Quốc gia bị cảnh báo sẽ thành bãi rác mới của thế giới
- Y học 360
- 13:36 - 02/11/2019
Theo Guardian, Tổng thống Argentina Mauricio Macri vừa ký một quyết định hồi tháng 8, qua đó phân loại một số vật liệu tái chế và coi chúng là "hàng hóa" thay vì "rác thải". Quyết định này sẽ nới lỏng việc giám sát các phế liệu nhựa hỗn hợp và ô nhiễm, vốn đã khó xử lý và trước đây thường được đưa đi tiêu hủy.
Các tổ chức hoạt động xã hội và bảo vệ môi trường cho rằng quyết định này là bất hợp pháp và đi ngược lại xu hướng toàn cầu trong kiểm soát nhập khẩu chất thải. Đã có những lo ngại về việc đây sẽ là bước đi đầu tiên của Argentina nhằm tiếp nhận các loại rác nhựa khó tái chế, hiện tràn ngập các quốc gia đang phát triển kể từ khi Trung Quốc dừng nhập khẩu loại rác này vào cuối năm 2017.
Ông Jim Puckett, Giám đốc điều hành Mạng lưới Hành động Basel - nhóm chống lại việc xuất khẩu chất thải độc hại từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, nhận định: "Họ (Argentina) sẵn sàng trở thành con dê tế thần để thu lợi từ việc tiếp nhận chất thải của phần còn lại của thế giới".
Có hơn 180 quốc gia là thành viên của Công ước Basel về kiểm soát hoạt động buôn bán chất thải quốc tế, tuy nhiên Mỹ không nằm trong số này.
Theo những sửa đổi gần đây được đề xuất bởi Na Uy, các quốc gia phát triển sẽ không thể xuất khẩu chất thải nhựa chất lượng kém sang các quốc gia đang phát triển mà không được sự đồng ý rõ ràng từ quốc gia tiếp nhận và sự đảm bảo rằng những chất thải này được xử lý một cách thích hợp.
Đề xuất này được đưa ra để đảm bảo rằng ngay cả các nước không phải là thành viên của Công ước Basel (như Mỹ), cũng sẽ phải tuân thủ theo các quy định của nó khi gửi chất thải nhựa tới những nước nghèo hơn.
Ông Puckett cho biết trong các cuộc đàm phán gần đây, Argentina và Mỹ đều phản đối mạnh mẽ những đề xuất của Na Uy nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn với các loại nhựa không thể tái chế. Kết hợp với quyết định của Argentina, ông Puckett cho rằng quốc gia này đang muốn xử lý rác thải của Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng Argentina có thể lấp đầy khoảng trống mà Trung Quốc để lại về việc nhập các loại nhựa khó tái chế từ Mỹ, Anh và châu Âu.
Sau quyết định hồi cuối năm 2017, rác thải nhựa của Mỹ lần đầu tiên được đưa tới các quốc gia ở Đông Nam Á. Đến lượt các nước này bắt đầu siết chặt quy định nhập khẩu chất thải và rác thải nhựa từ Mỹ tiếp tục được đưa tới các nước như Campuachia, Lào, Ghana, Ethiopia, Kenya rồi Senegal.
Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ EPA cho biết họ ủng hộ Công ước Basel nhưng phản đối những đề xuất của Na Uy. Lý giải cho điều này, một người phát ngôn của EPA cho biết Mỹ lo ngại rằng việc gia tăng các rào cản với sự di chuyển của phế liệu nhựa để tái chế sẽ làm việc tái chế trở nên đắt đỏ hơn, trong khi nhựa nguyên sinh trở nên hấp dẫn hơn, và điều này dẫn đến tổng khối lượng chất thải nhựa sẽ tăng lên.