Quảng Nam tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh
- Y học 360
- 10:27 - 10/12/2021
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Y tế, Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, chủ đầu tư hạ tầng các Khu, Cụm công nghiệp khẩn trương kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là các cơ sở đã xuất hiện các ca F0, có số lượng người lao động lớn.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục và xử lý nghiêm các trường hợp lơ là, chủ quan, vi phạm trong công tác phòng, chống dịch theo thẩm quyền. Đồng thời, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý đối với các trường hợp vượt thẩm quyền.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công an tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp nắm tình hình, xác minh các đối tượng vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh, làm lây lan dịch bệnh COVID-19 trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để xử lý nghiêm theo quy định, đảm bảo an ninh trật tự tại các Khu, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Nam, trong ngày 9/12, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 118 ca mắc COVID-19, trong đó có 83 ca cộng đồng, gồm: Điện Bàn 39 ca; Duy Xuyên 16 ca; Núi Thành 13 ca; Hội An 6 ca; Tam kỳ 5 ca; Thăng Bình 2 ca; Đại lộc 1 ca; Quế Sơn 1 ca.
Như vậy, từ ngày 18/7 đến nay, tỉnh Quảng Nam có 3.612 ca bệnh công bố, gồm: 1.143 ca bệnh cộng đồng, 1.993 ca lây nhiễm thứ phát, 352 ca xâm nhập từ các tỉnh và 124 ca nhập cảnh.
Tỉnh Quảng Nam hiện đang cách ly tại cơ sở y tế 1.060 người, trong đó 1.000 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị và 60 người có yếu tố dịch tễ và triệu chứng.
Tỉnh hiện đã tiếp nhận 2.014.650 liều vaccine phòng COVID-19 và đã tổ chức tiêm 1.652.282 mũi, trong đó 1.036.368 người tiêm ít nhất 1 mũi (91,4% số người cần tiêm) và 662.560 người tiêm đủ 2 mũi (58,4% số người cần tiêm).