THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:07

Quy định rõ cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện công lập

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình

Gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, một số quy định mới về cơ sở khám, chữa bệnh công lập; vấn đề xã hội hóa; giá dịch vụ; phân cấp chuyên môn; giấy phép hành nghề; khám, chữa bệnh từ xa... trong dự thảo Luật vẫn chưa cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Cần làm rõ mối quan hệ giữa cơ sở công lập và tư nhân cũng như các chính sách, quy định của Nhà nước đối với từng cấp này…

Vẫn theo đại biểu, đối với vấn đề xã hội hóa, Dự thảo chỉ ghi “được ưu tiên theo quy định của pháp luật”, cần quy định cụ thể những vấn đề được ưu tiên...

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cũng cho hay, hiện nay các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ. Dự thảo Luật lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập.

Trong đó, cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, phân tiêu chí, phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Cũng liên quan đến quy định về tự chủ, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho biết, trong 121 Điều nhưng cụm từ “tự chủ” chỉ được đề cập một lần tại Điều 106, đó là chi của ngân sách cho tự chủ, trong khi đó vấn đề này được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.

Ông An cho rằng cần có một chương, một mục riêng về cơ chế tự chủ, bởi tự chủ giống như một “dòng sông” được khơi thông thì “con thuyền” là các bệnh viện công đi trên đó an toàn và tiện lợi, nếu không cẩn thận thì rất dễ bị đánh đắm con thuyền đó.

Tranh luận về vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nên quy định theo hướng y tế công lập là y tế nền tảng để chăm lo cho người yếu thế; y tế ngoài công lập là động lực để phát triển ngành y tế.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Khẳng định, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là xu thế tất yếu, song theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) dự thảo Luật chưa có nội dung đề cập đến cơ chế tự chủ của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập.

“Cần quy định rõ tự chủ là trao quyền cho bệnh viện được tự quyết định trong hoạt động khám, chữa bệnh, được quyền quyết định tổ chức về bộ máy và con người phù hợp với hoạt động, quyết định vấn đề tài chính, kể cả nguồn tài chính do ngân sách đầu tư…”, ông Cường nêu.

Cần bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân

Ở góc độ khác, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ băn khoăn trước việc có hàng chục nghìn cán bộ y tế xin nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn; nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển về cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách.

“Trong khi đó, điều kiện khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được một bộ phận người dân, khiến nhiều người mang ngoại tệ ra nước ngoài hoặc sang khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế chỉ vì thiết bị hiện đại hơn. Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác, phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình", ông Cường nói.

"Những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có danh tiếng và uy tín thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế vẫn đang là một khoảng trống trong dự thảo Luật này”, đại biểu Cường nhấn mạnh thêm.

Về giá dịch vụ khám chữa bệnh tại Điều 108 của dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh để đảm bảo tính phù hợp, toàn diện, khả thi theo tinh thần Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương.

Đại biểu cho rằng, giá dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở y tế tư nhân cần được thực hiện theo quy quy định của Luật Giá và cần có cơ chế kiểm soát giá để bảo vệ quyền lợi của người bệnh một cách tốt nhất.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang)

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang)

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đồng thuận: “Cần tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho bệnh nhân”.

Về quyền của người bệnh được quy định tại Điều 9 đến Điều 15 của dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình (Bình Phước) đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quyền lựa chọn bác sỹ của người bệnh. Bệnh nhân có quyền lựa chọn bác sỹ hoặc các nhân viên y tế thích hợp với nhu cầu điều trị bệnh của mình. Bệnh nhân có quyền tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc nhà cung cấp dịch vụ y tế khác khi thấy cần.

Thực tế các dịch vụ phẫu thuật hiện nay đã sử dụng quyền này của người bệnh. Đồng thời cần bổ sung quyền than phiền, khiếu nại chứ không chỉ quyền kiến nghị của người bệnh như quy định tại Khoản 1, Khoản 2.

Thay mặt cơ quan soạn thảo phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, các ý kiến của các đại biểu thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn vượt khám, chữa bệnh sửa đổi lần này thực sự đổi mới căn bản về chất, đồng thời giải quyết được những vấn đề khó khăn, vướng mắc của ngành y tế đang gặp phải trong thực tiễn, và đúng quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, với mục tiêu chất lượng, hiệu quả phát triển trong công tác chăm sóc cho sức khỏe Nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng giải trình về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh. Hiện tại, dự thảo luận đưa ra ba cấp chuyên môn kỹ thuật với quy định liên quan đến phạm vi hoạt động của mỗi cấp và do Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc phân cấp cụ thể hệ thống này.

“Phương án này đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về phân cấp cơ sở khám, chữa bệnh thành ba cấp chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo tính liên thông, liên tục trong khám bệnh, chữa bệnh, trong các cơ sở; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay liên quan đến cách thức, tiêu chí phân hạng bệnh viện, cũng như khắc phục được bất cập liên quan đến vấn đề thanh toán bảo hiểm y tế giữa các tuyến…”, Bà Lan nhấn mạnh.

Thanh Nhung - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh