Quảng Ninh: Trận mưa “lịch sử” làm 17 người chết, bị thương
- Tây Y
- 20:44 - 28/07/2015
Theo báo cáo tổng hợp nhanh về tình hình thiệt hại do mưa lớn từ UBND tỉnh Quảng Ninh, tính đến 8 giờ, ngày 28/7, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to, mưa rất to ở khu vực TP Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn. Mưa lớn kéo dài liên tục từ 22h đêm ngày 27/7 cho đến nay (hiện nay mưa vẫn rất to), lượng mưa ước tính trên 750mm.
Trước tình hình cực kỳ khẩn cấp của mưa lũ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về thiệt hại nặng nề của tỉnh Quảng Ninh và đề nghị Trung ương hỗ trợ về lực lượng.
Đã điện báo cáo Tư lệnh Quân khu 3, Tham mưu trưởng Quân khu 3 đề nghị tăng cường lực lượng quân đội, đưa xe lội nước cứu hộ, tiếp cận khu dân cư bị ngập nước.
Toàn bộ các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh theo sự phân công đang tập trung tại hiện trường và tiếp cận các khu dân cư bị ngập lụt để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ. Tỉnh đã tập trung toàn bộ lực lượng Công an, Quân đội, Y tế trên địa bàn để làm công tác cứu hộ, đang chờ lực lượng của Quân khu 3 và Bộ Tư lệnh Hải quân đến cứu hộ.
Hiện nay, toàn bộ TP Hạ Long, TP Cẩm Phả bị tê liệt hoàn toàn về giao thông. Các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hà Khánh, Hồng Hà, Hồng Hải, Yết Kiêu của TP Hạ Long và phường Quang Hanh của TP Cẩm Phả hiện đang bị ngập lụt và chia cắt hoàn toàn, nhiều khu dân cư nhà ngập đến mái.
Về thiệt hại:
*Tại TP Hạ Long:
Tính đến thời điểm này 10h00’, ngày 28/7, tại TP Hạ Long, mưa lụt đã làm 5 người thiệt mạng, 9 người bị thương, tất cả đều trú tại các phường Cao Thắng, Bãi Cháy, Hồng Hà.
- Sập đổ 6 nhà tại các phường Cao Thắng, Cao Xanh, Hồng Hải, Hồng Hà.
- Nhiều khu dân cư bị ngập lụt sâu (phường Cao Thắng, Hà Khánh, Hà Phong…) làm thiệt hại nhiều tài sản. UBND TP Hạ Long đã di chuyển các hộ dân đến các vị trí cao, an toàn.
*Tại TP Cẩm Phả:
Ngày 26/7, ở khu vực tổ 3, khu 9, phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) mưa lớn tạo thành lũ tràn vào nhà khiến 3 người thiệt mạng là 3 mẹ con trong một gia đình. Nạn nhân được xác định là: Chị Mai Thị Lan, (SN 1988) và các con Đỗ Ngọc Hà, (SN 2008); Đỗ Thùy Chi, (SN 2011).
Theo thông tin từ Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cẩm Phả cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc lúc này trong gia đình ông Đỗ Văn Nhiên có vợ và các con đang ngủ. Do mưa lớn, cùng với lũ cuốn dâng cao ập vào căn nhà cấp 4 rất nhanh khiến các nạn nhân không kịp trở tay.
Hiện thành phố Cẩm Phả đã di chuyển hàng trăm hộ dân bị ngập lụt sâu ở khu vực Quang Hanh đến nơi an toàn. Ngập lụt đã làm thiệt hại nhiều tài sản có giá trị của nhân dân, nhất là khu vực phường Quang Hanh. Hiện nay Thành phố đang tiếp cận khu vực này để tiếp tục cứu hộ.
* Tại huyện Vân Đồn:
-Khu vực 2 thôn đảo Bản Sen bị cô lập, hiện nước đang rút, nhân dân đã được cứu trợ lương thực, thực phẩm.
-Hồ Lòng Dinh đang thi công đã bị vỡ vai đập 30m, sâu 10m.
-Tại đảo Ngọc Vừng đã sạt lở bờ kè của hồ chứa nước dài khoảng 45m và đã thực hiện di chuyển 1 hộ dân ở vị trí nguy hiểm đến nơi an toàn.
*Tại huyện Cô Tô:
-Sạt lở tại 6 tuyến đường với chiều dài 200m và 2 tuyến kè bờ biển dài 25m (đã tạm khắc phục), gây ngập lụt 14ha lúa và hoa màu, 25 hộ dân bị ngập khoảng lụt, sập đổ 1 nhà cấp 4.
* Tại Đầm Hà: Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT -TKCN) huyện cho biết, địa bàn có mưa từ chiều 26/7 nhưng mưa nhỏ, không đáng kể. Từ chiều 27/7 mưa mới bắt đầu to hơn. Trên địa bàn tính đến 9h00 ngày 28/7 cơ bản không có úng ngập. Tại các xã vùng cao là Quảng An, Quảng Lâm xảy ra lũ nhỏ nhưng không gây thiệt hại gì đáng kể.
Được biết, từ năm 2014, Đầm Hà thực hiện di chuyển một số hộ gia đình sống khu vực nguy cơ sạt lở cao đến khu vực an toàn hơn. Mặc dù vậy, do mưa liên tục, kéo dài cũng phần nào ảnh hưởng tới sinh hoạt, đời sống của người dân.
Hiện một số diện tích lúa mới cấy trong huyện đã ngập nước nhưng lượng nước ngập chưa gây thiệt hại đến diện tích gieo cấy. Đối với một số khu vực nuôi trồng thủy sản, người dân đang thực hiện thu hoạch dần.
Thống kê sơ bộ, Đầm Hà chưa có thiệt hại lớn về người, tài sản. Huyện đang tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các xã, đặc biệt các xã vùng cao tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến mưa lũ.
* Tại Hải Hà: Nước sông đang lên khá cao, nhiều khu vực khả năng gây ra sạt lở. Lãnh đạo huyện đang tổ chức các đoàn kiểm tra tới các địa bàn xung yếu có nguy cơ sạt lở, úng ngập trong huyện.
Cụ thể, tại Hải Hà đã có mưa to đến rất to từ chiều ngày 26/7 và mưa liên tục cho tới thời điểm này. Nước sông dâng lên nhanh. Tại nhiều khu vực đập tràn đã ngập và không thể đi lại được.
Do mưa lớn kéo dài, sáng nay (28/7) Đại hội Đảng bộ huyện Hải Hà lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã tạm dừng làm việc để các cơ quan ban ngành đoàn thể của huyện tập trung giải quyết chống úng ngập.
Hiện, lãnh đạo huyện cùng các phòng, ban chuyên môn đã đi kiểm tra tại một số địa bàn xung yếu có nguy cơ úng ngập, sạt lở trong huyện. Trong đó, tập trung tại khu vực hồ chứa Trúc Bài Sơn; và 8 xã có đê là Quảng Thành, Quảng Minh, Quảng Điền, Quảng Phong, Tiến Tới, Phú Hải, Đường Hoa.
Đến 10h ngày 28/7, ở Hải Hà chỉ còn mưa nhẹ. Tuy nhiên, lượng nước trên sông vẫn rất cao. Thống kê sơ bộ huyện Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện, chưa có thiệt hại lớn về người và tài sản do mưa gây ra trên địa bàn huyện.
* Móng Cái: Trên địa từ ngày 26/7 đến nay có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được đến 6h00 sáng ngày 28/7 là 574mm.
Hiện tại Móng Cái đang có mưa to, lũ trên các sông ở mức bình thường. Trong đó, mực nước sông Ka Long hiện tại đang dâng cao, chỉ cách mặt đường đô thị 2,5 m, gió cấp 3.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố Móng Cái, tính đến thời điểm hiện tại, tình hình mưa lớn không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên mưa lớn trong những ngày qua đã khiến khoảng 600 ha lúa mùa mới gieo, cấy tại các khu vực trũng bị ngập úng. Tại Mốc 1346 + 300 (Mốc 13 cũ) phần hạ lưu tường kè và phần kênh bị đổ dài khoảng 35m.
Đến nay, một số đầm nuôi thủy sản ở vùng trũng nước ngập bờ đầm nuôi khoảng 100ha. Các đoạn kênh nổi của hệ thống kênh chính dẫn nước của hồ Tràng Vinh (đoạn qua Hải Yên) tuy đã mở hết các cống xả song hiện mực nước trong kênh gần bằng mặt kênh, nguy cơ không đảm bảo an toàn. Thành phố đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV thủy lợi Miền Đông Quảng Ninh khảo sát và có phương án điều tiết nước trên kênh đảm bảo an toàn.
Để đối phó với tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, ngay từ sáng 27/7, TP Móng Cái tổ chức họp chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp đối phó với tình hình mưa lũ. Các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban chỉ huy PCTT-TKCN thành phố trực tiếp xuống các xã, phường hướng dẫn, đôn đốc các xã triển khai các biện pháp cấp bách để phòng, chống mưa lũ.
Thành phố chỉ đạo các ngành chủ động lực lượng, phương tiện theo đúng nhiệm vụ được phân công để triển khai phương án, kế hoạch phòng chống mưa, lũ quét, sạt lở đất đá. Đồng thời sẵn sàng phương án di dân và tiến hành di dân khi có lệnh đối với các khu vực có nguy cơ ngập úng, lũ quét, sạt lở đất hoặc chủ động nếu thấy diễn biến xấu về thời tiết trên địa bàn.
* Ước tổng thiệt hại trên toàn tỉnh từ ngày 26/7 đến nay khoảng trên 500 tỷ đồng.