CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:59

Quảng Ngãi: Nơm nớp nỗi lo sạt lở mùa mưa lũ

 

                                                                 Sạt lở ở huyện Ba Tơ-ảnh: TTXVN

Đã có nhiều dự án, công trình kè chống sạt lở được đầu tư nhưng do địa hình phức tạp, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở tỉnh Quảng Ngãi ngày càng diễn biến phức tạp.

Nhiều năm nay, gần 100 hộ dân ở 3 thôn Nguyên, Băng và Cả, xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi luôn phải đối mặt với tình trạng sạt lở đồi núi. Ông Hồ Văn Nguyên ở thôn Nguyên xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng lo lắng, mỗi khi có mưa to, lũ lớn bà con trong thôn luôn thấp thỏm lo âu. Kinh phí hỗ trợ tái định cư thấp nên bà con chưa đủ điều kiện làm nhà ở mới.

Theo ông Hồ Văn Nguyên: Vướng mắc hiện nay là chính sách hỗ trợ theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ với mức hỗ trợ hơn 10 triệu đồng mỗi nhà từ năm 2007 đến giờ không còn phù hợp nữa, mong muốn sớm giải quyết để người dân đảm bảo làm nhà vững chắc hơn, để họ an cư lập nghiệp.

Ngoài 3 điểm sạt lở lớn ở xã Trà Hiệp, trên địa bàn huyện Trà Bồng còn nhiều điểm sạt lở khác ở các xã Trà Sơn, Trà Giang... Trước thực trạng này, huyện Trà Bồng đã triển khai xây dựng các khu tái định cư Tà Pót - Tà Két,  khu tái định tập trung thôn Băng... để di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở núi. Thế nhưng, do nhiều bất cập trong việc triển khai thi công, hiện các khu tái định cư này vẫn còn dang dở.

Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho hay, mùa mưa bão năm nay, tại những khu tái định cư đã bàn giao mặt bằng, huyện yêu cầu người dân di dời khỏi nơi ở cũ đến làm công trình phụ ở tạm, sau đó sẽ xây dựng nhà kiên cố.

Ông Trần Văn Sương nói: “Những điểm tái định cư chưa thực hiện được, chưa hoàn thành mặt bằng để bàn giao, hiện nay chúng tôi chỉ đạo phương án làm nhà bạt và nhà tạm. Một số người dân theo danh sách cụ thể, trong mưa bão phải di dời đến những công trình kiên cố nơi gần nhất hoặc nhà dân kiên cố nơi gần nhất. Nói chung phương án này vừa rồi huyện đi kiểm tra, các địa phương chuẩn bị phương án này khá tốt”.

                                                  Sạt lở tại xã Bình Hải-huyện Bình Sơn-ảnh: Đông Hải.

Ngoài các huyện miền núi, tỉnh Quảng Ngãi hiện còn gần 130 điểm sạt lở bờ sông, ven biển với tổng chiều dài hơn 160 km, tập trung chủ yếu ở các huyện Trà Bồng, Trà Khúc, Sông Vệ và Trà Câu. Đặc trưng địa hình sông ngòi ở tỉnh Quảng Ngãi có chiều dài ngắn, độ dốc lớn, lòng sông cạn và hẹp nên vào mùa mưa, dòng chảy có cường độ mạnh, gây lũ lớn, làm cho bờ sông, bờ biển bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, để đảm bảo an toàn cho công trình cũng như các hộ dân, trước mùa mưa bão năm nay, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương kiểm tra, khắc phục, gia cố các tuyến kè ven sông, lập phương án phòng chống lụt bão, trong đó đặc biệt chú ý đến những vùng xung yếu có nguy cơ sạt lở lớn.

“Về lâu dài, chúng tôi đã lập các dự án để tranh thủ các nguồn lực, vốn ODA, WB để khắc phục các đoạn sạt lở. Các năm qua, tỉnh cũng đã đầu tư một phần nhưng cần phải tranh thủ khắc phục để làm sao trong mùa mưa lũ, hiện tượng sạt lở trên các dòng sông sẽ được hạn chế dần. Đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của nhân dân” – ông Tô nói.

Để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, ven biển, tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ gần 1.700 tỷ đồng tiếp tục đầu tư các công trình kè chống sạt lở ven sông, ven biển... nhằm đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Đông Hải/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh