ TT-TT đã làm việc với Google, YouTube và yêu cầu thực hiện nghiêm Thông tư 38, gỡ bỏ các clip mang nội dung độc hại. Đồng thời, Bộ TT-TT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,... đã nhanh chóng phối hợp, đưa ra biện pháp để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, phù hợp với luật pháp Việt Nam.
Tuy nhiên, các quy định nhằm bảo đảm sự lành mạnh trong hoạt động của xã hội, hoạt động của công dân tại Thông tư 38 lập tức bị các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam chộp lấy để lu loa, vu cáo, xuyên tạc. Phụ họa với một số địa chỉ truyền thông chống cộng của người Việt ở nước ngoài coi Thông tư 38 là “làm hại các công ty quảng cáo trên Facebook, YouTube”, “cố ép tất cả các nhà sản xuất hay dịch vụ ngừng quảng cáo để làm áp lực”, VOA, RFA không úp mở khi đăng tải các bài Thông tư 38 cũng “phi lý không kém Điều 258 hay Điều 88”, Thông tư 38 không có giá trị thiết thực,... còn BBC thì tỏ vẻ khách quan bằng phỏng vấn, giúp kẻ xưng xưng coi Thông tư 38 “vi phạm nhân quyền”! Nhưng các giọng điệu, bài vở nêu trên đã nhanh chóng trở nên lạc lõng vì được đưa ra đúng vào thời điểm nhiều nước trên thế giới đang phản ứng quyết liệt vì nhiều thương hiệu nổi tiếng trên YouTube lại bị xuất hiện bên các vi-đê-ô có chứa nội dung độc hại. Ngày 18/3/2017, trang tiếng Việt của BBC đăng bài Chính phủ Anh gỡ bỏ quảng cáo trên YouTube cho biết ngày 16/3 Chính phủ Anh gỡ bỏ quảng cáo trên YouTube vì lo ngại quảng cáo xuất hiện bên nội dung “không phù hợp”, và sau đó Chính phủ Anh đã triệu tập Google đến họp vì muốn Google, sở hữu YouTube, bảo đảm các thông điệp của Chính phủ được hiển thị “theo cách phù hợp, an toàn”! Còn theo Reuters, Ủy ban châu Âu (EU) đã có biện pháp khá mạnh khi yêu cầu Facebook, Google, Twitter nhanh chóng điều chỉnh các điều khoản sử dụng dịch vụ, truy quét thông tin xấu, gồm cả tin “vịt”, nếu không sẽ phải chịu chế tài. Cũng theo Reuters, đầu năm 2017, Chính phủ Đức “công bố dự thảo luật áp dụng mức phạt tới 50 triệu ơ-rô với các mạng xã hội không gỡ bỏ hoặc chặn truy cập các phát ngôn thù địch hoặc tin tức giả mạo trong vòng 24 giờ... Tại Pháp, nhằm ngăn chặn “tin vịt” phát tán trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4/2017, gần 40 cơ quan thông tấn của Pháp và quốc tế đã tham gia chương trình CrossCheck - diễn đàn hợp tác trực tuyến giúp các đối tác truyền thông kiểm tra, đối chiếu, phản bác thông tin méo mó trên mạng”... Về vấn đề này, tại buổi làm việc với Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn ngày 21/3, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam ông T.Osius (T.Ô-xi-ớt) đã thừa nhận việc bảo đảm tự do tiếp cận các thông tin internet (in-tơ-nét) với loại bỏ các thông tin xấu, độc trên mạng, thực thi đúng pháp luật nước sở tại là khó khăn với mọi quốc gia, kể cả với Mỹ; đồng thời ông cũng đề cập tới việc Chính phủ Mỹ đã yêu cầu Google loại bỏ các nội dung xấu liên quan khiêu dâm trẻ em, bạo lực, tội phạm, vi phạm sở hữu trí tuệ...
Hậu quả nhãn tiền của tình trạng quảng cáo trên YouTube bị gắn với các vi-đê-ô clip có nội dung xấu độc là gần đây, chiến dịch điều tra ở Anh đã khiến các ngân hàng HSBC, RBS và các thương hiệu nổi tiếng như McDonald’s, Marks & Spencer, Sainsbury’s và Argos, tập đoàn quảng cáo Havas và ngay cả BBC (!) đã tạm dừng hoặc gỡ bỏ quảng cáo trên YouTube. Tại Mỹ, các thương hiệu như AT&T, Enterprise GSK, Verizon, Starbucks, Walmart,... cũng đồng loạt rút quảng cáo khỏi YouTube cùng dịch vụ quảng cáo trên trang mạng của Google!... Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Vinamilk, Mead Johnson, Nutrition Việt Nam,... cũng dừng quảng cáo trên YouTube. Sự việc trở nên trầm trọng đến mức ngày 20/3 tại London (Luân-đôn), ông M.Brittin (M.Bơ-rit-tin) - Chủ tịch điều hành kinh doanh của Google tại khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi, đã phải: “gửi lời xin lỗi các đối tác và nhà quảng cáo, những người có thể bị ảnh hưởng bởi quảng cáo của họ xuất hiện trên các nội dung gây tranh cãi”, ông M.Brittin cho biết, Google “đang xem xét để nhanh chóng thay đổi trong việc kiểm soát và chúng tôi sẽ làm tốt hơn... Chúng tôi cần cải thiện, chúng tôi sẽ làm vậy”. Với Việt Nam, trong thư đề ngày 18/3 của bà A.Lavin (A.La-vin) - Giám đốc chính sách công khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Google, gửi tới Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn viết: “Liên quan đến các đoạn băng video có nội dung đáng quan ngại trên nền tảng YouTube, trong hai tuần qua chúng tôi đã rất tích cực làm việc với các cán bộ của Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (ABEI) để gỡ bỏ các đoạn băng video này… Như đã trao đổi trong cuộc họp, ngay sau khi nhận được yêu cầu từ quý cơ quan, chúng tôi sẽ ngay lập tức ngừng những quảng cáo trên các video trong danh sách yêu cầu” (tạm dịch). Đến nay về cơ bản, theo yêu cầu từ cơ quan chức năng của Việt Nam, quảng cáo của các nhãn hàng, thương hiệu trong nước xuất hiện bên một số vi-đê-ô clip độc hại không còn nữa. Nhưng vẫn còn hơn 2.200 vi-đê-ô clip xấu, độc mà phía Việt Nam mới đề nghị Google thẩm định, và gỡ bỏ. Hy vọng Google và các doanh nghiệp cung cấp thông tin công cộng qua biên giới vào Việt Nam sẽ tích cực, chủ động chấm dứt tình trạng này.
Diễn biến nhanh chóng, dồn dập và cùng một hướng trong phản ứng của các quốc gia trước tình trạng rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trên YouTube xuất hiện bên các vi-đê-ô clip chứa nội dung độc hại cho thấy vấn đề không phải là việc riêng của quốc gia nào. Để bảo vệ hình ảnh, uy tín của mình, các quốc gia và các doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp kiên quyết theo pháp luật của mỗi quốc gia, theo các tiêu chí đạo đức lành mạnh. Ở Việt Nam cũng vậy, sự ra đời của Thông tư 38 là dựa trên Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, trong đó có khoản 1 Điều 5 quy định các hành vi bị cấm, gồm: “a. Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; b. Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; c. Tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; d. Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; đ. Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; e. Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Như vậy, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nào cung cấp thông tin công cộng qua biên giới vào Việt Nam cũng đều phải tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam, vi phạm các điều cấm nêu trên dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều bị xử lý theo pháp luật Việt Nam. Cũng vì thế, khi quảng bá thương hiệu của mình trên các địa chỉ công cộng qua biên giới, mọi doanh nghiệp cần thận trọng, cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng làm tổn hại tới đất nước, tổn hại uy tín của doanh nghiệp.
Với những người ở VOA, BBC, RFA,… không hiểu họ nghĩ gì khi một mặt phê phán, phủ nhận một việc làm chính đáng của Chính phủ Việt Nam qua Thông tư 38 để giữ gìn kỷ cương phép nước, giữ gìn sự lành mạnh môi trường internet tại Việt Nam, mặt khác, họ lại tảng lờ việc chính Chính phủ của họ cũng đang có hành động tương tự? Sự thù địch, thái độ thiếu thiện chí với Việt Nam làm cho họ không còn tỉnh táo, không xem trước nhìn sau, bừa bãi sử dụng “tiêu chuẩn kép” bất chấp sự thật, và hiển nhiên đó không phải là ứng xử văn minh mà làm lộ rõ hơn bản chất của họ. Với tình huống này, chỉ có một câu hỏi đặt ra: Chẳng lẽ VOA, BBC, RFA,… lại thiếu lương thiện đến vậy hay sao?