THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:10

Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ cho hơn 13 triệu lao động

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội thảo Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm gắn với phát triển kinh tế năm 2023 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội thảo "Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm gắn với phát triển kinh tế năm 2023" trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5

Nhận bảo hiểm thất nghiệp 10 tháng 2022 tăng khá mạnh

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) Ngọ Duy Hiểu cho biết, số lượng người nhận bảo hiểm thất nghiệp 10 tháng 2022 tăng khá mạnh so với cùng kỳ 2021. 

Thống kê tại 4 tỉnh, thành phố phía Nam cho thấy, TP. Hồ Chí Minh tăng 25,88%, Bình Dương tăng 39,08%, Đồng Nai tăng 54,69% và Tiền Giang tăng 66,5%.

Theo tổng hợp của Tổng LĐLĐVN tại các doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở, từ tháng 9/2022 cho đến hết ngày 10/12/2022 đã có 1.242 doanh nghiệp (tại 44 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 482.120 người lao động.

Số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Ông Hiểu nhấn mạnh, tình trạng doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc làm hoặc giảm việc làm để lại hệ lụy rất lớn, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đến gần.

Nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động, giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, góp phần ổn định thị trường lao động, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng cần nhiều giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường.

Thừa nhận tình hình phức tạp, khó khăn của một bộ phận lao động, tuy nhiên TS. Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng “đây không phải vấn để chung của thị trường lao động”.

"Chúng tôi nắm được các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng đây không phải là của cả thị trường lao động. Thị trường lao động gắn chặt với sự phục hồi của doanh nghiệp, nên hỗ trợ doanh nghiệp là quan trọng”, ông Bình chia sẻ quan điểm, bên cạnh những cam kết sẽ tập trung giải quyết các chính sách an sinh xã hội, nhất là chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mất việc.

Còn ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương thông tin, đầu năm, tỉnh thiếu lao động trầm trọng. Lãnh đạo Bình Dương phải đi các địa phương để phối hợp với các tỉnh, kêu gọi, thu hút lao động quay lại làm việc. Nhưng từ tháng 6/2022, tình trạng giảm đơn hàng, nên doanh nghiệp giảm giờ làm, rồi bắt đầu cắt giảm lao động.

“Chúng tôi tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp, gửi tới Trung ương”, ông Tuyên cho biết, danh mục các kiến nghị của doanh nghiệp được ông gạch đầu dòng khá chi tiết. Đó là kiến nghị được chậm đóng BHXH để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi; tiếp tục chính sách cho vay ưu đãi để doanh nghiệp có nguồn hỗ trợ khi người lao động ngừng việc; khoanh nợ, tìm kiếm thị trường mới...

11

Bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh, hệ thống an sinh xã hội với vai trò là giá đỡ cho thị trường lao động ngày càng được mở rộng, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia tăng đều hàng năm.

Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2022, đã có trên 17,08 triệu người tham gia BHXH, đạt 37,01% lực lượng lao động trong độ tuổi; có trên 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt hơn 30% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, với mục tiêu duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người dân đã được ban hành và triển khai hiệu quả.

Các chính sách về BHXH hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn như: chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, giảm mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và hỗ trợ đào tạo nghề với các đối tượng bởi dịch COVID-19 được triển khai thực hiện trong năm 2020 và 2021.

Riêng năm 2021, tổng kinh phí hỗ trợ 03 chính sách về bảo hiểm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP là khoảng gần 6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho gần 400 nghìn đơn vị sử dụng lao động và gần 12 triệu người lao động.

Chính sách hỗ trợ người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15: đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 13.334.207 lao động thuộc đối tượng hỗ trợ với tổng số tiền chi trả hơn 31.836 tỷ đồng.

Đối với nhiều người lao động không thuộc diện hưởng các chế độ an sinh xã hội theo quy định hiện hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời xây dựng và ban hành các chính sách (Nghị quyết 42 và Nghị quyết 68) để bổ sung, hỗ trợ kịp thời mọi người dân bị rủi ro với mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, nhằm chia sẻ, hỗ trợ cho người lao động còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc và hỗ trợ công ty, doanh nghiệp giữ chân người lao động đang làm việc,… Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Chính sách đã hỗ trợ cho 122.991 lượt người sử dụng lao động, 5.267.236 lượt lao động với kinh phí là 3.740,8 tỷ đồng.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, từ năm 2021 đến nay, trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 87 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 55,68 triệu lượt người dân, người lao động và gần 01 triệu lượt người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Với các nhóm đối tượng yếu thế như các hộ nghèo, hộ cận nghèo: chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025 đã được điều chỉnh tăng mức chuẩn nghèo thu nhập (gấp hơn 2 lần và bằng với mức sống tối thiểu năm 2021), mở rộng tiêu chí nghèo đa chiều, qua đó số lượng hộ gia đình được tiếp cận chính sách giảm nghèo đã được tăng thêm khoảng 1,88 triệu hộ (tương đương 7,5 triệu nhân khẩu).

“Những kết quả đạt được như trên khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa nước ta trong công tác chăm lo chính sách xã hội”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh