Quyết định những vấn đề quan trọng của Ðảng và đất nước
- Tây Y
- 16:18 - 07/05/2015
Xây dựng mô hình chính quyền địa phương phù hợp, hiệu quả
Một trong 4 nội dung lớn được thảo luận trong ngày làm việc thứ 3 tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI là mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Trong ngày làm việc này, Bộ Chính trị trình Trung ương tiếp tục xem xét, cho ý kiến, nhất là việc lựa chọn mô hình tổ chức chính quyền địa phương để định hướng cho việc Quốc hội xem xét, thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương khi được trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu vào tháng 11/2014 đã có 2 luồng ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức chính quyền địa phương: Giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, quy định tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm hội đồng nhân dân (HĐND) và ủy ban nhân dân (UBND) hoặc bỏ HĐND cấp phường, chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị (ngày 4/5), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đổi mới, kiện toàn mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến.
Tờ trình của Bộ Chính trị đã nói rõ các công việc được triển khai thực hiện từ sau Hội nghị Trung ương 9 khoá XI đến nay; tổng hợp các ý kiến khác nhau và đề xuất phương án để Trung ương xem xét, lựa chọn.
Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Trung ương cân nhắc kỹ những ưu điểm, nhược điểm, tính khả thi và sự phù hợp của mỗi phương án; chú ý phân tích, đánh giá tính đúng đắn, phù hợp của các đề xuất gắn với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt bằng cách quy định rõ ràng, cụ thể trong luật sự khác biệt về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, việc phân cấp, uỷ quyền đối với chính quyền địa phương các cấp sát hợp với thực tế có những đặc thù về địa lý, dân số, kinh tế - xã hội giữa các địa phương, vùng lãnh thổ.
Tổng Bí thư gợi mở: "Phải chăng, chính quyền nông thôn cần được chú trọng nâng cao nhiệm vụ, quyền hạn quản lý toàn diện theo lãnh thổ ở cả 3 cấp; chính quyền đô thị cần được tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn quản lý ngành, lĩnh vực với sự phân cấp, uỷ quyền phù hợp giữa cấp thành phố với thị xã, quận, phường; tổ chức và hoạt động của chính quyền các khu hành chính - kinh tế đặc biệt cần được quy định trong một đạo luật riêng ?…" .
Tập trung cho công tác nhân sự
Về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ Đại hội Đảng là việc thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng (gọi tắt là thông qua các văn kiện) và bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng (gọi tắt là công tác nhân sự).
Hai nội dung này có quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Sau khi thành lập các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XII của Đảng tại Hội nghị Trung ương 8, việc chuẩn bị các văn kiện đã được tiến hành một cách khẩn trương, nghiêm túc, kỹ lưỡng.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, từ nay cho đến Đại hội Đảng toàn quốc, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương phải tập trung công sức cho việc chuẩn bị nhân sự Đại hội theo quy định của Điều lệ Đảng.
“Đây là một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị phải dày công chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ và tiến độ phù hợp’- Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Cùng với nội dung này, trong ngày làm việc thứ 2, Trung ương đã cho ý kiến, thảo luận và quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 tại các hội nghị tiếp theo.