Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 2 vào tháng 01/2023
- Tây Y
- 11:55 - 28/11/2022
Báo cáo tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc với sự đồng thuận, thống nhất cao, được cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá cao. Quốc hội đã xem xét, thông qua 06 luật, 13 nghị quyết; thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý 01 dự án luật và cho ý kiến lần đầu đối với 07 dự án luật; giám sát tối cao 01 chuyên đề; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; quyết định các vấn đề quan trọng về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác.
Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, những nội dung quan trọng được Quốc hội ban hành đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thực tiễn đặt ra để các cơ quan, tổ chức có cơ sở triển khai, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tạo đà thuận lợi để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và tiếp tục tạo nền tảng cho đất nước phát triển bền vững.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề về việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội các nội dung: Xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; Xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách;...
Về thời gian và hình thức họp, căn cứ tiến độ chuẩn bị các nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất 02 phương án. Theo đó:
Phương án 1: Trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường chưa kịp xem xét đủ điều kiện trong tháng 12/2022 thì đề nghị tổ chức họp sau Tết Nguyên Đán (trong tháng 2/2023) và theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Phương án 2: Trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường được xem xét xong trong tháng 12/2022 và đủ điều kiện trình thì đề nghị tổ chức họp trước Tết Nguyên Đán (đầu tháng 01/2023) theo hình thức họp trực tuyến kết hợp họp tập trung, trong đó họp trực tuyến để thảo luận, cho ý kiến, còn họp tập trung để biểu quyết các nội dung (hoặc nếu xét thấy việc đi lại dịp Tết khó khăn thì có thể họp trực tuyến cả kỳ).
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kỳ họp bất thường chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của một trong các chủ thể: Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ hoặc là 2/3 ĐBQH kiến nghị và chỉ xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đã rõ và có sự đồng thuận, thống nhất cao,...
Nhấn mạnh mặc dù là vấn đề cấp bách nhưng nếu chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng thì cũng không thể xem xét tại Phiên họp bất thường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các nội dung Chính phủ trình phải thể hiện, đáp ứng được các nguyên tắc, tiêu chí nêu trên.
Cơ bản thống nhất với đề xuất nội dung trình của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý tập trung vào 04 nhóm nội dung chính bao gồm: (1) Xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; (2) Xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); (3) Xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; (4) Xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ và đáp ứng thời gian trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.
Đối với các nội dung còn lại, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nếu Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, hồ sơ đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo quy định về thời gian, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn toàn ủng hộ việc đưa vào xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2.
Về thời gian tổ chức kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội thống nhất thời gian diễn ra Kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra trong tuần đầu tiên của tháng 1 năm 2023. Liên quan đến hình thức tổ chức, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tiếp tục cân nhắc một trong hai phương án: phương án 1 theo hình thức họp trực tuyến (tập trung ĐBQH hoạt động chuyên trách và kết nối với các điểm cầu tại địa phương) và phương án 2, tiến hành họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Góp ý tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị nên tổ chức họp tập trung tại Nhà Quốc hội vì số ngày diễn ra kỳ họp ngắn, nội dung không nhiều; nếu tiến hành họp theo phương thức cả tập trung và trực tuyến là không cần thiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, để đáp ứng yêu cầu cấp bách, cần bố trí tổ chức Kỳ họp trong khoảng thời gian10 ngày đầu tiên của tháng 1/2023. Về hình thức tổ chức, tùy thuộc vào công tác chuẩn bị, đề nghị cân nhắc lựa chọn hình thức họp trực tuyến để đảm bảo tính linh hoạt.
Phát biểu về việc chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cơ bản thống nhất với 04 nhóm nội dung trọng tâm. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần khẩn trương hoàn thành việc chuẩn bị các nội dung được trình tại Kỳ họp để Ủy Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định việc tổ chức và triệu tập kỳ họp bảo đảm đúng thời gian quy định (chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp).
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các cơ quan thẩm tra phối hợp sớm với các cơ quan của Chính phủ đảm bảo hồ sơ, tài liệu của trình tại Kỳ họp đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Nhất trí với các ý kiến trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, thời gian tổ chức Kỳ họp bất thường phải diễn ra trong 10 ngày đầu của tháng 1/2023 để kịp thời giải quyết các vấn đề đặt ra. Đối với hình thức tổ chức kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tùy vào điều kiện và tình hình thực tế sẽ quyết định lựa chọn phương án phù hợp, mang tính tối ưu.
Phiên họp thường kỳ thứ 17 (tháng 11/2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 1 ngày để xem xét cho ý kiến một số nội dung.
Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp thứ 4; cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 vào đầu năm 2023; cho ý kiến về nội dung và khả năng chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội.
Thứ hai, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét cho ý kiến một số nội dung thuộc thẩm quyền về tài chính và ngân sách. Cụ thể: Một là, xem xét việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại của 03 chương trình mục tiêu quốc gia và bổ sung vốn nước ngoài cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Hai là, xem xét việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.
Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ký Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về các điều kiện cải tạo, xây dựng và bảo trì các tòa nhà có liên quan đến các cơ quan ngoại giao và lãnh sự 02 bên (Thỏa thuận Coca). Chủ tịch Quốc hội làm rõ, thỏa thuận này thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Tuy nhiên, trong đó có một số nội dung có liên quan đến thuế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam