Quốc hội dành 12 ngày tiến hành công tác nhân sự cấp cao
- Tây Y
- 16:23 - 10/03/2016
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp thứ 11 của Quốc hội sẽ dành khoảng 12 ngày để xem xét nhân sự.
Theo dự kiến chương trình, từ ngày 4 - 16/4/2016, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định về công tác nhân sự cấp cao của Nhà nước. Chương trình cụ thể sẽ được trình Quốc hội tại phiên họp trù bị của kỳ họp khoá 11.
Về công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp này, 7 dự án luật sẽ được xem xét, thông qua gồm: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Liên quan dự án Luật Biểu tình trước đây dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp 11, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, tiếp tục để Chính phủ chuẩn bị kỹ nhằm đảm bảo sự thống nhất cao mới trình ra Quốc hội.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2015; xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; Quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan. Kỳ họp cũng sẽ bổ sung 2 nội dung gồm trình Quốc hội phê chuẩn Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; báo cáo về kết quả đàm phán và ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trước đó, cho ý kiến vào dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, UBTV Quốc hội, các đại biểu cho rằng, nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã có những đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển.
Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản tán thành với các nội dung trong dự thảo báo cáo công tác nhiệm kì, cho rằng, báo cáo đã nêu rõ những thành tựu quan trọng, toàn diện của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Nhiệm kỳ qua, hoạt động lập hiến, lập pháp đạt kết quả nổi bật, thông qua Hiến pháp mới, từng bước xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, tạo khung pháp lý cho việc hình thành và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Hoạt động giám sát, chất vấn của Quốc hội được tổ chức công khai, minh bạch, đưa Quốc hội đến gần với dân hơn. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã tiến hành tái giám sát toàn khóa, trực tiếp chất vấn những người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ.
Cũng trong nhiệm kỳ này, lần đầu tiên, Quốc hội đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các công trình, dự án quan trọng quốc gia… ngày càng được cải tiến, thực chất hơn.
Đánh giá về dự thảo các báo cáo tổng kết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII trước hết là bởi Quốc hội đã ngày càng dân chủ, gần dân và được nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhờ đó tạo ra sức mạnh của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các báo cáo tổng kết cần thể hiện như một lời cảm ơn của Quốc hội gửi tới đồng bào, cử tri cả nước, sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của các cơ quan chức năng... trong nhiệm kỳ vừa qua. Cần đánh giá đậm hơn, sâu sắc hơn về vai trò của đại biểu Quốc hội trong cả nhiệm kỳ.