THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:12

Quảng Ngãi: Long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 504 đồng bào Sơn Mỹ bị sát hại

 

Đến dự Lễ tưởng niệm có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình;  nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân… cùng lãnh đạo HĐND, UBND, đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ngãi.

Ngoài ra, tham dự buổi lễ còn có sự hiện diện các tổ chức xã hội khác như: bà Trương Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hòa bình Mỹ Lai; ông Roy Mike Boehm, Chủ tịch tổ chức Madison Quakers; ông John McAuliff, Giám đốc điều hành Quỹ Hòa giải và phát triển Mỹ;… cùng người dân Sơn Mỹ và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế.

 

Trước tượng đài tại khu Chứng tích Sơn Mỹ. 

 

Đọc diễn văn tại lễ tưởng niệm, ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, cách đây 50 năm (ngày 16/3/1968 - 16/3/2018) quân đội viễn chinh Mỹ đã xả súng xuống thôn Mỹ Lai (xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi), sát hại 504 thường dân vô tội, trong đó có phụ nữ, trẻ em, người già, cùng với hàng trăm ngôi nhà, gia súc, lương thực bị đốt sạch, giết sạch.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dâng hương tại đài tưởng niệm 504 người dân làng Sơn Mỹ. 

 

Lễ tưởng niệm 50 năm Ngày 504 thường dân Sơn Mỹ bị thảm sát là dịp nhìn lại những đau thương, mất mát trong chiến tranh; đồng thời kêu gọi mọi người yêu chuộng hòa bình, góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đừng để xảy ra những trường hợp tương tự như Sơn Mỹ ở trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, cũng góp phần nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Khu Chứng tích Sơn Mỹ.

Ông Trần Nam (56 tuổi), trú xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi nói: “Gia đình tôi có 11 người chết trong vụ thảm sát 504 thường dân vô tội Sơn Mỹ. Hôm nay, tôi nén đau thương, mất mát để hướng đến một cuộc sống bình yên và muốn thế giới sống trong hòa bình không còn xảy ra chiến tranh nữa để không còn phải chứng kiến những vụ thảm sát thương tâm năm nào như ở Sơn Mỹ”.

Trải qua hơn 50 năm, xã Tịnh Khê đã từng bước có những thay đổi, nhiều công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, kinh tế đang được xây dựng như: đường Dung Quất-Mỹ Khê, đường bờ Đông sông Kinh, đường ven biển Khu du lịch Mỹ Khê,…

Tại buổi lễ, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã trao quyết định thành lập Quỹ Hòa bình Mỹ Lai và công bố dự án Công viên Hòa bình Mỹ Lai đến người dân trong và ngoài nước.

 

 Các em học sinh trường Tiểu học Sơn Mỹ dâng hương tại đài tưởng niệm

 

Thảm sát Mỹ Lai hay thảm sát Sơn Mỹ là một tội ác chiến tranh của Lục quân Hoa Kỳ gây ra trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Trong tiếng Anh, vụ thảm sát này có tên My Lai Massacre, Son My Massacre hoặc Pinkville, trong đó Pinkville (Làng Hồng) là tên địa danh của quân đội Hoa Kỳ đặt cho khu vực Mỹ Lai.

Vào ngày 16/3/1968 tại khu vực thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, các đơn vị lính Lục quân Hoa Kỳ đã thảm sát hàng loạt 504 dân thường không có vũ khí, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Trước khi bị sát hại, nhiều người trong số các nạn nhân còn bị cưỡng bức, quấy rối, tra tấn, đánh đập hoặc cắt xẻo các bộ phận trên cơ thể. Sự kiện thảm khốc này đã gây sốc cho dư luận Mỹ, Việt Nam và thế giới, hâm nóng phong trào phản chiến và là một trong các nguyên nhân dẫn tới sự triệt thoái của quân đội Mỹ khỏi Việt Nam năm 1972.

Vụ thảm sát đã bị che giấu, trong báo cáo của quân đội Mỹ ghi rằng họ đã ''tiêu diệt 128 binh lính kẻ thù mà không chịu bất cứ thương vong nào''. Cho tới cuối năm 1969, vụ việc mới bị phát hiện. Tuy nhiên, tòa án Mỹ đã không kết tội bất cứ sĩ quan hay binh lính Hoa Kỳ nào sau vụ thảm sát này, ngoại trừ một chỉ huy cấp trung đội là William Calley bị tuyên án chung thân, nhưng chỉ 1 ngày sau, Tổng thống Mỹ ra lệnh ân xá và Calley chỉ phải chịu quản thúc tại gia 3 năm rưỡi.

 

 

Đông Hải

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh