THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:47

Quảng Ngãi: Đón em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo

Đó là trường hợp của vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Cương, 40 tuổi, ở huyện Mộ Đức. Vợ chồng chị Cương đã kết hôn được một thời gian và có một con gái, sau đó 10 năm ròng 2 vợ chồng không thể sinh thêm. Anh chị đã đi thăm khám ở nhiều bệnh viện lớn trong nước và được chẩn đoán hiếm muộn không rõ nguyên nhân.

Năm 2019, vô tình đọc được giới thiệu trên mạng về điều trị hiếm muộn tại bệnh viện tỉnh nhà nên vợ chồng tìm đến với hy vọng “còn nước còn tát”.

Trong một tháng điều trị cho vợ chồng chị Cương, các bác sĩ của Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh đã theo dõi chặt chẽ chu trình rụng trứng và tiến hành hỗ trợ bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI).

Rất may mắn vì chỉ cần một lần bơm vào tháng 10, chị Cương đã đậu thai. Trải qua 38 tuần thai nghén, bằng phương pháp sinh mổ, trưa 25.6, chị Cương đã sinh 1 bé trai nặng 3,4 kg. Hiện tình trạng sức khỏe của hai mẹ con sản phụ đều tốt.

Chị Cương không giấu được hạnh phúc khi đón con chào đời sau 10 năm chờ đợi, chị chia sẻ: “2 vợ chồng đi khắp nơi tưởng hết hy vọng nhưng rồi ngay tại quê hương lại may mắn có được con. Lúc mới đậu thai, lo lắng từng ngày cứ sợ lỡ con bị sao nên kiểm tra thai kỳ từng tuần, gọi hỏi bác sĩ mãi. Bác sĩ rất nhiệt tình trong cả chặng đường điều trị và mang thai nên giờ con chào đời mình rất biết ơn các y, bác sĩ Khoa hiếm muộn”.

Khoa Hiếm muộn- Bệnh viện Sản Nhi tỉnh chính thức bắt đầu hoạt động vào giữa tháng 3.2019 sau khi có một khoảng thời gian dài học hỏi và chuyển giao công nghệ từ Bệnh viện Từ Dũ TP.Hồ Chí Minh.

Quảng Ngãi: Đón em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo - Ảnh 1.

Lãnh đạo Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Quảng Ngãi thăm mẹ và em bé

Hiện đã triển khai được nhiều kỹ thuật khó trong điều trị hiếm muộn nam và nữ, như: Bơm tinh trùng vào buồng tử cung, xét nghiệm nội tiết sinh sản nam nữ; kích trứng, lọc rửa tinh trùng, xét nghiệm tinh dịch đồ… 

Phụ trách Khoa Hiếm muộn- Bác sĩ Đoàn Tấn Lĩnh, cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, Khoa Hiếm muộn đã thực hiện 10 ca thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp IUI, trong đó có 2 trường hợp đậu thai. Ngoài ra, có 8 ca kích trứng thành công, bệnh nhân có thai ngay sau đó. Sắp tới, khoa sẽ tiếp tục thực hiện IUI cho 10 trường hợp hiếm muộn cả cũ và mới được theo dõi gần đây”.

Ca thụ tinh nhân tạo đầu tiên thành công tại Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh không chỉ mang lại niềm hạnh phúc cho gia đình người bệnh, là tín hiệu đáng mừng cho những cặp vợ chồng bị vô sinh hiếm muộn ngay tại tỉnh nhà, mà đây còn được coi là bước tiến để chinh phục các kỹ thuật cao hơn trong điều trị vô sinh, hiếm muộn.

Giám đốc Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh Nguyễn Đình Tuyến chia sẻ: “Ngoài việc tiếp tục thực hiện và nâng cao kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Trong năm 2021-2022 bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai đề án thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Đây là một kỹ thuật cao nhất trong điều trị hiếm muộn mà nhiều bệnh viện lớn trong nước đang thực hiện cho bệnh nhân, với mục tiêu đem đến thật nhiều cơ hội hơn cho các vợ chồng hiếm muộn”.

HOÀNG NGÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh