THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:45

Quảng Ngãi: Bơ Tơ phát huy tiềm năng từ "mỏ vàng xanh"

Từ trồng rừng!

Trước khi chuẩn nghèo mới đa chiều được áp dụng, có thời điểm tỷ lệ hộ nghèo ở Ba Tơ đã giảm xuống mức 13,7%. Sau khi chuẩn nghèo đa chiều mới được áp dụng, tỷ lệ hộ nghèo tăng lên là 29,55%. Nhưng đây vẫn là con số rất ấn tượng so với 5 huyện miền núi còn lại của tỉnh Quảng Ngãi về tỷ lệ hộ nghèo. Vậy đâu là nguyên nhân để Ba Tơ đạt được những kết quả này.

Đầu tiên có lẽ phải nói về vị trí địa lý tự nhiên của huyện Ba Tơ được bao bọc bởi rừng. Rừng ở Ba Tơ trong những năm qua đã được chuyển đổi sang mô hình tập trung trồng cây keo. Ba Tơ cũng là huyện có diện tích trồng keo lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Chính từ cây keo đã mang cho Ba Tơ những bước đột phá lớn về kinh tế, thay đổi diện mạo cho đời sống của người dân rất nhiều.

85% diện tích của huyện Ba Tơ là rừng!.

85% diện tích của huyện Ba Tơ là rừng!.

Ông Phạm Xuân Vinh - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: “ Trong những năm qua, Ba Tơ đã hiện thức hóa nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội thông qua các nghị quyết và dự án cụ thể. Trong đó chú trọng đến phát triển kinh tế từ rừng. Là bởi rừng đóng vai trò chủ đạo, là mũi nhọn kinh tế, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần đẩy nhanh tiến trình giảm nghèo bền vững”.

“Tuy nhiên, về lâu dài để giá trị kinh tế từ rừng được nâng tầm, huyện đã chủ động kêu gọi đầu tư, từ khâu trồng rừng, chế biến, khai thác với qui mô lớn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình này nhằm từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm từ rừng ở Ba Tơ. Nếu như trước đây, rừng trồng ở Ba Tơ chỉ 5 năm là khai thác thì bây giờ câu chuyện này đã khác. Huyện đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp đang đầu tư tại huyện phối hợp với bà con nông dân, ký hợp đồng cung ứng cây giống, phân bón, chi phí sản xuất để giữ vòng đời của cây keo nâng lên 8-9 năm. Cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá thị trường vào thời điểm khai thác. Nếu như cây keo được khai thác từ 8-9 năm tuổi thì giá trị thương phẩm rất cao. Các sản phẩm khi sản xuất từ cây keo ở độ tuổi này sẽ có giá trị cạnh tranh tốt phục vụ cho xuất khẩu”, ông Phạm Xuân Vinh đúc kết.

Ông Phạm Xuân Vinh-Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ

Ông Phạm Xuân Vinh-Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ

Được biết, hiện nay ngoài Cụm công nghiệp Ba Động đã thu hút được 1 số doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực, giải quyết tốt 1 lượng lao động trên địa bàn huyện thì Cụm công nghiệp Ba Dinh sắp được hình thành trên diện tích 18 ha với số vốn đầu tư trên 250 tỷ đồng đang được kỳ vọng sẽ là hạt nhân, tạo đòn bẩy cho kinh tế rừng ở Ba Tơ phát triển. “Hiện có 2 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào Cụm công nghiệp Ba Dinh mà chủ lực là Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Hợp Nghĩa. Các doanh nghiệp này sẽ xây dựng các nhà máy sản xuất viên nén, các sản phẩm nội thất xuất khẩu với nguyên liệu chính là gỗ keo ở rừng Ba Tơ. Ngoài việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm thiểu ô nhiễm cho môi trường, các doanh nghiệp này cũng cam kết giải quyết việc làm cho từ 300-500 lao động là người địa phương trong giai đoạn đầu”, ông Phạm Xuân Vinh thông tin thêm.

Đến xuất khẩu lao động

Nếu như công tác giảm nghèo trong những năm qua ở Ba Tơ đạt được những kết quả rất đáng khích lệ từ những tiềm năng sẵn có của địa phương thì công tác dạy nghề, giải quyết việc làm và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng có những chuyển biến tích cực.

Câu chuyện của chàng thanh niên Phạm Văn Khương ở thôn Trường An xã Ba Thành là một ví dụ. Tự tìm tòi, học hỏi rồi đăng ký thi dự tuyển nghiên cứu sinh tại Nhật. Với Khương quá trình làm thủ tục xuất cảnh cũng rất gian nan, từ khâu vay vốn, học ngoại ngữ, đều tự mình em làm, đến ngày nhận giấy lên đường xuất cảnh đi làm việc, mọi người trong thôn mới biết. Sau 3 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản, Khương đã có 1 số vốn kha khá “giắt lưng” để phụ giúp gia đình, ổn định cuộc sống. Chị Phạm Thị Minh Đôi-Chủ tịch UBND xã Ba Thành chia sẻ: “Trước khi đi làm việc ở nước ngoài, gia đình em Khương thuộc diện hộ nghèo, ngay tháng đầu tiên đi làm em đã gửi về cho gia đình 30 triệu đồng. Sau khoảng 6 tháng Khương đi làm, từ tiền con gửi về gia đình Khương đã tiến hành đầu tư chuồng trại chăn nuôi heo ky, gà vịt. Sau 1 năm, gia đình Khương đã trả hết tiền vay của ngân hàng. Sau 3 năm lao động tại Nhật Bản trở về, Khương đã xây dựng căn nhà khang trang cho ba mẹ, ổn định kinh tế cho gia đình, em lại tiếp tục gia hạn và sang Nhật Bản làm việc thêm 1 năm nữa. Hiện tại, Khương đang xây dựng 1 nông trại cho gia đình và dự định sang năm 2024 sẽ tiếp tục đăng ký sang Nhật Bản làm việc tùy theo điều kiện được gia hạn”.

Các học viên con em đồng bào miền núi dự khóa đào tạo, kỹ năng, tiếng Nhật tham gia chương trình thực tập sinh kỹ năng Nhật Bản do nghiệp đoàn IHD tổ chức.

Các học viên con em đồng bào miền núi dự khóa đào tạo, kỹ năng, tiếng Nhật tham gia chương trình thực tập sinh kỹ năng Nhật Bản do nghiệp đoàn IHD tổ chức.

Nếu như những năm trước, việc giới thiệu các chương trình đi làm ở nước ngoài thường thông qua các kênh truyền thông đại chúng, các sàn giao dịch việc làm thì 1 vài năm trở lại đây huyện Ba Tơ đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm sốc lại chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài sau thời gian đại dịch Covid 19 hoành hành với phương “đến từng ngõ, gõ từng nhà”. Chị Phạm Thị Minh Đôi cho biết: “Tất cả các cuộc họp của xã đều được lồng ghép nhiều nội dung trong đó luôn nhấn mạnh việc vận động, tuyên truyền về chính sách học nghề, giải quyết việc làm và đưa người đi làm việc ở nước cho các hội đoàn thể cùng tham gia, nhất là các cấp ủy đảng phải đóng vai trò nòng cốt”.

Anh Phạm Văn Trờ-Bí thư Chi bộ thôn Trường An là một nhân chứng về vai trò của các cấp ủy đảng trong công tác vận động, tuyền truyền cho bà con về chương trình đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ những lần vận động con em trong thôn bản, anh Trờ cũng “tự cảm hóa mình” và quyết định đăng ký tham gia chương trình học ngoại ngữ và thi tuyển đi làm việc ở Nhật Bản. Không biết vì cảm kích nghị lực vươn lên của em Phạm Văn Khương hay nhìn thấy những thành quả sau bao năm lao động ở nước ngoài mà Khương đã tạo dựng được khiến anh Trờ quyết tâm đi Nhật Bản cho bằng được mặc dù đã 2 lần thi rớt.  

Xã Ba Thành-nơi những hạt nhân như anh Phạm Văn Khương, Phạm Văn Trờ đang sinh sống.

Xã Ba Thành-nơi những hạt nhân như anh Phạm Văn Khương, Phạm Văn Trờ đang sinh sống.

Và điều kỳ diệu đã đến khi đích thân ông Masahiro Kobayashi - Chủ tịch Nghiệp đoàn IHD Nhật Bản phỏng vấn trực tiếp anh Trờ khi biết anh đã 2 lần thi không đậu. Sau khi hỏi về việc tại sao đang là cán bộ ở quê nhà nhưng anh vẫn muốn sang Nhật Bản làm việc, anh Trờ đã trả lời rằng anh vẫn còn trẻ, vẫn muốn thử sức mình ở những môi trường làm việc khác biệt. Đó không chỉ là cách để anh thoát nghèo hoặc làm giàu mà điều cốt lỗi nhất là tạo cho mình những thói quen tốt hơn trong cuộc việc, học tập những điều tốt hơn để góp phần xây dựng quê hương sau này. Và từ cuộc gặp gỡ duyên nợ với ông chủ Nghiệp đoàn IHD, tháng 10/2023 này, anh Trờ sẽ chính thức lên đường sang Nhật Bản học tập và làm việc.  

Em Phạm Văn Tống, trú tại xã Ba Ngạc là một trong học sinh đang theo học lớp ngoại ngữ 6 tháng tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: Khi biết Nghiệp đoàn IHD Nhật Bản sang tuyển dụng lao động đi làm việc là em đăng ký ngay, vì trong 6 tháng học tiếng Nhật chúng em được miễn phí ăn, ở, tiền học phí, tiền lệ phí đi Nhật Bản làm việc trong 5 năm chỉ 60 triệu đồng, rẻ hơn 1 nửa so với trước đây và mức lương trung bình được trả từ 30 triệu đồng trở lên.

Công cuộc giảm nghèo và tăng tốc phát triển ở Ba Tơ vẫn còn đó những gian nan, thử thách ở phía trước. Nhưng bằng những quyết sách kịp thời, tầm nhìn sâu rộng và sự đồng lòng từ các cấp chính quyền. Hy vọng trong tương lai không xa nữa, Ba Tơ sẽ tạo ra những điểm nhấn từ những cánh rừng bạt ngàn màu xanh.

ĐÔNG HẢI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh