Quyết liệt cách ly nhưng không “ngăn sông cấm chợ”
- Tây Y
- 02:04 - 04/04/2020
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng cho biết, hiện nay, nhiều nước triển khai các biện pháp rất mạnh mẽ, quyết liệt, "như sáng nay 3/4, Thủ tướng Thái Lan ra lệnh giới nghiêm; một số nước ra lệnh phong tỏa; Nga đưa ra chế tài, phạt rất nặng...", Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh không làm suy giảm tinh thần của Chỉ thị 16, Thủ tướng nêu rõ, không để tác động của tình hình kinh tế làm thay đổi tinh thần của Chỉ thị 16 mà cần thực hiện nghiêm hơn. Mục tiêu đưa ra là không để vỡ trận, lây lan dịch trong cộng đồng ở mức độ cao, nhiều ca, có thể dẫn tới phá vỡ hệ thống cơ sở điều trị. Việc cách ly cần tiếp tục thực hiện nghiêm.
Theo Thủ tướng, những ngày qua có một số địa phương vận dụng Chỉ thị 16 còn máy móc, có điểm sai, "chúng ta thực hiện nghiêm nhưng không vận dụng sai, hiểu không đúng nghĩa cụm từ cách ly xã hội". Tinh thần là thực hiện quyết liệt, không được chần chừ. "Văn phòng Chính phủ cần có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và các đại phương hiểu đúng, thực hiện đúng theo tinh thần của Chỉ thị".
Thủ tướng cho rằng, có kinh nghiệm được rút ra từ nhiều nước trong nhiều thời kỳ thì nơi nào chống dịch kiên quyết thì sau đó kinh tế phát triển, còn nếu để dịch tràn lan, gây hại rất lớn thì sau đó kinh tế khó phục hồi.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là giai đoạn cần huy động tổng lực các hệ thống chính trị để chống dịch, do đó các cấp các ngành, địa phương cần có sự phối hợp mạnh hơn, nhuần nhuyễn hơn trong công tác chống dịch.
"Thời gian qua các cơ quan báo chí đã tuyên truyền rất tốt về công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, đã có những bài viết, phóng sự rất cảm động về những tấm lòng sẻ chia, nhân ái giúp đỡ nhau trong công tác chống dịch. Đây là những hình ảnh xúc động về một Việt Nam nhân ái, đoàn kết trong khó khăn, gian khổ", Thủ tướng nói.
Khẳng định Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc cách ly xã hội là phù hợp và đúng thời điểm, theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (SARS-CoV-2), các biện pháp ngăn chặn các ca xâm nhập: Dừng cấp visa, hạn chế nhập cảnh, cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh… đã ngăn chặn được 918 trường hợp lây lan trong cộng đồng. Chính sách cách ly toàn xã hội về thực chất là giãn cách xã hội được nhiều nước áp dụng để ngăn chặn các trường hợp xâm nhập đã bị bỏ sót (ước tính số bỏ sót cao qua các chu kỳ lây nhiễm có thể lên tới trên 1.500 người). Hầu hết các nước áp dụng khi phát hiện trên 50 trường hợp nhưng khi áp dụng không còn khả năng ngăn chặn. Việt Nam áp dụng khi ca nhiễm dưới 20 trường hợp nhiễm trong một ngày. Chính sách này là phù hợp, kịp thời để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trước hiện tượng một số tỉnh triển khai sai tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng sáng ngày 3/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã trực tiếp điện thoại trao đổi Chủ tịch một số tỉnh như Quảng Ninh, Đồng Nai, Thái Bình. "Sau khi trao đổi, các tỉnh đã nghiêm túc thực hiện theo đúng tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng, tháo bỏ ngay những biện pháp "ngăn chặn" cực đoan. Và ngay cuối chiều ngày 3.4, Văn phòng Chính phủ phát công văn gửi đến các bộ, ngành, địa phương để giải thích và yêu cầu thực hiện theo đúng tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, theo báo của của các địa phương, sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng về việc cách ly xã hội, người dân rất ủng hộ và đã chấp hành nghiêm túc, vì vậy chúng ta không cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch Covid-19.
Sau khi nghe các ý kiến của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (SARS-CoV-2) và các bộ, ngành, địa phương báo cáo, Thủ tướng kết luận: "thời gian qua các các cấp các ngành, địa phương đã triển khai nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế, Công an. Nhất là việc khoanh vùng các ổ dịch ở Cty Trường sinh, quán Bar Buddha (TP Hồ Chí Minh).
Theo Thủ tướng, các nước Châu Âu và một số nước trên thế giới hiện dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều nước đã rơi vào tình thế rất khó khăn. "Nên chúng cần cần thực hiện nghiêm túc hơn, quyết liệt hơn, đồng bộ hơn các Quyết định, Chỉ thị của Đảng, của Chính phủ về công tác chống dịch. Đây là giai đoạn quyết định để dập dịch. Với tinh thần khoá dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, người dân cần nghiêm túc thực hiện quy định phòng dịch, chỉ ra ngoài đường khi thật cần thiết. Chúng ta cũng cần thiết phải xử lý hình sự, kể cả trục xuất 1 số trường là người nước ngoài không tuân thủ theo quy định phòng dịch", Thủ tướng nhấn mạnh.
Với tinh thần "sức khỏe của người dân là tối thượng", tại cuộc họp, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ động, khẩn trương lập kế hoạch mua các thiết bị y tế thiết yếu trong điều trị bệnh dịch như máy thở. Chuẩn bị kĩ phương án điều trị trong tình huống xấu nhất xảy ra. Tập huấn phương án, quy trình, phác đồ điều trị cho các bệnh viện tuyến dưới... Thủ tướng cũng hoan nghênh một số công ty đã chủ động nghiên cứu, liên kết với các công ty nước ngoài để sản xuất máy thở, đáp ứng nhu cầu điều trị
Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính để cung cấp các dịch cho nhân dân; xử lý nghiêm các trường hợp khai báo y tế không trung thực, kể cả người nước ngoài; xử nghiêm các trường hợp gom hàng, nâng giá, trục lợi đối với các mặt hàng thiết yếu.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an cần rà soát, đảm bảo công tác phòng chóng dịch một cách tốt nhất tại các nhà dưỡng lão, các cơ sở bảo trợ xã hội; các trại cai nghiện, trại giam và tạm giam…
Biểu dương Hà Nội bố trí khách sạn để cách ly các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Thủ tướng nêu rõ, cần quan tâm đặc biệt đến đội ngũ trực tiếp chống dịch, nhất là các y bác sĩ, cả về vật chất và tinh thần.
"Đây là hai tuần tập trung quyết liệt để khống chế dịch. Đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung cao độ, không chủ quan trong công tác phòng chống dịch", Thủ tướng yêu cầu.
Giảm 80% các cuộc tụ tập đông người
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, trước khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Bộ TT&TT đã triển khai thí điểm phần mềm giám sát sự di chuyển của người dân tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.
Theo giám sát của thiết bị này cho thấy, sau khi có Chỉ thị 16, số vụ tụ tập đông người giảm đến 80%; sự đi lại của người dân giảm 70%. Các vụ tụ tập đông người chủ yếu xảy ra ở các quán karaoke.