THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:27

Quảng Trị, Thừa Thiên lên kịch bản ứng phó áp thấp nhiệt đới, mưa lớn kéo dài

 
Các địa phương miền Trung chuẩn bị ứng phó với ATNĐ và mưa lớn kéo dài

Các địa phương miền Trung chuẩn bị ứng phó với ATNĐ và mưa lớn kéo dài

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, do ảnh hưởng của ATNĐ trên biển Đông, từ chiều 7/10 đến ngày 8/10 ở khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm; ở Hà Tĩnh, Bình Định và Bắc Tây Nguyên, tổng lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 100mm.

Trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Trị và Quảng Ngãi lên mức báo động (BĐ)1-BĐ2, có sông trên mức BĐ2; các sông ở Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum lên mức BĐ1 và trên mức BĐ1.

Mưa lớn kéo dài cũng làm tăng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum.

Trong sáng 7/10 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhiều nơi đã có mưa to đến rất to. Cụ thể, lượng mưa một số nơi như: A Vao 90.6mm, Tà Rụt 87.6 mm, A Dơi 62.8 mm, Hướng Lộc 60.8 mm, Thanh 54.6 mm, ABung 54.0 mm, Đakrông 40.4 mm. Hiện, nước trên các sông tại tỉnh Quảng Trị đang ở mức BĐ 1. Đến thời điểm hiện nay, tổng dung tích các hồ chứa trọng điểm đạt trung bình khoảng 43% so với dung tích thiết kế.

Trước tình hình nêu trên, tỉnh Quảng Trị đã thông báo hướng di chuyển của ATNĐ đến tất cả tàu thuyền trên biển để bà con chủ động tìm nơi tránh trú an toàn. Tính đến trưa 7/10, đã có 2.312 tàu thuyền của tỉnh Quảng Trị, với 7.163 thuyền viên vào bờ tránh trú an toàn. Trong đó đang neo đậu tại các bến của tỉnh này 2.311 chiếc với 7.154 thuyền viên. Tàu thuyền ngoại tỉnh vào neo đậu trên địa bàn tỉnh là 34 chiếc với 214 thuyền viên.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị đã lên kịch bản sơ tán, di dời dân tránh lũ trong trường hợp mực nước các sông đạt đỉnh báo động 3. Cụ thể số lượng người dự kiến cần sơ tán tránh ngập lũ trên báo động 3 trên toàn tỉnh là 14.341 hộ với 53.005 nhân khẩu.

Kịch bản sơ tán, di dời dân vùng xảy ra lũ ống, lũ quét: Tổng số hộ dân cần sơ tán, di dời là 2.244 hộ/8.921 nhân khẩu. Kịch bản sơ tán, di dời dân sơ tán, di dời dân đối với vùng nguy cơ cao từ các dự án điện gió với tổng số hộ dân cần sơ tán, di dời là 163 hộ/742 nhân khẩu tại 13 thôn/khối phố của 7 xã/thị trấn thuộc địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, trên địa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), tại một số địa phương, nước tràn qua các ngầm, cống tràn và các tuyến đường gây chia cắt giao thông. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo các địa phương cắt cử lực lượng ứng trực, cắm biển cảnh báo, tuyệt đối không cho người và phương tiện đi qua. Đối với các địa phương dọc sông Sê Pôn tiếp tục theo dõi mực nước để có phương án di dời dân kịp thời.  

Theo cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 51 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở ở hầu hết các huyện, thị trên địa bàn. Trong điều kiện mưa lớn kéo dài như hiện nay, nguy cơ sạt lở đất vùng núi, sông suối rất cao.

Ông Nguyễn Bá Lành - Chủ tịch UBND xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) cho biết, ngoài điểm nguy cơ sụt lún trên địa bàn, tuyến đường 71 dẫn vào thủy điện Rào Trăng 3, 4 vốn được xem là “trọng điểm” trong mùa mưa bão. Do đó, UBND xã Phong Xuân đã bố trí cắm các biển cảnh báo tại những điểm nguy cơ sạt lở, đèo dốc nhằm cảnh báo người dân. Theo ông Lành, thời điểm mưa bão xảy ra, xã sẽ bố trí lực lượng chốt chặn tại các vị trí ra vào cửa rừng nhằm ngăn chặn người dân vào rừng sản xuất.

Ông Đặng Tiến Tùy - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) thông tin, để ứng phó mưa bão, địa phương đã tiến hành khảo sát, tổng hợp số lượng dân cư ở điểm xung yếu, nguy hiểm cần di dời. Theo đó, trên địa bàn xã này, khoảng 150 hộ với hơn 700 nhân khẩu nằm trong vùng xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở biển, ven đầm phá. Hiện nay, Phú Thuận đã bố trí các điểm tạm di dời cho các hộ dân, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư cứu hộ cứu nạn và lương thực, thực phẩm nếu bão số 7 đổ bộ vào đìa bàn. Xã Phú Thuận cũng đã bố trí 4 máy bơm công suất lớn để chống ngập cho các địa điểm trũng thấp, dễ ngập lụt.

Để chủ động ứng phó với mưa lớn và ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão số 7, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các địa phương, chủ hồ đập triển khai phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở nhằm đảm bảo đảm an toàn. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, ngăn chặn người đi vào rừng trong thời gian thiên tai, bão lũ; bố trí biển báo, hướng dẫn an toàn cho người và phương tiện tại các khu vực ngầm tràn.

Yêu cầu chủ đầu tư đang thi công công trình xây dựng có phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cán bộ nhân viên, người lao động, rút toàn bộ công nhân ra khỏi vùng nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất. Đặc biệt chú trọng các điểm sạt lở nguy cơ rất cao khu vực đồi núi dọc tuyến đường 71 từ Phong Xuân (Phong Điền) đi đến các công trình hồ thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Lin B2, A Lin B1.

Trong chiều 7/10, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tả Trạch vận hành điều tiết hồ Tả Trạch, cụ thể: Điều tiết qua cống tháo sâu và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 250-350m3/s, để hạ dần mực nước hồ về mực nước đón lũ thấp nhất +25m, đồng thời thường xuyên theo dõi mực nước trên sông Hương tại trạm Kim Long để điều chỉnh lưu lượng vận hành đảm bảo mực nước tại trạm Kim Long không vượt theo quy định. mức +1,7m.  

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh