Hà Nội chuyển cơ quan điều tra 3 chung cư vi phạm phòng cháy
- Tây Y
- 23:58 - 03/04/2018
Điều tra, khám phá 750 vụ phạm pháp hình sự
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong quý I/2018, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội và các cơ quan thuộc khối nội chính thành phố tiếp tục tham mưu cho Thành ủy đảm bảo tuyệt đối an toàn đối với 624 các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, xã hội trên toàn TP. Đã ngăn chặn phòng ngừa không để xảy ra các hoạt động tập trung đông người, tuần hành trái pháp luật. Tiếp tục duy trì các mô hình, đợt cao điểm, chuyên đề tấn công, trấn áp tội phạm có chiều sâu, đánh trúng vào những loại tội phạm mới nổi lên, ngăn chặn kịp thời trình trạng khai thác khoáng sản trái phép; nhiều loại tội phạm nghiêm trọng, tội phạm có yếu tố mới được kiềm chế, góp phần quan trọng đảm bảo trật tự an toàn xã hội của Thủ đô.
Thống kê cho thấy, lực lượng công an đã điều tra khám phá hơn 750 vụ phạm pháp hình sự đạt 84%; điều tra, khám phá 24 vụ trọng án, 40 đối tượng, đạt 100%. Không để hình thành, phát sinh các tụ điểm về tội phạm và tệ nạn xã hội. Công tác đấu tranh với tội phạm kinh tế, ma túy, môi trường, công nghệ cao tiếp tục đạt mục tiêu, tiến độ đề ra. Công tác truy bắt, thanh loại và vận động đối tượng truy nã ra đầu thú; công tác tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đều đạt kết quả tốt; tình hình trật tự an toàn giao thông giảm cả ba tiêu chí. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có chuyển biến tích cực.
Hội nghị giao ban công tác nội chính và phòng chống tham nhũng của Thành ủy Hà Nội
Về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Ban Chỉ đạo Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy tiếp tục triển khai các giải pháp phòng chống tham nhũng trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như: Quản lý đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý đô thị, công tác cán bộ… Kết quả xử lý tham nhũng, Công an TP đã thụ lý điều tra 25 vụ, 64 bị can đã có kết luận điều tra chuyển VKS đề nghị truy tố 8 vụ, 20 bị can. Đang điều tra 17 vụ, 44 bị can; tạm đình chỉ 1 vụ án; tài sản thiệt hại khoảng hơn 3.692m2 đất, hơn 3,286 tỷ đồng; thu hồi nhiều tài sản phạm pháp. Tòa án 2 cấp thuộc TP đã xét xử 11 vụ/43 bị cáo.
Chuyển cơ quan điều tra 3 chung cư vi phạm phòng cháy
Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) Hà Nội cho biết, trong quý 1/2018, Hà Nội có hơn 200 vụ cháy làm 2 người chết, bị thương 18 người, thiệt hại tài sản 31 tỷ đồng. Theo đánh giá, tình hình cháy trên địa bàn Hà Nội 3 tháng đầu năm nay được kiềm chế, diễn biến ít phức tạp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, cháy tại các địa điểm như kho xưởng, chung cư, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị có giảm, song cháy ở các khu dân cư, nhất là các hộ dân kết hợp ở và kinh doanh thì có phức tạp hơn.
“Về tình hình cháy nổ tại các công trình nhà cao tầng, trung bình mỗi năm Hà Nội có khoảng 30 sự cố cháy nổ xảy ra. Có những vụ cháy tuy không gây ra hậu quả về người nhưng ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân. Đặc biệt sau khi xảy ra vụ cháy chung cư Carina ở TP HCM, tâm lý của người dân sống ở các nhà chung cư cũng có những bất an”- ông Sơn cho biết.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn nhận định, thời gian tới, tình hình cháy xảy ra ở các nhà chung cư, công trình cao tầng có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn bởi những công trình xây dựng trước năm 2000 hiện đã xuống cấp, việc bảo dưỡng, kiểm tra hệ thống, thiết bị PCCC còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quy định.
Trước thực trạng đó, lực lượng chức năng của thành phố sẽ rà soát kiểm tra về PCCC 100% công trình nhà cao tầng. Hà Nội hiện có trên 1.100 công trình, tòa nhà nhà chung cư cao tầng, trong đó có hơn 120 công trình nhà tái định cư.
Sau vụ cháy chung cư Carina, người dân Hà Nội sống ở chung cư cũng nơm nớp lo sợ
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm, hiện đơn vị đang tập trung vào tổ chức kiểm tra, giải quyết những tồn đọng, yếu kém của 79 điểm nhà cao tầng đã được công khai trước công luận. Đến nay, đã có 48/79 công trình tồn tại trước đây đã khắc phục xong và được tổ chức nghiệm thu về PCCC. Còn 31 công trình còn tồn tại vi phạm, quy định. Trong số 31 công trình này, có 16 công trình có khả năng khắc phục sai phạm, 13/16 công trình đã khắc phục được khoảng 60% sai phạm.
Tuy nhiên 3/16 công trình còn lại đang chây ì, không thực hiện khắc phục gồm: chung cư CT4 Văn Khê (tại khu đô thị Văn Khê, Hà Đông) do Công ty CP Sông Đà là chủ đầu tư; chung cư CT5 A, B Văn Khê và chung cư CT6 Văn Khê (khu đô thị Văn Khê, của công ty CP Hà Châu OSC làm chủ đầu tư). Với 3 công trình này, Sở Cảnh sát PCCC đã tập trung thu thập tài liệu hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra CATP Hà Nội thụ lý.
15/31 công trình còn lại khó có khả năng khắc phục vì các công trình này là những công trình đã xây dựng giai đoạn trước năm 2001 (trước khi có Luật PCCC). Sự phối hợp giữa cơ quan quy hoạch, cấp phép xây dựng và PCCC chưa được chặt chẽ, nhiều công trình tổ chức xây dựng trước sau đó mới xin cấp phép PCCC nên có một số bộ phận yêu cầu về PCCC không đáp ứng. Với các công trình này, Cảnh sát PCCC thành phố đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Công an xin các biện pháp, giải pháp cơ bản để khắc phục.