CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:52

Quy định đầy đủ, rõ ràng hơn về xã hội hóa trong hoạt động khám, chữa bệnh

Đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 24/10, tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường.

Tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Phạm Như Hiệp quan tâm đến nhiều khái niệm trong điều khoản giải thích từ ngữ. Theo đại biểu Khoản 2 Điều 2 có quy định: chữa bệnh là việc người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sử dụng kiến thức, phương pháp chuyên môn để ngăn ngừa sự xuất hiện của bệnh, giải quyết tình trạng bệnh hoặc nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh trên cơ sở kết quả khám bệnh. Đại biểu đề nghị cần làm rõ đây là hoạt động khám bệnh hay phòng bệnh.

Về giải thích khái niệm “cấp cứu”, Khoản 16 Điều 2 có giải thích là: Tình trạng cấp cứu là tình trạng sức khỏe hoặc hành vi khởi phát đột ngột nếu không được can thiệp khám bệnh, chữa bệnh ngay lập tức thì có thể dẫn đến suy giảm các chức năng cơ thể, tổn thương nghiêm trọng và lâu dài đối với các cơ quan, bộ phận cơ thể hoặc tử vong ở người đó hoặc đe dọa nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng đối với những người khác.

Theo đại biểu, việc giải thích này chưa bật được nội dung can thiệp chuyên môn khẩn cấp, nhanh chóng…Đây là khái niệm liên quan trực tiếp đến việc xác định quyền lợi của người bệnh trong thanh toán bảo hiểm y tế. Do vậy cần phải được làm rõ hơn nữa.

Cơ bản thống nhất với nội dung của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng dự thảo luật với 12 chương và 121 điều, Ban soạn thảo cũng đã chỉnh lý, chuẩn bị dự thảo kỹ lưỡng và tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu trước có chất lượng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều cái nội dung lớn của dự thảo luật chưa được sự thống nhất cao, chưa được quy định cụ thể. Để hoàn thiện tự thảo, Đại biểu Dương Tấn Quân góp ý một số vấn đề:

Về cơ chế tài chính, tự chủ tài chính của bệnh viện công lập và xã hội hóa trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, theo Đại biểu Dương Tấn Quân, vướng mắc trong cơ chế tài chính hiện nay tập trung vào ba vấn đề đó chính là giá khám bệnh, chữa bệnh; Cơ chế tự chủ của bệnh viện công lập và đấu thầu.

Đại biểu Phạm Như Hiệp – Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế

Đại biểu Phạm Như Hiệp – Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế

Góp ý về nội dung quy định quyền cơ sở khám chữa bệnh, đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) nêu rõ tại Khoản 7 Điều 57 dự thảo Luật quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được tổ chức cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ khác theo yêu cầu của người bệnh. Người đại diện của người bệnh trong phạm vi chuyên môn chức năng, nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ.

Đại biểu cho rằng, quy định này có thể hiểu là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu nhưng nội dung quy định còn quá chung và chưa rõ ràng bởi vì không rõ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là cơ quan nào, nội dung phê duyệt là gì, các điều kiện phải đào đáp ứng theo quy định của Chính phủ là những điều kiện gì?

Nội dung này dự thảo Luật cũng không giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Như vậy sẽ không thể thực hiện được. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung làm rõ hơn nội dung quy định này.

Về xã hội hóa, đại biểu cho biết hiện nay có rất nhiều vướng mắc là thực hiện xã hội hóa nguyên nhân dẫn đến nhiều sai phạm trong thực hiện. Trong khi dự thảo Luật chỉ có một điều quy định về vấn đề này là Điều 107.

Đại biểu cho rằng quy định như dự thảo Luật hiện nay không thể giải quyết những bất cập hiện nay. Đại biểu dẫn chứng như quy định về hình thức huy động xã hội hóa chịu sự chi phối của nhiều luật khác như Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công…

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu quy định đầy đủ và rõ ràng hơn về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (Hà Giang) quan tâm đến các chính sách của nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 4. Đại biểu Hương cho biết, các chính sách của nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh được thể hiện cụ thể qua 7 nhóm chính trách mà dự thảo Luật đã quy định.

Đại biểu Vương Thị Hương cho biết, trước thực trạng thiếu nhân lực y tế nói chung và nhân lực có trình độ ở tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là đối với vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định chính sách của Nhà nước về đào tạo nhân lực có trình độ tại các vùng này. 

Còn đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng cần có chương, mục riêng về cơ chế tự chủ bệnh viện. Ông An cho biết, trong 121 Điều nhưng cụm từ “tự chủ” chỉ được đề cập một lần tại Điều 106, đó là chi của ngân sách cho tự chủ, trong khi đó vấn đề này được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.

Đại biểu cho rằng cần có một chương, một mục riêng về cơ chế tự chủ, bởi tự chủ giống như một dòng sông được khơi thông thì con thuyền là các bệnh viện công đi trên đó an toàn và tiện lợi, nếu không cẩn thận thì rất dễ bị đánh đắm con thuyền đó.

Góp ý về xã hội hóa, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, nội dung cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, theo đó, trong Chương 10 về cơ chế bảo đảm có 9 Điều nhưng tới 5 điều giao cho Chính phủ quy cụ thể. Đại biểu nhấn mạnh, cơ chế đảm bảo giống như công tác hậu cần kỹ thuật, đi trước và về sau, vì vậy cần rất quan tâm đến nội dung này.

Về xã hội hóa cần nêu các quy định cụ thể, không nên quy định như dự thảo luật chỉ quy định mang tính chất nguyên tắc. Đại biểu chưa đồng tình với quy đinh về vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế, theo đại biểu nội dung này không phải là xã hội hóa, cần cân nhắc.

Đối với quy định là tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cần quy định khi tài trợ xong phải thành tài sản công để dễ quản lý. Bên cạnh đó, nhiều quy định trong dự thảo luật vẫn còn vướng mắc, chưa rõ ràng, nhất là quy định về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị. 

Về việc huy động nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong  trường hợp mà xảy ra thảm họa, sự cố thiên tai vẫn chưa được quy định trong dự thảo luật. Nếu ban soạn thảo không thiết kế quy định này sẽ khó tháo gỡ vướng mắc nếu xảy ra đại dịch tương tự như COVID-19…Về thời điểm thông qua luật, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, dự thảo luật còn nhiều nội dung cần tiếp tục hoàn chỉnh, còn ý kiến khác nhau. Do vậy, để chuẩn bị cho thật tốt, thật chu đáo nên cân nhắc đến kỳ họp sau thông qua dự án luật.

Thành Công - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh