Quốc hội dành cả ngày thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội
- Tây Y
- 16:30 - 13/06/2020
Ngay đầu giờ sáng đã có 90 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu thảo luận. Các đại biểu bày tỏ đồng tình với báo cáo KT-XH của Chính phủ, đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua; các gói hỗ trợ kịp thời, giúp an sinh xã hội, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp...
Đồng thời các đại biểu đóng góp các ý kiến, giải pháp nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Mở đầu Phiên họp, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) bày tỏ đồng tình với Báo cáo đánh giá bổ sung về tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ, đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp, đồng thời đóng góp các ý kiến, giải pháp nhằm khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian cách ly xã hội.
Tiếp đó, các ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu), Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh)… phát biểu đều bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác phòng, chống đại dịch; đề nghị kịp thời khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác “chống dịch như chống giặc”.
Các đại biểu đề nghị cần phát huy mạnh hơn vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tái đàn lợn, tiếp tục phòng, chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi…
Trước đó, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (sáng 20/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về “Phòng chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội”.
Đánh giá bổ sung kết quả năm 2019, báo cáo nêu rõ: Qua đánh giá thực hiện cả năm 2019 khẳng định chúng ta đã đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và củng cố những nhận định mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt; nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội.
Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02% (đã báo cáo trên 6,8%), thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 20,4 tỷ USD, tăng 6,8%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 517 tỷ USD, xuất siêu hơn 11 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 9,9% dự toán; nợ công ở mức 54,7% GDP (đã báo cáo 56,1%).
Theo người đứng đầu Chính phủ, nước ta đã duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch.
Các cấp, các ngành đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; vốn đầu tư thực hiện từ NSNN tăng 12,9% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 2,2%; trong đó vốn đầu tư ngoài nhà nước tăng 4,2%. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) 4 tháng đạt 32,5% dự toán...
Mặc dù giảm khá mạnh so với cùng kỳ, nhưng tăng trưởng GDP quý I vẫn đạt 3,82%, thuộc nhóm cao trong khu vực và trên thế giới. Trong khó khăn, nhiều địa phương vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao.
Chính phủ cũng đề ra 9 nhóm giải pháp lớn nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về kinh tế - xã hội năm 2020. Trong những tháng còn lại của năm 2020 và thời gian tới, cùng với làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, Chính phủ sẽ chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới, trình cấp có thẩm quyền quyết định để sớm triển khai thực hiện trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 - 2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tuy gặp khó khăn, thách thức lớn, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta vẫn có những điểm sáng trong phát triển kinh tế. An sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm.