CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:19

Quỹ hưu trí tự nguyện hướng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội

 

Trả lời về việc Chính phủ và Bộ Tài chính đã hoàn tất các quy định về pháp lý, nhưng sau nhiều năm vẫn chưa có loại hình quỹ này ra đời để hỗ trợ cho hệ thống quỹ hưu trí cũng như có thêm nguồn vốn cho thị trường chứng khoán. Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Quỹ hưu trí tự nguyện là vấn đề mới đối với Việt Nam, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 88 năm 2016 về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên để hình thành quỹ hưu trí tự nguyện, với 2 mục tiêu là đảm bảo an sinh xã hội và tạo nguồn vốn đầu tư dài hạn vào thị trường chứng khoán.

“Đây là vấn đề rất mới, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, phải có thời gian và phải rất thận trọng. Vì quỹ này là quỹ tự nguyện nên cũng yêu cầu, đòi hỏi sự tham gia tự nguyện từ những người được hưởng chế độ hưu trí. Vì vậy, Bộ đang phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu để ban hành Thông tư hướng dẫn về thỏa ước của người lao động trong việc mua chứng chỉ quỹ, tức là đang chuẩn bị những cơ sở pháp lý cần thiết cũng như là phải có chương trình phần mềm để có thể quản lý được các tài khoản cá nhân khi giao dịch các chứng chỉ quỹ này”- Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh.

 

Ảnh minh họa

 

Trước đó, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 144/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện tại Việt Nam. Theo Đề án, đến năm 2020, có khoảng 400-500 doanh nghiệp với khoảng 150 nghìn người tham gia mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí hoặc đóng góp vào các quỹ hưu trí tự nguyện theo hình thức ủy thác đầu tư; doanh số tích lũy của các quỹ hưu trí tự nguyện để đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có thị trường vốn, chứng khoán khoảng 10-12 nghìn tỷ đồng.

Về việc các doanh nghiệp sau cổ phần hóa sẽ lên sàn chứng khoán, Thứ trưởng Nguyễn Thị Mai cho biết, tháng 15/8/2017, Bộ Tài chính đã công khai danh sách 747 doanh nghiệp đã cố phần hóa nhưng chưa đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán. Sau đó, Bộ Tài chính đã rà soát và trong năm 2018, Bộ đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán rà soát. Tính đến ngày 12/9/2018, có 152 doanh nghiệp đã đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán, chỉ đạt 20,3%. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 01 ngày 5/1/2019, trong đó có giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình niêm yết của các doanh nghiệp cổ phần hóa trên thị trường chứng khoán. Trong đó, yêu cầu các cơ quan đại diện chủ sở hữu tiếp tục thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch và niêm yết sau khi cổ phần hóa và chịu trách nhiệm về vấn đề này.

“Việc công khai danh sách các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán, đối với doanh nghiệp đến nay chưa niêm yết thì Bộ Tài chính sẽ kiến nghị trước hết là phải xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành. Bộ sẽ chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán thực hiện xử phạt theo quy định pháp luật đối với doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm việc giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bộ cũng kiến nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu xử lý trách nhiệm của cá nhân người đại diện vốn tại các doanh nghiệp này”- Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết..

VŨ MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh