THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:50

Quảng Ngãi: Dạy nghề, tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo

Trước đây, gia đình anh Đinh Văn Hùng, xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây là hộ nghèo, cả hai vợ chồng không có việc làm, hằng ngày anh chị đi làm thuê làm mướn. Năm 2022, anh Hùng được tham gia lớp học nghề về Kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm do Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Sơn Tây tổ chức. Đồng thời, anh được hỗ trợ hai con bò cái sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ được học nghề nên anh Hùng biết cách chăm sóc, phòng bệnh cho bò, nên bò sinh trưởng phát triển tốt. Tháng 5, 6/2023, 2 con bò đã sinh ra 2 con bê con. Có được thành công này đã giúp anh Hùng mạnh dạn vay vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Sơn Tây để mua thêm hai con bò cái với mong muốn phát triển kinh tế gia đình. Anh Hùng cho biết: “Trước đây tôi không bao giờ dám nghĩ mình sẽ tự biết cách tiêm phòng bệnh, cho bò uống thuốc hay nhìn một số triệu chứng của bò để đoán được bệnh của nó. Nhưng từ ngày được học nghề, không những biết cách chăm sóc mà tôi còn biết cách phòng bệnh cho bò. Đến nay, dù chưa có bò bán, nhưng thấy đàn bò tăng lên là tôi biết mình sẽ thành công”, anh Hùng cho hay.

Xác định công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần giảm nghèo tại địa phương, huyện Sơn Tây đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp. Từ năm 2022 đến tháng 10/2023, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Sơn Tây đã tổ chức 25 lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm; 6 lớp sửa chữa máy nông nghiệp cho khoảng 600 lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Khi tham gia các lớp học, học viên được đào tạo theo phương châm, cầm tay chỉ việc nên nhanh chóng tiếp thu kiến thức và áp dụng vào thực tế. Trưởng phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện Sơn Tây Phạm Đại Quang, cho biết: Hàng năm, phòng phối hợp với ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, rà soát số lượng lao động, tìm hiểu về nhu cầu học nghề của người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của các công ty, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của tỉnh nhằm tạo điều kiện để người lao động, các hộ nghèo có việc làm ổn định, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Còn bà Nguyễn Thị Diêu, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức lại chọn học nghề Kỹ thuật pha chế đồ uống do Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Trường cao đẳng Công thương thành phố Hồ Chí Minh cơ sở Quảng Ngãi tổ chức. Sau khi hoàn thành khóa học, bà Diêu được Hội liên hiệp phụ nữ huyện Mộ Đức hỗ trợ một máy ép nước mía nên bà đã sắm thêm một số vật dụng để bán nước mía. Bà Diêu, cho biết: Bản thân bà ở một mình, không có việc làm, trước đây ai thuê gì thì làm đó, nhưng nay tuổi đã cao, sức khỏe yếu nên thu nhập không ổn định. Từ ngày được học nghề, được tặng máy ép nước mía thì bà không còn đi làm thuê mà ở nhà bán nước mía và một số đồ lặt vặt. “Hằng ngày ngoài bán cho người đi đường thì tôi tranh thủ ép nước mía mang ra chợ bán dạo. Ngày nắng thì bán mỗi ngày hơn 1100 ly, nhưng ngày mưa thì ít hơn. Do đó, để cải thiện thu nhập thì tôi dự định sẽ nấu xôi bán ăn sáng, vì làm cái này cần ít vốn và phù hợp với nhu cầu người lao động và các cháu nhỏ”, bà Diêu nói.

Bà Nguyễn Thị Diêu, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức lại chọn học nghề Kỹ thuật pha chế đồ uống.

Bà Nguyễn Thị Diêu, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức lại chọn học nghề Kỹ thuật pha chế đồ uống.

Từ năm 2022 đến nay huyện Mộ Đức đã mở 3 lớp  đào tạo nghề về chăn nuôi thú y, kỹ thuật pha chế đồ uống và chế biến món ăn với gần một trăm lao động thuộc hộ nghèo hộ cận nghèo hộ mới thoát nghèo và lao động có thu nhập thấp đăng ký tham gia. Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mộ Đức Lê Tấn Tiến, cho biết: Bên cạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huyện còn quan tâm hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo...vay vốn tín dụng ưu đãi và hỗ trợ định hướng chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, nhiều học viên sau khi học nghề đã áp dụng vào thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống ngày càng được nâng cao, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm dần theo từng năm. “Nếu đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Mộ Đức là 6,2%, thì đến cuối năm 2022 giảm còn 5,2%. Huyện Mộ Đức phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm còn 4,7%. Thời gian tới Phòng sẽ tập trung đào tạo nghề theo nhu cầu của người học, ngoài duy trì nghề truyền thống thì địa phương cũng mạnh dạn tìm nghề mới để tạo việc làm tăng thu nhập cho lao động, góp phần tích cực trong giảm nghèo ở địa phương”, ông Tiến cho biết.

Những kết quả trong công tác đào tạo nghề cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Người dân tự tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Trong trong thời gian đến các địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục mở các lớp dạy nghề gắn với nhu cầu thực tế ở địa phương, phấn đấu đến năm 2025, 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo kỹ năng nghề phù hợp. Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đối, cho biết: Năm 2023, Sở có kế hoạch dạy nghề cho khoảng 10.000 lao động, chủ yếu là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và người đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện đạt và vượt kế hoạch thì ngay từ đầu năm Sở đã giao chỉ tiêu cụ thể cho Phòng Lao động, Thương binh và xã hội các huyện, thị xã, thành phố. Dạy nghề cho lao động nông thôn đã giúp người dân được tiếp cận những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng giá trị hàng hoá trên một đơn vị diện tích. Đa số học viên sau khi học nghề đã tìm kiếm được việc làm mới hoặc tự tổ chức sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề. Cùng với việc lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, sau đào tạo đã có hàng ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, ổn định đời sống vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Lớp sửa chữa máy nông nghiệp cho khoảng 600 lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo

Lớp sửa chữa máy nông nghiệp cho khoảng 600 lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo

“Thời gian tới, Sở tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ. Tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề, xây dựng các mô hình dạy nghề phù hợp điều kiện địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu của xã hội và thị trường lao động. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả gắn kết giữa công tác đào tạo nghề và nhu cầu của các doanh nghiệp. Đồng thời, kết hợp giải quyết việc làm, đưa lao động đi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài”, ông Đối nhấn mạnh.

HOÀNG NAM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh