CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:15

Thực thi Luật BHXH (sửa đổi): Quyền lợi của người lao động được đặt lên hàng đầu

Đảm bảo công bằng quyền lợi của NLĐ

Ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, so với Luật BHXH trước đây, Luật BHXH (sửa đổi) có rất nhiều điểm ưu việt, tạo hành lang pháp lý bảo đảm công bằng quyền lợi của NLĐ. Theo đó, Luật bổ sung NLĐ được quyền hưởng BHYT trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận con nuôi và nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau trong trường hợp mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày, được bảo lưu thời gian đóng BHXH cho người bị tái phát thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thân nhân NLĐ được chủ động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động và được quỹ BHXH thanh toán phí giám định y khoa trong trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH.

Theo quy định mới của Luật BHXH, trợ cấp ốm đau một ngày bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày, thay cho mức hiện nay là 26 ngày. Với người lao động bị ốm đau thuộc danh mục bệnh cần điều trị dài ngày, sẽ được nâng mức trợ cấp từ 45% lên 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Ngoài ra, còn tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau một ngày từ 25% lên 30% mức lương cơ sở. Đặc biệt, Luật BHXH (sửa đổi) đã tính đến sự công bằng trong đóng - hưởng để cải thiện tình hình tài chính quỹ hưu trí, tử tuất. Việc điều chỉnh tuổi hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên theo hướng: Từ tháng 1/2016, tăng dần mỗi năm đến khi nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi trở lên, hiện nay là 50 và 45 và đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì tuổi nghỉ hưu là nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi đã tạo công bằng giữa trách nhiệm đóng và quyền lợi thụ hưởng của NLĐ. Ngoài ra, việc tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi đã phần nào hạn chế được tình trạng nghỉ hưu trước tuổi, bảo đảm an sinh tuổi già cho NLĐ. Mặt khác, Luật BHXH (sửa đổi) đã điều chỉnh tăng trợ cấp chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất.

Về quyền của NLĐ, có thể nói thay đổi cơ bản và lớn nhất là quy định NLĐ được quản lý sổ BHXH của mình trong thời gian đóng BHXH để theo dõi quá trình đóng - hưởng BHXH, được người sử dụng lao động định kỳ (6 tháng) cung cấp thông tin về việc đóng BHXH, hằng năm được cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH. Ðây là cơ sở quan trọng để NLĐ đối chiếu, giám sát trách nhiệm đóng BHXH của người sử dụng lao động (Luật BHXH 2006 người sử dụng lao động quản lý sổ BHXH).

Người tham gia BHXHtự nguyện được đóng một lần để hưởng lương hưu

Theo bà Trần Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), đối với những người tham gia BHXH tự nguyện, Luật sửa đổi không quy định tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện. Thay đổi phương thức đóng BHXH tự nguyện theo hướng linh hoạt hơn, như cho phép đóng mỗi năm một lần, một lần cho nhiều năm trong quá khứ hoặc trong lương lai; Nhà nước có chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH, mức hỗ trợ do Chính phủ quy định phù hợp với khả năng ngân sách từng thời kỳ.

Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 4/4/2016 và các chế độ quy định sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2016. Theo đó, người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm được đóng một lần cho đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu. Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi cộng gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng. Trong đó, mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Trong khi những người dân đóng BHXH một lần cho những năm còn thiếu phải đóng gộp tiền lãi suất thì những người đóng BHXH một lần cho nhiều năm về sau (đóng cho tương lai; không quá 5 năm) sẽ được chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

Làm thủ tục chi trả BHXH.      (Ảnh minh họa).

Về thời điểm hưởng lương hưu, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng lương hưu ngay từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu. Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Dừng tham gia BHXH tự nguyện và chuyển sang tham gia BHXH bắt buộc; hưởng BHXH một lần; bị chết hoặc Tòa án tuyên bố đã chết. Số tiền hoàn trả bằng số tiền Nhà nước đã hỗ trợ đóng BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

Quyết liệt tổ chức triển khai, đưa Luật vào cuộc sống

Theo BHXH Việt Nam, trong thời gian qua, ngành BHXH đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thực thi để những điểm mới, ưu việt của Luật BHXH sửa đổi sớm đi vào cuộc sống. Ông Nguyễn Đình Khương khẳng định, mục tiêu đặt ra là tăng nhanh diện bao phủ BHXH và quản lý chặt chẽ người tham gia, giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ cho NLĐ.

Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Luật; tổ chức nhiều nhóm đối tượng tập huấn, quán triệt nội dung Luật và các quy định về hồ sơ, quy trình nghiệp vụ BHXH phục vụ cho việc thực hiện Luật. Hoạt động tuyên truyền Luật BHXH (sửa đổi) cũng được đẩy mạnh với nhiều hình thức nội dung phong phú, đa dạng phù hợp với tính đặc thù về dân trí, dân tộc, tôn giáo và các yếu tố vùng miền của các nhóm dân cư; đồng thời thực hiện tuyên truyền thường xuyên chính sách BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng. Về việc phát triển đối tượng BHXH theo định hướng của Luật, ngành BHXH đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và lâu dài. Chính vì vậy, trong kế hoạch của ngành, chỉ tiêu thu được gắn với chỉ tiêu phát triển đối tượng. BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các cấp chủ động xây dựng chương trình, quy chế phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp địa phương, chủ động nắm bắt thông tin về số đơn vị đang hoạt động, giải thể, phá sản và biến động về lao động trên từng địa bàn để đôn đốc, vận động tham gia BHXH, giao chỉ tiêu phát triển đối tượng đến BHXH từng cấp, từng cá nhân chuyên quản; đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH. Đẩy mạnh hoạt động thu nợ và khởi kiện đối với các đơn vị chây ỳ, trốn thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH.  Đồng thời rà soát, bổ sung các tiêu chí quản lý của từng người, từng đơn vị tham gia BHXH, BHYT phối hợp với cơ quan thuế, tiếp nhận và sử dụng thông tin về doanh nghiệp và người nộp thuế, tiến tới cấp mã định danh cho các cá nhân và tổ chức tham gia để quản lý phù hợp với đặc thù của ngành. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp mấu chốt để đưa Luật vào cuộc sống là phải nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác BHXH, BHYT, và đội ngũ làm các dịch vụ chăm sóc, đảm bảo quyền lợi cho người dân; Đồng thời, phải làm cho NLĐ, chủ sử dụng lao động hiểu rõ trách nhiệm việc tham gia BHXH bắt buộc, từ đó tạo động lực cho người dân tự giác tham gia BHXH tự nguyện, góp phần đảm bảo chất lượng cuộc sống bền vững của bản thân mỗi cá nhân và gia đình trong xã hội.

Đại diện cho quyền lợi của NLĐ, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính, BHXH là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của hàng triệu NLĐ. Ngay sau khi Luật BHXH được ban hành (tháng 11/2014), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung triển khai thực hiện Luật BHXH sửa đổi nhằm đảm bảo cho NLĐ được tham gia BHXH, được hưởng đúng, đủ, kịp thời, thuận tiện các chế độ chính sách BHXH. Cùng với đó, công đoàn đã chủ động nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật BHXH như: Cử người tham gia ban soạn thảo và có ý kiến xây dựng Nghị định về BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp, BH hưu trí bổ sung, thanh tra chuyên ngành về BHXH và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH...

Minh Vũ- Anh Thư/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh