THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:45

Quảng Ngãi: Bệnh viện tắc trách, một sản phụ tử vong?

Theo hồ sơ bệnh án, sản phụ Bùi Thị Hiệp nhập viện lúc 23g57 ngày 20/5 trong tình trạng chuyển dạ. Sau khi nhập viện, sản phụ Hiệp được bác sĩ trực khoa sản khám, chẩn đoán thai con so, 37 tuần và cho làm các xét nghiệm.

Rối loạn chức năng đông máu

Đến 2g ngày 21/5, kết quả xét nghiệm cho thấy sản phụ Hiệp bị rối loạn đông máu, men gan tăng gấp 4 lần so với bình thường, bạch cầu tăng cao và nhiễm trùng cục bộ do có apxe bên ngực trái.

Đến 6g ngày 21/5, sản phụ Hiệp sinh một bé trai nặng 3kg, sống khỏe, sổ nhau ra máu nhiều và được tiếp tục theo dõi ở phòng sinh.

Tuy nhiên đến 6g30, bệnh nhân có dấu hiệu đờ tử cung hậu sản giờ 1, đã xử lý bằng thuốc. Đến 7g30, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn chức năng đông máu/hậu sản khó giờ 2. Âm đạo, tầng sinh môn không chảy máu. Các bác sĩ đã cho truyền máu vì bệnh nhân mắc rối loạn đông máu trước sinh.

Đến 8g30, sản phụ có dấu hiệu xuất huyết dưới da. 13g, sản phụ Hiệp da xanh, mạch và huyết áp thay đổi. Đến 14g30, sản phụ có dấu hiệu bị sốc, được chuyển đến khoa hồi sức tích cực chống độc và được điều trị tích cực trong tình trạng suy đa phủ tạng. Đến 15g, sản phụ hôn mê sâu, bụng trương phình, mạch, huyết áp không đo được.

Trong hai ngày 21 và 22/5 nằm điều trị tại khoa hồi sức tích cực chống độc, sản phụ Hiệp được xử trí truyền hồng cầu khối, plasma tươi, máu tươi toàn phần, tiểu cầu khối cùng nhóm… Tuy nhiên, tiên lượng bệnh rất nặng đe dọa tử vong, phải thở máy. Đến trưa 23-5, sản phụ Hiệp tử vong.

Anh Phạm Hoài Thương (26 tuổi, chồng sản phụ Hiệp) cho rằng bệnh viện đã không kịp thời thông báo tình hình sức khỏe của chị Hiệp cho gia đình biết.

“Sau khi vợ tôi sinh, bác sĩ có thông báo về tình trạng rối loạn khả năng đông máu. Còn trước đó hoàn toàn không thông báo bệnh tật sức khỏe của vợ tôi. Đến khoảng 9g một nhân viên bệnh viện thông báo cho gia đình tôi đi mua cháo cho sản phụ.

Tôi có xin vào gặp vợ con vì thấy mấy sản phụ sinh cùng thời gian đã được gặp người thân nhưng họ bảo chưa được. Đến khoảng 14g thì họ thông báo vợ tôi rất yếu, gia đình vận động người thân chuẩn bị truyền máu, lúc này tôi mới được vào gặp thì vợ tôi đã rất yếu, nói được mấy lời thì hôn mê và chuyển xuống phòng hồi sức tích cực chống độc điều trị.

Vợ tôi nằm đó mà không có tiến triển gì cho đến khi mất. Tại sao họ không cho gia đình tôi biết tình trạng của vợ tôi từ khi xét nghiệm và theo dõi sát tình hình mà để đến khi mọi chuyện đã rồi mới thông báo”, anh Thương bức xúc.

Không theo dõi liên tục bệnh tình

Sáng 23/5, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Tuấn, phó trưởng phòng điều hành chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi để cùng hội chẩn về trường hợp của sản phụ Bùi Thị Hiệp.

Sau khi xem xét chi tiết hồ sơ bệnh án của bệnh nhân từ khi vào viện, bác sĩ Tuấn cho rằng giai đoạn đầu của ca sản phụ Hiệp từ khi vừa sinh xong, có dấu hiệu hậu sản khó đã được các bác sĩ trực khoa sản xử lý đúng quy trình.

“Tuy nhiên, lúc 2g sáng khi có kết quả xét nghiệm bệnh nhân bị rối loạn đông máu, bác sĩ phải có trách nhiệm thông báo và tư vấn cho người nhà được rõ. Đồng thời, mời bác sĩ chuyên khoa huyết học cùng hội chẩn, xử lý trước khi sản phụ sinh.

Đối với trường hợp của sản phụ Hiệp, do ngay từ đầu không được tư vấn, thông báo cụ thể nên người nhà bệnh nhân đã có phản ứng bức xúc. Vì họ chỉ biết sản phụ khỏe mạnh khi nhập viện và không có lý do gì lại bị nặng, hôn mê chỉ sau vài giờ”, bác sĩ Tuấn nhận định.

Cùng với đó, bác sĩ Tuấn cho rằng với những ca bệnh nặng trong sinh sản như rối loạn chức năng đông máu, các bác sĩ phải liên tục theo dõi sát tình hình diễn biến của sản phụ, bởi việc chảy máu trong rất khó kiểm soát bệnh tình có thể chuyển biến xấu nhanh chóng.

Sau khi xem hồ sơ bệnh án, bác sĩ Tuấn cho rằng các bác sĩ đã không theo dõi kịp thời tình hình sức khỏe của sản phụ Hiệp, dẫn đến việc không làm chủ được tình hình. Đến khi phát hiện thì đã chuyển biến xấu. 

Theo bác sĩ Tuấn, thông thường những sản phụ bị rối loạn đông máu, sau khi sinh các bác sĩ phải liên tục theo dõi, 30 phút phải ghi nhận một lần và thông báo với người nhà bệnh nhân để nắm rõ tình hình bởi rối loạn đông máu là nguyên nhân gây băng huyết sau sinh rất đáng sợ. Đồng thời bác sĩ khoa sản phải hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa huyết học để chuẩn bị nguồn máu cần thiết kịp thời can thiệp khi sản phụ có dấu hiệu bất thường. 

Tuy nhiên, "trong hồ sơ bệnh án từ 8g30 đến 12g không có thời gian ghi nhận về bệnh nặng, mất máu. Đến khi thông báo cho người nhà bệnh nhân thì sản phụ đã hôn mê sâu”, bác sĩ Tuấn nói.

 

 

Ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, cho biết sau khi nghe tình hình của sản phụ Hiệp, đích thân ông Đức đã túc trực chỉ đạo việc cứu chữa.

"Nhưng đến giờ phải thành thật chia buồn cùng gia đình nạn nhân. Sở sẽ phối hợp cùng với Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi kiểm tra quy trình làm việc của bác sĩ. Nếu có sai sót nào dẫn đến việc sản phụ Hiệp tử vong sẽ xử lý nghiêm. Đồng thời chúng tôi cũng phối hợp với công an điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết của sản phụ Hiệp”, ông Đức nói

Đông Hải.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh