Quốc hội nghe tờ trình quản lý kiến trúc để có quy chế quản lý phù hợp
- Tây Y
- 18:32 - 24/10/2018
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Kiến trúc.
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, thực tiễn phát triển và yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam cho thấy việc ban hành Luật Kiến trúc là hết sức cần thiết. Từ việc ban hành Luật, nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài; xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế.
Theo đó, Dự thảo Luật đã cụ thể hóa các chính sách thành yêu cầu, quy phạm pháp luật trong hoạt động kiến trúc. Trong đó, về quản lý kiến trúc đã quy định rõ các công cụ quản lý kiến trúc chủ yếu là quy chế quản lý kiến trúc, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc, Hội đồng kiến trúc quốc gia và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan, quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về kiến trúc.
Về hành nghề kiến trúc, quy định rõ về hành nghề của kiến trúc sư, hành nghề kiến trúc của các tổ chức; một số quy định cụ thể về cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc theo tiêu chí: Chuyên môn, phát triển nghề nghiệp liên tục, đạo đức hành nghề để phù hợp với thông lệ quốc tế; xử lý các vấn đề đăng ký hành nghề, chứng chỉ năng lực phù hợp.
Một góc TP. Hồ Chí Minh.
Thẩm tra Dự án Luật - Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường cơ bản tán thành các nội dung về Dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Trung Dũng, việc xây dựng Luật Kiến trúc đã được cơ quan quản lý nhà nước và giới kiến trúc sư đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
Về yêu cầu quản lý kiến trúc, đa số ý kiến cơ quan thẩm tra cho rằng, việc quy định các chính sách cơ bản của kiến trúc trong Dự án Luật là công cụ quản lý cần thiết, nhằm khắc phục tình trạng không ít công trình có kiến trúc phản cảm, chưa phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam. Đồng thời ngoài các quy định như trong dự thảo Luật thì cần bổ sung thêm các quy định mang nội hàm phát triển như chính sách, định hướng phát triển đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiến trúc sư; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về kiến trúc... Đây sẽ là cơ sở pháp lý để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của các kiến trúc sư, tạo tiền đề phát triển nền kiến trúc nước nhà.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về sự cần thiết của nội dung này, vì nhiều quy định có tính khả thi chưa cao; chưa thể hiện được nguyên tắc quản lý và phát huy bản sắc kiến trúc dân tộc
Về yêu cầu quản lý kiến trúc, đa số ý kiến cơ bản nhất trí với các quy định yêu cầu chung quản lý kiến trúc và yêu cầu kiến trúc đối với đô thị, nông thôn, khu phố cổ. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị, nếu phân loại theo đặc điểm kinh tế-văn hóa-xã hội thì ngoài các đối tượng là đô thị và nông thôn thì trên thực tế còn có các đối tượng khác cũng cần được rà soát, quản lý kiến trúc (khu chức năng; khu vực giáp ranh; công trình có kiến trúc cần được bảo tồn nhưng chưa được công nhận di sản văn hoá; nông thôn trong đô thị; kiến trúc công trình tôn giáo, tín ngưỡng; kiến trúc quân-dân sự; hải đảo…).
Nếu phân loại theo đặc điểm chuyên môn quản lý, các đối tượng có thể bao gồm: (1) Kiến trúc công trình (nhà ở, công trình công cộng, công trình công nghiệp, kỹ thuật, nghệ thuật, quảng cáo…); (2) Kiến trúc cảnh quan (không gian trước các tổ hợp kiến trúc, công viên, cây xanh, vườn hoa, mặt nước…); (3) Kiến trúc không gian (không gian tổng thể).
Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, giải trình, tiếp thu các ý kiến nêu trên, làm rõ các đối tượng quản lý kiến trúc theo hướng vừa mang tính đại diện nhưng vừa đồng bộ, thống nhất, khả thi trong quản lý và đáp ứng sự phát triển. Trên cơ sở phân loại, làm rõ đối tượng quản lý kiến trúc để xây dựng các yêu cầu và quy chế quản lý cho phù hợp, tránh chồng chéo, bỏ sót đối với từng đối tượng: đô thị, nông thôn, khu phố cổ...
Ý kiến cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, quy chế quản lý kiến trúc là nội dung quan trọng trong dự thảo Luật, quy định những nội dung chung nhất, mang tính nguyên tắc. Đối với từng vùng, miền có điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội khác nhau thì cần có những quy định chi tiết khác nhau mà chỉ có chính quyền địa phương ở đó mới có thể tổ chức xây dựng, cụ thể hóa quy chế quản lý kiến trúc sao cho phù hợp nhất. Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đây cũng là kinh nghiệm lập pháp về quản lý kiến trúc của nhiều quốc gia.