Quy định mới về điều kiện thanh toán thuốc cho người có thẻ BHYT
- Tây Y
- 14:30 - 04/02/2020
Ngày 16/1/2020, Bộ Y tế ban hành Thông tư 01/2020/TT-BYT sửa đổi, bổ sung Thông tư 30/2018/TT-BYT về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. So với quy định tại Thông tư 30/2018/TT-BYT, điều kiện và tỷ lệ thanh toán của một số loại thuốc được thay đổi như sau:
- Thuốc Liraglutide: Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 30% cho người bệnh đái tháo đường típ 2 đáp ứng đồng thời các tiêu chí:
+ Trên 40 tuổi, BMI > 23, mắc đái tháo đường típ 2, có bệnh lý tim mạch hoặc tăng huyết áp;
+ Không kiểm soát đường huyết (HbA1C > 9) sau thời gian 3 tháng (nội dung mới);
+ Suy thận nồng độ CrCI < 59 ml/phút (nội dung mới).
- Tinh bột este hóa (hydroxyethyl starch): Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán điều trị giảm thể tích tuần hoàn do mất máu cấp khi việc sử dụng dịch truyền đơn thuần không cải thiện lâm sàng; điều trị sốt xuất huyết Dengue nặng theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue của Bộ Y tế (nội dung mới).
- Thuốc Imatinib: Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán điều trị bệnh bạch cầu tủy mạn (CML) hoặc u mô đệm dạ dày ruột (GIST); thanh toán 80% (trước đây thanh toán 50%).
- Thuốc L-Ornithin - L - aspartat: Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán điều trị bệnh não do gan từ giai đoạn 2 trở lên theo hệ thống phân loại Wesst Haven (nội dung mới)…
Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/3/2020.
Mức hưởng bảo hiểm y tế năm 2020
Mức hưởng BHYT đúng tuyến
Khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 quy định, người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí trong phạm vi được hưởng với mức hưởng:
- 100% chi phí khám, chữa bệnh nếu là bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc hộ nghèo; người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở…
- 95% chi phí khám, chữa bệnh nếu là người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ cận nghèo…
- 80% chi phí khám, chữa bệnh nếu là đối tượng khác.
Mức hưởng BHYT trái tuyến
Cũng theo Luật này, tại khoản 3 Điều 22, khi đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến, người có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT thanh toán:
- 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương;
- 60% chi phí điều trị nội trú đến ngày 31/12/2020 tại bệnh viện tuyến tỉnh;
- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.
Xem chi tiết tại đây.
Mức thanh toán trực tiếp cho người có thẻ BHYT tăng
Theo Nghị quyết 86/2019/QH14, lương cơ sở từ ngày 1/7/2020 tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng thay vì 1,49 triệu đồng/tháng như trước đó. Do vậy, mức thanh toán trực tiếp cho người có thẻ BHYT được quy định tại Điều 30 Nghị định 146/2018/NĐ-CP cũng tăng tương ứng. Cụ thể:
- Khám, chữa bệnh tại tuyến huyện và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT:
+ Ngoại trú: Tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám, chữa bệnh, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 223.500 đồng lên 240.000 đồng.
+ Nội trú: Tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 745.000 đồng lên 800.000 đồng.
- Khám, chữa bệnh nội trú tại tuyến tỉnh và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT:
Tối đa không quá 1,0 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng.
- Khám, chữa bệnh nội trú tại tuyến trung ương và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT:
Tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 3,725 triệu đồng lên 4 triệu đồng.
- Khám, chữa bệnh tại nơi đăng ký ban đầu không đúng quy định:
+ Ngoại trú: Tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám, chữa bệnh, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 223.500 đồng lên 240.000 đồng.
+ Nội trú: Tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 745.000 đồng lên 800.000 đồng.
Với những phân tích nêu trên có thể thấy, mức hưởng BHYT năm 2020 không thay đổi so với năm 2019, tuy nhiên, mức thanh toán trực tiếp lại ít nhiều có sự thay đổi do ảnh hưởng khi tăng lương cơ sở từ 1/7/2020.