Quảng Ngãi: Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đã tái phát
- Sức khỏe
- 23:59 - 12/01/2018
Thông tin tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: sau hơn 3 năm tạm lắng, Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đã tái phát tại một số xã của huyện vùng cao Ba Tơ.
Theo thống kê, từ đầu tháng 12/2017 đến nay đã có 7 trường hợp được xác định mắc Hội chứng viêm da dày sừng. Bên cạnh đó có 3 trường hợp khác vẫn đang tiếp tục được theo dõi các biểu hiện lâm sàng.
Về trường hợp bệnh nhân Phạm Văn Quy (sinh năm 2004, thôn Tà Noát, xã Ba Ngạc) tử vong với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng hiện vẫn chưa thể kết luận có phải do mắc Hội chứng viêm da dày sừng hay không. Đối với trường hợp này, Sở Y tế Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cung cấp thông tin chính xác nguyên nhân gây tử vong.
Một bệnh nhân mắc Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đang điều trị tại BVĐK tỉnh Quảng Ngãi.
Theo ông Nguyễn Tấn Đức, ngay sau khi phát hiện các ca bệnh mới vào cuối năm 2017, ngành Y tế đã triển khai thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp gồm tiến hành vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân ăn uống vệ sinh, đúng cách; nâng cao thể trạng cho người dân ở vùng có bệnh bằng cách bổ sung vi chất, hướng dẫn người dân không ăn gạo mốc và tiến hành khám sàng lọc để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị sớm.
Thông tin thêm tại buổi họp báo, bà Đặng Thị Phượng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, cho biết: những trường hợp được xác định mắc Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại huyện Ba Tơ đều có chỉ số men gan tăng cao hơn bình thường từ 2 - 3 lần, có trường hợp tăng trên 5 lần.
Một số trường hợp mắc Hội chứng sau một thời gian điều trị đã xuất viện, tuy nhiên sức khỏe vẫn chưa ổn định, người bệnh vẫn còn cảm thấy mệt mỏi, sức khỏe kém. Tuy nhiên, việc vận động người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị rất khó khăn.
"Chúng tôi luôn phải động viên người bệnh ở lại bệnh viện để được chăm sóc, điều trị đúng phác đồ. Tuy nhiên, thời gian điều trị thường kéo dài nên người bệnh yêu cầu được về nhà. Khó khăn này xuất phát từ thói quen, tập quán của người đồng bào vùng cao. Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi, hỗ trợ những trường hợp này", bà Phượng thông tin.