CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:11

Ngư dân Quảng Trị sử dụng hiệu quả nguồn tiền bồi thường, hỗ trợ

 

Ngư dân Quảng Trị đến các điểm chi trả đề làm thủ tục và nhận tiền đền bù

Tỉnh Quảng Trị bắt đầu thực hiện tổ chức chi trả tiền đền bù của Formosa cho bà con ngư dân từ ngày 16/11. Hơn 250 ngư dân xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh là những người đầu tiên được nhận tiền đền bù, với tổng số tiền gần 12 tỷ đồng cho 257 đối tượng bị ảnh hưởng, trong đó có 106 chủ tàu thuyền và 151 lao động nghề biển.

Trong đợt chi trả này, tỉnh Quảng Trị đã duyệt chi 202,8 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ có mục đích cho các địa phương chi trả tiền bồi thường thiệt hại sau sự cố ô nhiễm môi trường biển.

UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trải qua hơn một tuần thực hiện, tổng số tiền đã chi trả là trên 200 tỷ đồng cho ngư dân tại 16 xã thị trấn trên địa bàn.

Được nhận tiền đền bù thiệt hại, đa số tâm lý người dân đều phấn khởi. Tại các điểm chi trả, ngay từ sáng sớm hoặc đầu giờ chiều, có rất đông người dân đến để được nhận tiền.

Ở đợt chi trả lần 1 này, ông Hoàng Thiện (thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh) được bồi thường 64 triệu đồng đối với chủ tàu thuyền có công suất dưới 36 CV. “Bà con rất phấn khởi, và quyết tâm làm lại nghề nghiệp thuyền bè máy móc để ra khơi đánh bắt... Nói chung tính toán của Nhà nước là tương đối sít sao, vừa đủ cho bà con sắm lại ngư lưới cụ máy móc thuyền bè”, ông Thiện vui mừng cho biết.

Nói là làm, ngoài dùng tiền nhận được để chi trả các khoản nợ trước đây, ông Thiện đã quyết định trích hơn 6 triệu đồng để mua máy thuyền mới 10CV thay cho chiếc máy cũ chỉ 5 CV trước đây mà gia đình ông vẫn thường dùng đi biển. Ông Thiện tâm sự, số tiền được bồi thường mặc dù không nhiều nhưng cũng đủ để cho gia đình ông cũng như  bà con vùng biển ổn định cuộc sống, từng bước khôi phục sản xuất...

Có thể nói rằng, tại Vĩnh Thạch, không chỉ riêng ông Thiện mà có nhiều bà con ngư dân khác sau khi nhận được tiền đền bù đã dành phần lớn số tiền có được để tiếp tục nghề bám nghề biển. Mặc dù chỉ khai thác ven bờ nhưng việc mua sắm ngư lưới cụ và đầu tư máy mới thì ngư dân ở đây có thể khai thác hải sản xa từ 10 đến 15 hải lý. Mới chưa đầy 1 tuần nhận tiền bồi thường nhưng bà con ở đây đã bắt đầu ổn định sản xuất bằng việc mua sắm ngư cụ để làm lại nghề biển hoặc đầu tư xây mới chuồng  trại để chăn nuôi gia cầm, gia súc…

Đây cũng là chính sách khuyến khích chung của tỉnh Quảng Trị đối với bà con bà con bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Được biết, ngay từ khi xẩy ra sự cố, Quảng Trị đã chủ động cử cán bộ về tận cơ sở để hướng  dẫn bà con chuyển đổi sinh kế, từng bước khắc phục khó khăn. Nhiều mô hình kinh tế mới đã bắt đầu phát huy hiệu quả .

Sau khi nhận được tiền đền bù, nhiều ngư dân đã đầu tư vào việc mua sắm ngư cụ cũng như đầu tư các mô hình kinh tế khác để ổn định sinh kế sau sự cố môi trường biển vừa qua.

Hiện tại ngoài số tiền bồi thường của Formosa, tỉnh Quảng Trị cũng đã trích ngân sách hỗ trợ mỗi xã 200 triệu đồng để chính quyền địa phương sử dụng vốn quay vòng hỗ trợ sinh kế đối với những hộ thực sự khó khăn... Đặc biệt, hiện người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường vừa qua đang được nhận những khoản tiền đền bù và sử dụng nguồn tiền này vào những việc làm hữu ích, trong đó sử dụng tiền đền bù vào công việc chuyển đổi sinh kế và trang bị phương tiện hiện đại vươn khơi để bám biển...

Ngoài ra, mới đây UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định tạm cấp kinh phí cho các địa phương hỗ trợ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Theo đó, UBND tỉnh trích từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ có mục đích số tiền hơn 909 triệu đồng tạm cấp cho hai huyện Vĩnh Linh (414.000.000 đồng) và huyện Hải Lăng (495.900.000 đồng)

Thảo Vi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh