Quốc lộ 1A đoạn qua Huế hay hư hỏng cần được trung tu, đại tu
- Y học 360
- 07:27 - 02/12/2021
Sáng 1/12, đoàn công tác Cục Quản lý Đường bộ 2 (đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì, khai thác 14 tuyến Quốc lộ với chiều dài 2.707 km thuộc địa bàn 6 tỉnh từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế, trong đó có Quốc lộ 1A) do ông Trần Quang Thanh, Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra một số điểm hư hỏng và hay xảy ra ngập úng cục bộ dọc tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trước đó, từ năm 2019 đến nay, báo Dân sinh đã nhiều lần phản ánh tình trạng Quốc lộ 1A hư hỏng, mặt đường liên tục xuất hiện ổ gà, vết sình lún gây mất an toàn giao thông đoạn qua địa bàn huyện Phú Lộc và Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biêt, đoạn đường từ Km849 + 600 đến Km851 + 300, qua địa bàn các xã Lộc Sơn, Lộc An và Lộc Điền (Phú Lộc) cứ đến mùa mưa lũ, chỉ sau 1 trận mưa là khắp mặt đường (làn đường chiều Bắc - Nam) lại bị bong tróc khiến mặt đường xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà. Sau mỗi lần đường hư hỏng, đơn vị Chủ thầu (Ban Quản lý Dự án 4 - khi thời hạn bảo hành còn hiệu lực) và sau đó là đơn vị quản lý trực tiếp (Cục Quản lý Đường bộ 2) đưa ra phương án khắc phục tạm thời: “Dập vá” bằng bê tông nhựa đường nóng hoặc nguội tuỳ điều kiện thời tiết. Điệp khúc “mưa - đường hư - tiếp tục dập vá” cứ thế diễn ra năm này qua năm khác.
Trong đợt mưa lũ kéo dài do ảnh hưởng của bão số 8 hồi tháng 10/2021, trên tuyến Quốc lộ 1A từ Km848+875-Km860+850, đoạn qua Thừa Thiên Huế tiếp tục xuất hiện nhiều điểm bong tróc, ổ gà trên mặt đường, ảnh hưởng đến giao thông đi lại. Phương án khắc phục được đưa ra vẫn là tạm thời.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế (đơn vị trúng thầu sửa chửa, khắc phục Quốc lộ 1A đoạn qua Thừa Thiên Huế) cho biết, từ ngày 29/10 đến 1/11, đơn vị đã huy động công nhân, máy móc tiến hành cắt, đục lớp nhựa những vị trí mặt đường bị hư hỏng, sình lún, ổ gà với diện tích 4.500m2. Các vị trí được cắt vuông thành sắc cạnh, sau đó dùng hỗn hợp bê tông nhựa đường nguội và phụ gia PAVE 192 để tiến hành vá dập. Sau 3 ngày làm việc liên tục, công tác khắc phục tạm thời các vị trí hư hỏng nêu trên hoàn tất.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 11 vừa qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa lớn kéo dài. Nhiều vị trí hư hỏng trên Quốc lộ 1A vừa được sửa chữa, khắc phục trước đó lại bong tróc trở lại. Các lớp bê tông nhựa được dập vá bị bánh xe kéo bung, tạo ổ gà, ổ voi dày đặc mặt đường.
Theo chân đoàn công tác Cục Quản lý Đường bộ 2 trong sáng 1/12, chúng tôi ghi nhận ở làn đường theo chiều Bắc - Nam, đoạn từ ngã ba La Sơn (xã Lộc Sơn) vào đến đỉnh đèo Mũi Né (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc), nhiều điểm đã hư hỏng nặng trở lại. Nhiều ổ gà có độ sâu nhất định và bề rộng khá lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là trong thời điểm trời mưa, đường trơn trượt, mặt đường ngập nước.
Lý giải về đoạn Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhất là đoạn thuộc dự án nâng cấp, mở rộng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, do Ban quản lý dự án 4 thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư, thường xuyên xảy ra tình trạng hư hỏng, ông Trần Quang Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ 2 cho rằng, do dự án được đưa vào quản lý, sử dụng đã lâu (tháng 10/2015). “Mặt đường quá trình sử dụng đã lâu. Dự án đến năm nay cũng đã khai thác năm thứ 6, nếu tính tròn năm 2021 là đã năm thứ 7. Nó đã đến giai đoạn trung tu, đại tu, sửa chữa”, ông Thanh cho biết.
Mặt khác, theo ông Thanh, do địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có lượng mưa và thời gian mưa trong năm lớn hơn so với các địa phương khác. Đặc biệt, mưa tại Huế thường dầm dề, kéo dài, gây ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tuổi thọ của công trình.
Cũng theo ông Thanh, hiện nay thời hạn bảo hành công trình đã hết hiệu lực (từ tháng 8/2020), do đó việc đảm bảo giao thông thông suốt là trách nhiệm của đơn vị quản lý là Chi cục quản lý đường bộ (đoạn từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế do Chi cục Quản lý đường bộ II.5 quản lý trực tiếp). Mỗi khi xảy ra hư hỏng, các đơn vị phải đặt biển cảnh báo, rào chắn tạm thời. Khi thời tiết thuận lợi phải tiến hành khắc phục sửa chữa, dập vá ngay để bảo đảm an toàn giao thông.
“Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị sẵn nhân lực, vật lực nhưng do thời tiết bất lợi, mưa lớn nên chưa tiến hành dập vá các đoạn hư hỏng được. Trước đó, đơn vị sửa chữa đã làm nhưng do dập vá trong mưa nên hỏng lại. Do đó, qua kiểm tra, tôi đã yêu cầu anh em cắm biển cảnh báo, khi nắng ráo lên là phải làm ngay,”, theo lời ông Thanh.
Về phương án sữa triệt để, ông Thanh cho biết hiện đã có phương án khắc phục bước 1, đó là hỏng chỗ nào thì khắc phục hoàn trả lại vị trí đó, cào phần hỏng để thảm lại. Ông Thanh nhận định, do hư hỏng có diện tích không lớn nên đây chỉ là phương án khắc phục nhỏ lẻ, cục bộ, chứ không phải đào bới toàn bộ mặt đường lên để làm. Tuỳ theo ổ gà mà mỗi vị trí sửa chữa có diện tích từ 15 - 20m2, cao lắm cũng chỉ khoảng 50m2, với tổng kinh phí sửa chữa khoảng vài trăm triệu đồng.
Ngoài ra, trong sáng 1/12, đoàn công tác Cục Quản lý Đường bộ 2 cũng đã đến kiểm tra, khảo sát đoạn Km867 qua địa bàn xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc). Đây là điểm thường xuyên xảy ra ngập lụt cục bộ, gây ách tắc giao thông mỗi khi mưa lớn.
Qua khảo sát thực tế, ông Thanh cho biết đã kiến nghị với Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT lắp thêm ống cống thoát nước dọc ở điểm cầu Hói Rui để giúp thoát nước, không để xảy ra tình trạng nước tràn qua mặt đường, gây ngập lụt cục bộ như hiện nay.