Quảng Nam: Nỗ lực tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp trong các vụ sạt lở
- Tây Y
- 13:25 - 30/10/2020
Thông tin trên SGGP, bão số 9 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân trên địa bàn tỉnh, đã làm nhiều người chết, mất tích và bị thương.
Đặc biệt, bão số 9 đi qua đã gây ra các vụ sạt lở đất nghiêm trọng và vùi lấp nhiều người tại thôn 1, xã Trà Leng; thôn 1, xã Trà Vân (huyện Nam Trà My); thôn 6 (xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn) vào tối 28-10 và đến nay vẫn còn nhiều người bị vùi lấp chưa được tìm thấy.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn và thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương phối hợp triển khai thành lập Sở chỉ huy tiền phương và Ban chỉ huy hiện trường để chỉ đạo triển khai công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân bị vùi lấp, mất tích.
Các đơn vị xây dựng ngay các phương án tiếp cận hiện trường (đường thủy, đường bộ), các phương án phải có trinh sát, người dẫn đường am hiểu địa hình để tìm ra các tuyến đường tối ưu nhất, sớm tiếp cận được hiện trường với tinh thần là gấp rút, chạy đua với thời gian, tranh thủ lúc thời tiết đang thuận lợi.
Huy động toàn bộ lực lượng hiện có của các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn (Công an, Quân đội, dân quân tự vệ, các ban ngành liên quan) phối hợp với lực lượng các đơn vị quân đội thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các lực lượng của Sở Giao thông vận tải, các sở, ban ngành liên quan của tỉnh khẩn trương thực hiện khai thông, mở đường để các lực lượng, phương tiện sớm tiếp cận các khu vực bị sạt lở.
Giao UBND các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn huy động các lực lượng tại chỗ để phục vụ công tác hậu cần cho lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời cho các gia đình có nạn nhân bị vùi lấp, mất tích. Đồng thời, các địa phương tổ chức mai táng, hậu sự cho các nạn nhân bị tử nạn đảm bảo chu đáo, theo phong tục truyền thống của địa phương.
Liên quan đến các vụ sạt lở ở Quảng Nam, Giao thông đưa thông tin, chiều 29/10, những chuyến xe cấp cứu đầu tiên đã đưa những nạn nhân bị thương trong vụ sạt lở về Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My để điều trị. Nhiều người trong số đó gãy chân, tay, chấn thương nhiều chỗ. Có 2 người thương tích quá nặng phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên.
Cô bé mới 5 tuổi gặp nạn gãy cả 2 chân khóc nghẹn trên băng ca khiến những người có mặt tại bệnh viện quặn thắt. Bác sĩ liên tục trấn an, cô bé chỉ còn nói "con đau" rồi nước mắt lại tuôn trào.
Từ sáng đến giờ, anh Hồ Văn Kim (trú thôn 1, xã Trà Leng) tất tả cuốc bộ đường núi suốt 6 tiếng đồng hồ để cõng 2 người dân bị thương từ nơi sạt lở đến Trạm xá Trà Dơn bàn giao cho lực lượng cứu hộ. Đêm qua nghe tiếng ầm ầm mình liền bảo vợ con chạy ra ngoài, còn anh Kim thì chạy qua điểm sạt lở để hỗ trợ cứu người.
Suốt buổi chiều 29/10, người dân xã Trà Leng gặp cán bộ nào cũng hỏi: "Đã tìm thấy anh Việt chưa?", "Anh Việt khi nào mới về?"... Họ thương anh Bí thư xã chân chất, bình dị.
Đến chập tối cùng ngày, lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm người còn mất tích. Theo thông tin mới nhất từ lực lượng cứu hộ, đến thời điểm hiện tại đã xác định được có 33 người còn sống trong vụ sạt lở, 6 thi thể đã được tìm thấy. Hiện vẫn còn 13 người mất tích, trong đó có ông Lê Hoàng Việt, Bí thư xã Trà Leng.